Bãi rác Nam Sơn - những nút thắt cần tháo gỡ

Vân Nhi - Lâm Nguyễn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Mặc dù TP Hà Nội đã triển khai nhiều biện pháp nhằm nâng cao hiệu quả xử lý rác, nước rỉ rác tại Khu liên hiệp xử lý rác thải Sóc Sơn, nhưng đến thời điểm này đây vẫn là bài toán khó đối với các đơn vị có liên quan và chính quyền huyện Sóc Sơn.

Bài 1: Còn đó... những nỗi lo
Đến thời điểm này, những khó khăn vướng mắc tại bãi rác Nam Sơn đã từng bước được xử lý. Ảnh: Công Trình  
Đến thời điểm này, những khó khăn vướng mắc tại bãi rác Nam Sơn đã từng bước được xử lý. Ảnh: Công Trình  

Đến thời điểm này, những khó khăn vướng mắc trong công tác quản lý vận hành Khu liên hiệp xử lý rác thải Sóc Sơn (bãi rác Nam Sơn) đã cơ bản được xử lý. Tuy nhiên, về lâu về dài như diện tích chôn lấp rác, xử lý nước rác… vẫn là một trong những vấn đề nóng, ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân trong khu vực.

Những tín hiệu vui

Theo lãnh đạo Sở Xây dựng Hà Nội, bãi rác Nam Sơn hoạt động từ năm 1999, hiện nay đang phải tiếp nhận 4/5 khối lượng chất thải rắn của TP (khoảng 5000 – 5.500 tấn/ngày đêm). Và, cùng với thời gian, đặc biệt là từ năm 2020 cuối tháng 4/2021, khi các ô chôn lấp rác đã đầy, không mở rộng được ô chôn lấp mới nên bãi rác Nam Sơn thường xuyên phải thực hiện các giải pháp tạm thời, cấp bách để duy trì hoạt động, bảo đảm an ninh môi trường cho TP.

Tuy nhiên, đến thời điểm này, với sự vào cuộc quyết liệt của các đơn vị có liên quan, công tác vận hành bãi rác Nam Sơn đã cơ bản được đảm bảo. Giám đốc Chi nhánh xử lý rác thải Nam Sơn Nguyễn Thanh Tùng cho biết, sau một thời gian phải “ăn đong” từng khu vực để chôn lấp rác, đến nay diện tích tiếp nhận rác, nước rỉ rác đã được xử lý.

Cụ thể, theo ông Nguyễn Thanh Tùng, hiện bãi rác Nam Sơn đang thực hiện tiếp nhận rác tại vị trí Hồ sinh học đổ rác tại 3 sân quay (sân quay phía Đông Bắc, Đông Nam và Tây Bắc Hồ sinh học). Trong đó, khối lượng rác tiếp nhận tại Hồ sinh học dự kiến 650.000 tấn (công suất 5.000 tấn/ngày). Thời gian tiếp nhận dự kiến 130 ngày từ 11/5/2022 đến 18/9/2022.

Đối với công tác tiếp nhận nước rỉ rác, ông Nguyễn Thanh Tùng cho biết, hiện bãi rác Nam Sơn lưu chứa 636.124m3 tại 8 vị trí, nhưng hiện đây không còn là vấn đề đáng lo ngại. Theo lý giải của ông Tùng, hiện tại, đơn vị đã tiếp nhận Hồ chứa sinh học khẩn cấp tại ô xen kẹt 10,5ha với dung tích hơn 440.000m3. Do đó, có thể nói đến thời điểm này những bất cập trong công tác vận hành, quản lý bãi Nam Sơn đã cơ bản được xử lý.

Đường vào Khu liên hiệp xử lý rác thải Sóc Sơn. Ảnh Công Trình
Đường vào Khu liên hiệp xử lý rác thải Sóc Sơn. Ảnh Công Trình

Đẩy nhanh đấu thầu xử lý nước rỉ rác

Theo báo cáo của Sở Xây dựng Hà Nội, trong giai đoạn 2015 – 2020, công tác xử lý nước rác phát sinh được thực hiện theo phương thức đặt hàng cho các đơn vị thực hiện. Trong đó, Công ty CP Khoáng sản Minh Đức công suất 800m3/ngày đêm; Công ty TNHH MTV Môi trường Đô thị Hà Nội 1.500m3/ngày đêm; Liên danh Phú Điền – SPS công suất 2.000m3/ngày đêm.

