Bãi rác Nam Sơn - Những nút thắt cần tháo gỡ

Bài 3: Dự án cấp bách cũng… lỡ hẹn

Lâm Nguyễn - LINH DƯƠNG
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Được kỳ vọng khi đưa vào sử dụng, Nhà máy đốt rác phát điện Thiên Ý sẽ giải quyết cơ bản tình trạng chôn lấp truyền thống, mất VSMT đang tồn tại ở bãi rác Nam Sơn. Song, đến thời điểm này, sau nhiều lần lùi tiến độ, dự án vẫn đang trong giai đoạn chạy thử.

>>> Bài 1: Còn đó... những nỗi lo

>>> Bài 2: Thiếu mặt bằng sạch, dự án xử lý rác thải đi vào bế tắc

Vẫn chưa rõ ngày về đích

Nhà máy Điện rác Sóc Sơn thuộc Khu liên hợp xử lý chất thải rắn Sóc Sơn, huyện Sóc Sơn được UBND TP phê duyệt chủ trương đầu tư trên diện tích khoảng 17,51ha. Dự án được khởi công từ tháng 8/2019. Nhà máy xử lý rác thải sinh hoạt theo công nghệ lò đốt ghi cơ học (ghi di động) kiểu Waterleau của Bỉ, đáp ứng nhu cầu về xử lý rác thải sinh hoạt hiện nay của thành phố Hà Nội.

Nhà máy xây dựng có công suất 4.000 tấn rác khô/ngày - đêm (tương đương 5.500 tấn rác ướt) cùng các công trình phụ trợ, công trình cơ sở hạ tầng đồng bộ với tổng mức đầu tư hơn 7.000 tỷ đồng. Chủ đầu tư của dự án là Công ty CP Năng lượng Thiên Ý, Tổng thầu MCC (Trung Quốc) thực hiện.

Hiện tại, nhà máy đốt rác phát điện Thiên Ý mới đang trong quá trình vận hành thử nghiệm giai đoạn 1.
Hiện tại, nhà máy đốt rác phát điện Thiên Ý mới đang trong quá trình vận hành thử nghiệm giai đoạn 1.

Theo kế hoạch, Nhà máy đốt rác phát điện Thiên Ý vận hành theo 3 giai đoạn. Trong đó, giai đoạn 1 chủ đầu tư sẽ vận hành lò đốt rác số 3 với công suất 800 tấn/ngày, rác tiếp nhận của nhà máy 1.000 tấn/ngày, công suất phát điện là 15MW. Giai đoạn 2, vận hành lò đốt số 2, số 4 với công suất 800 tấn/lò/ngày, rác tiếp nhận của nhà máy tổng 3.000 tấn/ngày, công suất phát điện của 2 tổ máy là 45MW. Giai đoạn 3 , lò đốt số 1, số 5 sẽ tiếp nhận rác với công suất 800 tấn/lò/ngày, công suất xử lý rác 4.000 tấn/ngày, rác tiếp nhận của nhà máy 5.000 tấn/ngày, tổng công suất phát điện là 75MW…

Kế hoạch là vậy, nhưng đến thời điểm này, bản thân chủ đầu tư vẫn chưa thể biết bao giờ dự án có thể hoạt động hết công suất, mặc dù các hạng mục phục vụ cho việc đốt rác phát điện đã cơ bản hoàn thành.

 

Theo Tổng cục Môi trường (Bộ TN&MT), hiện nay mỗi ngày cả nước phát sinh khoảng 60.000 tấn rác, trong đó, rác thải đô thị chiếm khoảng 60%. Theo dự báo, đến năm 2025, tỷ lệ phát sinh chất thải rắn sinh hoạt tăng 10 - 16%/năm. Riêng các TP lớn như Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, dự báo mỗi ngày phát sinh 7.000 - 9.000 tấn rác thải.

Trao đổi với báo Kinh tế & Đô thị, đại diện Công ty CP Năng lượng Thiên ý chia sẻ, theo kế hoạch đã được điều chỉnh, nhà máy đốt rác phát điện Thiên Ý sẽ vận hành giai đoạn 1 vào ngày 20/1/2022; giai đoạn 2 bắt đầu từ ngày 22/2/2022 và giai đoạn 3 là ngày 25/3… Tuy nhiên, đến thời điểm này, Nhà máy vẫn đang trong giai đoạn vận hành thử nghiệm… giai đoạn 1, tức đã chậm hơn so với kế hoạch hơn 4 tháng.

Thế nhưng, dù đã chậm so với kế hoạch đề ra hơn 4 tháng, nhưng đến thời điểm này, câu trả lời chắc chắn cho việc bao giờ Nhà máy đốt rác phát điện Thiên Ý có thể hoạt động hết công suất, truyền tải điện năng thu được vào mạng lưới điện quốc gia… vẫn chưa có câu trả lời cụ thể.

Rút ngắn thời gian xử lý thủ tục hành chính

Lý giải về việc liên tục bị lùi tiến độ, bà Nguyễn Thị Hồng Vân - đại diện Công ty CP Năng lượng Thiên Ý cho biết, theo kế hoạch, nhà máy đốt rác phát điện Thiên Ý hoạt động từ đầu năm 2022. Tuy nhiên, do các quy định của luật thay đổi, nên đơn vị đang phải điều chỉnh lại giấy phép đầu tư, từ đó thời gian vận hành cũng bị “trượt” mất mấy tháng so với kế hoạch đề ra.

Nếu thuận lợi, cuối tháng 7, đầu tháng 8 Nhà máy đốt rác phát điện Thiên Ý mới có thể vận hành cả 3 giai đoạn.
Nếu thuận lợi, cuối tháng 7, đầu tháng 8 Nhà máy đốt rác phát điện Thiên Ý mới có thể vận hành cả 3 giai đoạn.

Cụ thể, theo kế hoạch giai đoạn 2, giai đoạn 3 được triển khai trong tháng 3, 4/2022, song những vướng mắc về thủ tục khiến thời gian vận hành của các giai đoạn này kéo dài đến tháng 6, tháng 7. Bởi, chỉ sau khi điều chỉnh được quyết định đầu tư thì đơn vị mới được phép nộp hồ sơ xin giấy phép đảm bảo vệ sinh môi trường lên Bộ TN&MT. Và theo kế hoạch, sau khi hoàn thành điều chỉnh quyết định đầu tư, đơn vị sẽ đẩy nhanh tiến độ gửi hồ sơ xin cấp giấy phép đảm bảo môi trường lên Bộ TN&MT để phấn đấu cuối tháng 6, đầu tháng 7 giai đoạn 2 sẽ vận hành; giai đoạn 3 sẽ vận hành trong giai đoạn cuối tháng 7 đầu tháng 8.

Đề cập đến những khó khăn trong việc đẩy nhanh tiến độ của dự án, bà Nguyễn Thị Hồng Vân chia sẻ, trong quá trình thực hiện dự án, đơn vị đã nhận được sự giúp đỡ, hỗ trợ kịp từ phía các đơn vị chức năng TP và các sở, ban, ngành. Song, điều khiến tiến độ của dự án bị chậm có lẽ một phần đến từ thời gian giải quyết các thủ tục hành chính, quy trình kiểm định của từng giai đoạn, hạng mục.

Dẫn chứng về việc này, bà Vân chia sẻ, có những hạng mục thời gian kiểm tra kéo dài đến 5, 7 ngày, nhưng công đoạn này hoàn toàn có thể thực hiện trong vài ngày, nhưng quy định là quy định, lực lượng chức năng vẫn phải đợi “đủ ngày, đủ tháng” mới chứng nhận cho đơn vị. Mặc dù trong quá trình đó, đoàn kiểm tra không yêu cầu bổ sung, sửa chữa gì thêm.

Được biết hiện tại, Nhà máy đốt rác phát điện Thiên Ý đang vận hành chạy thử để tiến hành căn chỉnh hệ thống. Thời gian chạy thử, căn chỉnh dự kiến kéo dài 30 - 40 ngày. Trong thời gian này, mỗi ngày nhà máy sẽ đốt được 140 - 200 tấn rác. Sau khi hoàn thành căn chỉnh, công suất của dự án sẽ được điều chỉnh dần dần để đạt đúng công suất theo kế hoạch là 800 tấn/ngày đêm.

Theo các chuyên gia trong lĩnh vực môi trường, hệ thống xử lý rác thải là vấn đề mang tính sống còn của một đô thị, nhưng chưa được chú trọng đúng mức ở Việt Nam. Đơn cử như ở Hà Nội, từ năm 1997 đến nay, chôn lấp vẫn là cách xử lý rác thải chủ yếu của Thủ đô. Trong khi, cứ 1m3 rác thải được chôn xuống đất sẽ sinh ra 1,3m3 nước rỉ rác gây ô nhiễm, ảnh hưởng trực tiếp đến nguồn nước sinh hoạt. Do đó, việc nhà máy đốt rác phát điện sớm đi vào hoạt động ngày nào hay ngày đó, sẽ giảm thiểu được tình trạng ô nhiễm môi trường tại Thủ đô.