Bảo vệ người tiêu dùng trên không gian mạng: Những lỗ hổng pháp lý

Lê Nam
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Những năm gần đây, hoạt động kinh doanh trên các nền tảng thương mại điện tử đã có những bước phát triển mạnh mẽ. Tuy nhiên, việc các quy định pháp lý chưa theo kịp thực tế đã tạo ra nhiều hệ lụy, ảnh hưởng đến niềm tin và quyền lợi người tiêu dùng.

Nhiều khiếu nại về hàng hoá trên các sàn thương mại điện tử 

Thông tin từ Tổng cục Quản lý thị trường, đơn vị này thường xuyên nhận phản ánh của các đơn vị sở hữu thương hiệu lớn về tình trạng hàng giả, hàng nhái thương hiệu của doanh nghiệp bày bán công khai trên các sàn thương mại điện tử lớn như Lazada, Shopee, TikTok.

Người tiêu dùng mua sản phẩm trên sàn thương mại điện tử. Ảnh: Hoài Nam
Người tiêu dùng mua sản phẩm trên sàn thương mại điện tử. Ảnh: Hoài Nam

Cục trưởng Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công thương) Lê Hoàng Oanh cho biết, những năm gần đây các khiếu nại của người tiêu dùng trong lĩnh vực thương mại điện tử đang gia tăng liên tục. Một số hành vi bị phản ánh, khiếu nại thường xuyên vẫn là chất lượng kém so với quảng cáo, không tin tưởng đơn vị bán hàng hay khó kiểm định chất lượng hàng hóa. “Các vấn đề người tiêu dùng gặp nhiều trở ngại khi mua sắm trực tuyến gồm chất lượng kém so với quảng cáo (42%), vận chuyển và giao nhận kém (25%), dịch vụ chăm sóc khách hàng kém (22%)”- bà Oanh nêu ví dụ.

Sàn thương mại điện tử Sendo hướng dẫn doanh nghiệp đưa sản phẩm lên không gian mạng. Ảnh: Hoài Nam
Sàn thương mại điện tử Sendo hướng dẫn doanh nghiệp đưa sản phẩm lên không gian mạng. Ảnh: Hoài Nam

Trưởng phòng Bảo vệ người tiêu dùng, Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng (Bộ Công Thương) Cao Xuân Quảng cho biết, trung bình mỗi năm, đơn vị xử lý từ 500 - 2.000 khiếu nại của người tiêu dùng liên quan đến giao dịch online. Những phản ánh vi phạm đến quyền lợi người tiêu dùng tập trung vào hiện tượng giao hàng hỏng hóc, vỡ nát, không đúng với đơn đặt hàng, không đúng với quảng cáo cũng như vấn nạn hàng gian, hàng giả…

Khắc phục lỗ hổng pháp lý

Theo các chuyên gia, để xảy ra tình trạng vi phạm quyền lợi người tiêu dùng trên không gian mạng nhưng chưa được giải quyết triệt để là do pháp luật hiện hành chưa có quy định rõ ràng, chặt chẽ, chưa theo kịp với sự phát triển của thương mại điện tử. Chủ tịch Hội Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng, chính sách bảo vệ người tiêu dùng của Việt Nam hiện nay khá toàn diện nhưng khiếu nại vẫn gia tăng, do nhiều quy định của luật không còn phù hợp với thực tế nhưng chưa được điều chỉnh.

“Trong Luật đã dành một chương riêng để nói về các tổ chức xã hội tham gia bảo vệ người dùng, tuy nhiên, nhiệm vụ, trách nhiệm được giao khá cụ thể và đầy đủ, nhưng quy định về quyền hạn cũng như nguồn lực để thực thi lại chưa được cụ thể. Đây là một trong những bất cập cho lực lượng chức năng trong quá trình thực thi luật”- ông Hùng nêu ví dụ.

Người tiêu dùng mua sản phẩm trên sàn thương mại điện tử. Ảnh: Hoài Nam
Người tiêu dùng mua sản phẩm trên sàn thương mại điện tử. Ảnh: Hoài Nam

Để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong không gian mạng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Tạ Đình Thi nêu rõ, hiện các quy định về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trên không gian mạng chưa có các quy định cụ thể, rõ ràng. Mặc dù đã có nhiều luật đề cập đến nó như Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dung như: Luật Thương mại, Luật Giao dịch điện tử, Luật Công nghệ thông tin, Luật Cạnh tranh, Luật An toàn thông tin… "Vì vậy, cần sửa đổi, bổ sung về nội dung giao dịch trên không gian mạng hay giao dịch trên các nền tảng số. Đây là phạm trù mới, rộng, phức tạp và cần phải quy định chi tiết" - ông Tạ Đình Thi bày tỏ.

Thông tin về những hoạt động bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trên không gian mạng, Phó Chủ tịch Uỷ ban Cạnh tranh Quốc gia Nguyễn Quỳnh Anh thông tin, đơn vị đang xây dựng Bộ tiêu chí doanh nghiệp vì người tiêu dùng trong lĩnh vực thương mại điện tử. Bộ tiêu chí được xây dựng nhằm đánh giá mức độ tuân thủ pháp luật và thực hiện trách nhiệm của doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực thương mại điện tử đối với người tiêu dùng, từ đó xác định các giải pháp nhằm cải thiện và nâng cao trách nhiệm đối với người tiêu dùng.

   Sàn thương mại điện tử Sendo hướng dẫn doanh nghiệp đưa sản phẩm lên không gian mạng. Ảnh: Hoài Nam
   Sàn thương mại điện tử Sendo hướng dẫn doanh nghiệp đưa sản phẩm lên không gian mạng. Ảnh: Hoài Nam

“Trong bối cảnh thị trường cạnh tranh ngày càng khốc liệt, sự độc đáo và đổi mới không chỉ nằm ở sản phẩm mà còn ở cách thức doanh nghiệp tương tác và đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng. Bộ tiêu chí sẽ là một công cụ quan trọng giúp các chủ thể tham gia hoạt động thương mại điện tử định hình và phát triển những giá trị này”- bà Quỳnh Anh khẳng định.

Nhằm ngăn chặn những hành vi vi phạm quyền lợi người tiêu dùng, Chính phủ đã ban hành Quyết định số 319/QĐ-TTg  phê duyệt Đề án về chống hàng giả và bảo vệ người tiêu dùng trong thương mại điện tử đến năm 2025. Theo đó, yêu cầu 100% các sàn giao dịch thương mại điện tử ký cam kết không kinh doanh hàng giả; 100% các tổ chức, cá nhân kinh doanh trên sàn giao dịch thương mại điện tử được tuyên truyền, phổ biến các quy định pháp luật về đối với loại hình kinh doanh này; 100% người tiêu dùng được tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về bảo vệ quyền lợi của mình.

Đồng thời, cơ quan chức năng xây dựng cơ sở dữ liệu tập trung về chống hàng giả và bảo vệ người tiêu dùng trong hoạt động thương mại điện tử qua đó kết nối, chia sẻ với các cơ sở dữ liệu liên quan của các lực lượng chức năng thuộc các bộ, ngành.

Mặc dù cơ quan chức năng đang tăng cường "vá” lỗ hổng pháp lý trong quá trình bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, tuy nhiên, để hạn chế thấp nhất các rủi ro, nhất là khi mua hàng trên không gian mạng, người tiêu dùng phải tìm mua hàng hóa ở các cửa hàng có địa chỉ uy tín, các đại lý phân phối hàng chính hãng, phải có hóa đơn và giữ lại hóa đơn để phòng những sự cố đáng tiếc xảy ra.