Mắc kẹt từ 0,68ha
Để duy trì việc chôn lấp rác thải, UBND TP Hà Nội đã có quyết định mở rộng Khu liên hợp xử lý chất thải Sóc Sơn giai đoạn II trên quy mô diện tích 73,73ha. Trong đó, đất nông nghiệp, đất chuyên dùng là 52,46ha của 442 hộ dân; và 21,27ha đất ở của 287 gia đình.
Theo đại diện UBND huyện Sóc Sơn, việc GPMB diện tích thuộc giai đoạn II do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình cấp thoát nước và môi trường TP Hà Nội thực hiện (đơn vị này đã sáp nhập với 1 đơn vị khác của Hà Nội và có tên gọi khác là: Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình hạ tầng kỹ thuật và nông nghiệp TP Hà Nội).
UBND huyện Sóc Sơn đã phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ GPMB 100% diện tích (73,73ha). Trong đó, khu phía Nam thuộc địa phận hai xã Nam Sơn, Hồng Kỳ có diện tích 36,26ha đã hoàn thành công tác GPMB, bàn giao và đưa vào sử dụng từ năm 2014. 37,47ha thuộc khu vực phía Bắc thuộc địa phận xã Bắc Sơn cũng đã được huyện phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ.
Đến nay, diện tích đã được huyện Sóc Sơn GPMB và bàn giao cho chủ đầu tư thi công đạt 72,67/73,73ha (đạt 98,57% diện tích dự án.
Hiện, diện tích dự án đã phê duyệt bồi thường, hỗ trợ GPMB nhưng chưa bàn giao mặt bằng là 0,68ha, thuộc ô chôn lấp số 1.1 (5,6ha) và phần phụ cận bên ngoài (0,18ha).
Theo UBND huyện Sóc Sơn, đối với công tác GPMB dự án Khu liên hợp xử lý chất thải Sóc Sơn giai đoạn II, UBND huyện có trách nhiệm thành lập Hội đồng bồi thường, hỗ trợ và tái định cư; thực hiện nhiệm vụ thẩm định phương án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư do chủ đầu tư (Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình hạ tầng kỹ thuật và nông nghiệp TP Hà Nội) lập và phê duyệt phương án theo quy định, làm cơ sở để chi trả tiền cho người dân bàn giao mặt bằng.
Liên quan đến việc 0,68ha hiện chưa thể bàn giao để triển khai tiếp dự án Khu liên hợp xử lý chất thải Sóc Sơn, đại diện UBND huyện Sóc Sơn cho biết có liên quan đến 6 hộ gia đình đã được UBND huyện phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ GPMB. Hiện, các hộ dân không nhận tiền và bàn giao mặt bằng.
UBND huyện Sóc Sơn đã có hai Văn bản số 3355/UBND-PTQĐ và 574/UBND-TTQĐ, đôn đốc chủ đầu tư khẩn trương thực hiện trách nhiệm và tập trung giải quyết các tồn tại. Đồng thời, chỉ đạo UBND xã Bắc Sơn phối hợp chặt chẽ với chủ đầu tư là Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật và môi trường TP Hà Nội, tiếp tục tuyên truyền, vận động và hoàn thiện hồ sơ cưỡng chế các trường hợp theo đúng quy định.
Sớm hoàn thành GPMB
Theo đánh giá của UBND huyện Sóc Sơn, quá trình thực hiện GPMB dự án Khu liên hợp xử lý chất thải Sóc Sơn có nhiều sự thay đổi về chính sách hỗ trợ đền bù, đơn giá, cách xác định vị trí thửa đất… Điều này dẫn đến người dân có nhiều thắc mắc, khiếu nại.
Dù vậy, UBND huyện Sóc Sơn cũng thừa nhận, quá trình triển khai GPMB dự án Khu liên hợp xử lý chất thải Sóc Sơn bị chậm một phần là do công tác quản lý hồ sơ địa chính của các cấp chính quyền qua nhiều thời kỳ còn hạn chế, thiếu sót. Hồ sơ địa chính do Sở Địa chính – Nhà đất (nay là Sở TN&MT) cung cấp chỉ có bản đồ địa chính tỷ lệ 1/1.000 mà không có sổ địa chính, sổ mục kê đồng bộ kèm theo; UBND một số xã không lưu giữ hồ sơ đầy đủ.
Chủ tịch UBND huyện Sóc Sơn Phạm Văn Minh cho biết, để đẩy nhanh tiến độ dự án Khu liên hợp xử lý chất thải Sóc Sơn giai đoạn II, địa phương tiếp tục chỉ đạo quyết liệt UBND 3 xã (Nam Sơn, Bắc Sơn, Hồng Kỳ), các phòng ban đơn vị liên quan tích cực tuyên truyền, vận động người dân phối hợp, chấp hành các quy định pháp luật về đất đai; thực hiện bàn giao đất để chủ đầu tư thực hiện dự án. Đồng thời, huyện cũng đang chỉ đạo các xã tập trung hoàn thiện hệ thống sổ sách theo dõi, quản lý đất đai; thiết lập hệ thống sổ sách địa chính. Đồng thời, tổ chức phân loại các khó khăn, vướng mắc từ cơ sở để kịp thời báo cáo, phối hợp với Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật và nông nghiệp TP Hà Nội, các sở ngành để tập trung tháo gỡ nhằm đẩy nhanh tiến độ của dự án.
Dự án Khu liên hợp xử lý chất thải Sóc Sơn nằm trên địa bàn 3 xã: Nam Sơn, Bắc Sơn và Hồng Kỳ. Giai đoạn I của dự án được thực hiện trên quy mô 83,4ha do Ban Quản lý dự án công trình công cộng thuộc Sở Giao thông công chính (nay là Sở GTVT) thực hiện GPMB, từ năm 1999 – 2001. Giai đoạn II do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình cấp thoát nước và môi trường TP Hà Nội (hiện là Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình hạ tầng kỹ thuật và nông nghiệp TP Hà Nội) thực hiện.