Từ năm 2021 đến nay, công tác xử lý nước rác phát sinh được thực hiện theo hình thức đặt hàng, đấu thầu đối với các đơn vị đã đấu thầu xây dựng các trạm xử lý nước rác theo hình thức xã hội hóa (3 đơn vị kể trên - PV). Và trong 4 tháng đầu năm 2021, với công suất 3.700m3/ngày đêm, các trạm trên cơ bản đã xử lý được hết nước rỉ rác hàng ngày và loại bỏ được 3 hồ chứa để sử dụng tiếp nhận xử lý rác sinh hoạt.

Tuy nhiên, từ tháng 5/2021 trạm xử lý của Công ty Urenco đã dừng hoạt động. Tiếp đó, tháng 8/2021, trạm của Liên danh Phú Điền – SPS cũng dừng hoạt động khiến tổng công suất xử lý không đảm bảo, dẫn đến lượng nước rỉ rác mỗi ngày tăng từ 1.000 – 1.500m3… Điều này đã gây nhiều khó khăn trong công tác vận hành, quản lý nước rác đối với khu xử lý, là nguyên nhân phải ban hành các lệnh khẩn cấp nhằm xây dựng các vị trí lưu chứa nước rác để giải phóng các ô chứa, tiếp nhận rác thải.

Để khắc phục tình trạng trên, Giám đốc Sở Xây dựng Võ Nguyên Phong cho biết, Sở sẽ thực hiện các bước duyệt kế hoạch đấu thầu, lựa chọn nhà thầu thực hiện 2 gói thầu xử lý nước rác tại bãi rác Nam Sơn với khối lượng khoảng 1,9 triệu m3 từ tháng 6/2022 – thời điểm gói thầu xử lý khẩn cấp hết khối lượng.

Trong khi đó, lý giải về việc dừng hoạt động của trạm xử lý nước rỉ rác tại bãi rác Nam Sơn, Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Môi trường Đô thị Hà Nội Nguyễn Hữu Tiến cho biết, năm 2021, Sở Xây dựng đặt hàng cho đơn vị xử lý nước rác, thời gian từ ngày 1/1/2021 đến 30/4/2021 với khối lượng là 174.000m3, kinh phí khoảng 20,3 tỷ đồng. Đến thời điểm đầu tháng 11/2021, đơn vị đã xử lý được gần 200.000m3 với kinh phí hơn 22 tỷ đồng.

Mặt khác, từ ngày 1/5/2021 đến nay, Sở Xây dựng chỉ ra văn bản đôn đốc công tác vận hành xử lý nước rác nhưng chưa thực hiện các thủ tục pháp lý thuộc trách nhiệm của chủ đầu tư giao đơn vị vận hành như: Quyết định giao đặt hàng, ký kết hợp đồng… do vậy đơn vị không có cơ sở để thực hiện công tác xử lý nước rác cũng như thực hiện các biện pháp nâng cao hiệu quả, đảm bảo công tác xử lý thường xuyên và liên tục.

Từ thực tế trên, lãnh đạo Công ty THHH MTV Môi trường Đô thị Hà Nội kiến nghị Sở Xây dựng khẩn trương đẩy nhanh công tác đấu thầu các gói thầu xử lý nước rác tại bãi rác Nam Sơn để đảm bảo xử lý giảm tải lượng nước rác tồn đọng tại khu xử lý, đảm bảo vệ sinh môi trường, tránh những hệ lụy có thể phát sinh.

(Còn nữa)

 

Từ ngày 28/10/2021 đến 8 giờ sáng ngày 1/11/2021, do ảnh hưởng của mưa bão kéo dài, lượng mưa đo được tại bãi Nam Sơn đạt 168mm, khiến các hồ chứa không còn chỗ lưu chứa thêm nước rác phát sinh, đã xảy ra sự cố nhỏ tràn nước rỉ rác ra đường thuộc nội bộ khu xử lý… Từ thực tế trên, Công ty TNHH MTV Môi trường Đô thị đã phải dừng tiếp nhận rác để có biện pháp phòng ngừa, ứng phó sự cố chất thải.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần