[Cán bộ "đường lối" trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số] Bài cuối: Cán bộ, đảng viên phải là người tiên phong, gương mẫu...

Văn Chiến (thực hiện)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Phát triển Đảng trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số là nhiệm vụ không dễ dàng. Để thu hút, lôi cuốn quần chúng đến với Đảng thì cán bộ, đảng viên trong vùng đồng bào dân tộc phải là người tiên phong, gương mẫu...

Đó là chia sẻ của Trưởng ban Dân tộc TP Hà Nội Nguyễn Tất Vinh với phóng viên báo Kinh tế & Đô thị về vai trò của cán bộ, đảng viên vùng đồng bào dân tộc thiểu số...
Ông Nguyễn Tất Vinh - Trưởng ban Dân tộc TP Hà Nội.

Thưa ông, những năm gần đây, công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị ở các xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số của Hà Nội đã có sự thay đổi như thế nào?
- Có thể nói, trong những năm qua, công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị ở các xã vùng dân tộc thiểu số được đẩy mạnh; chất lượng và hiệu quả các hoạt động của tổ chức Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội các cấp được nâng lên. Ban Thường vụ Huyện ủy các huyện đều có Nghị quyết chuyên đề về việc củng cố, xây dựng các tổ chức Đảng; phân công cấp ủy viên có năng lực, kinh nghiệm phụ trách địa bàn các xã vùng dân tộc thiểu số miền núi; các đảng ủy xã phân công cấp ủy phụ trách chỉ đạo các thôn; tăng cường cán bộ cho cơ sở và thôn khó khăn, giúp địa phương giải quyết vướng mắc ngay từ cơ sở.
Tính hết năm 2018, tại 14 xã vùng dân tộc thiểu số, tỉ lệ Đảng bộ xã, chi bộ thôn hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên chiếm trên 71,4%; không có Đảng bộ, chi bộ yếu kém. Năng lực quản lý, điều hành của HĐND và UBND các xã miền núi chuyển biến tích cực, chất lượng các kỳ họp HĐND xã được nâng lên. Công tác giám sát, tiếp xúc cử tri đi vào nề nếp; công tác quản lý Nhà nước, thực hiện các nhiệm vụ của cán bộ, công chức cấp xã ngày càng bài bản; chất lượng, hiệu quả hơn do áp dụng công nghệ thông tin, tăng cường cải cách thủ tục hành chính, thực hiện văn hóa công sở...
Sự sát sao của cấp ủy, chính quyền, lãnh đạo các địa phương đã đem đến những hiệu quả gì trong công tác phát triển kinh tế - xã hội của bà con nhân dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số?
- TP Hà Nội có trên 8 triệu dân, trong đó có hơn 108.300 đồng bào dân tộc thiểu số (chiếm 1,34% dân số) sinh sống đan xen cùng dân tộc Kinh ở tất cả 30/30 quận, huyện, thị xã. Đồng bào dân tộc thiểu số của Hà Nội cư trú tập trung theo cộng đồng tại 153 thôn thuộc 14 xã của 5 huyện: Ba Vì (7 xã), Thạch Thất (3 xã), Quốc Oai (2 xã), Mỹ Đức (1 xã), Chương Mỹ (1 xã), với trên 56.690 người chiếm 52,345 người dân tộc thiểu số trên toàn TP, trong đó chủ yếu là dân tộc Mường và Dao.
Vùng dân tộc, miền núi của Hà Nội có diện tích trên 30.000ha với địa hình chủ yếu là đồi núi, cách xa trung tâm, dân cư sinh sống phân tán, điều kiện còn khó khăn. Giai đoạn năm 2014 về trước, thu nhập bình quân đầu người chỉ đạt 15 triệu đồng/người/năm, đặc biệt đối với một số xã khó khăn, thu nhập bình quân chỉ đạt 12 triệu đồng/người/năm, tốc độ tăng trưởng kinh tế 10,6%/năm.
Tuy nhiên, nhờ sự quan tâm, đầu tư mạnh mẽ của TP, sự năng nổ, nhạy bén của các cấp ủy, sự sát sao, gần dân của cán bộ ở cơ sở, đời sống bà con đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn Hà Nội đã có nhiều khởi sắc. Tính đến cuối năm 2018, thu nhập bình quân của bà con nhân dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số đạt 35 triệu đồng/người/năm, có xã đạt 46 triệu đồng/người/năm. Tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt 12%/năm. Tỉ lệ hộ nghèo giảm từ 9,49% xuống còn 3,7%, dự kiến hết năm 2019 giảm còn 3%.
Đến nay, đã có 7/14 xã đạt chuẩn nông thôn mới. Các xã còn lại đều gần đạt chuẩn nông thôn mới. Xã khó khăn nhất là xã Ba Vì và An Phú cũng đã đạt 12 tiêu chí xây dựng nông thôn mới. Thành quả ấy phải kể đến sự đóng góp không nhỏ của đội ngũ cán bộ, đảng viên ở từng chi bộ, Đảng bộ xã đã bám sát đời sống nhân dân để kịp thời đưa chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước vào thực tiễn cuộc sống.
Ông Nguyễn Tất Vinh - Trưởng ban Dân tộc TP Hà Nội cùng lãnh đạo Sở Y tế Hà Nội thăm hỏi người dân trong một chương trình khám bệnh, cấp thuốc miễn phí.

Bên cạnh những thuận lợi, cán bộ, đảng viên cơ sở hiện nay đang phải đối mặt với những khó khăn nào?
- Phải nhìn nhận một thực tế, đối với đặc thù vùng đồng bào dân tộc thiểu số, người cán bộ thường xuyên đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Cán bộ cơ sở phải tích cực, chủ động lĩnh hội chỉ đạo của TP để từ đó triển khai đến từng đảng viên, từng chi bộ. Quan trọng hơn, họ phải tuyên truyền để đồng bào phát huy được nguồn lực TP đầu tư cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số từ đó chủ động vươn lên phát triển kinh tế, giảm đói nghèo. Từ cơ sở tất nhiên vẫn có sự phát triển không đồng đều trong chất lượng cán bộ, đảng viên. Có những cán bộ, đảng viên mẫn cán, nhiệt tình nhưng vẫn có cán bộ chưa thực sự năng nổ, nhạy bén trong công việc. Đó là thực tế mà chúng ta phải nhìn nhận, khắc phục.
Tuy nhiên, vượt qua những khó khăn ấy, tôi nhận thấy, những năm qua, cán bộ, đảng viên vùng đồng bào dân tộc thiểu số đã và đang làm rất tốt nhiệm vụ của mình. Các chương trình, chính sách dân tộc trên địa bàn Thủ đô được thực hiện đầy đủ, kịp thời, đúng đối tượng. Điều đó giúp đồng bào dân tộc thiểu số tin tưởng vào chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, luôn nêu cao tinh thần đoàn kết, ý thức trách nhiệm, giữ vững khối đại đoàn kết dân tộc, nỗ lực vươn lên thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững an ninh quốc phòng, trật tự an toàn xã hội tại các địa phương vùng dân tộc, miền núi trên địa bàn TP Hà Nội.
Theo ông, trong thời gian tới, để phát triển Đảng trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số, người cán bộ, đảng viên cùng các cấp chính quyền từ cơ sở cần thực hiện những nội dung gì?
- Như tôi đã chia sẻ ở trên, vùng đồng bào dân tộc thiểu số còn nhiều khó khăn. Bà con dân tộc thiểu số có lòng tự trọng rất cao và nhạy cảm. Vì vậy, việc phát triển Đảng trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số không chỉ coi trọng số lượng mà cần đặc biệt chú trọng đến chất lượng. Đặc biệt, cần phát huy được vai trò của cán bộ, đảng viên. Để dân quý, dân tin, dân yêu, tổ chức đảng phải thật sự trong sạch, vững mạnh. Người đảng viên phải thật sự là tấm gương mẫu mực, tiên phong trong mọi lĩnh vực để quần chúng nhân dân noi theo.
Đồng thời, cần tăng cường lực lượng cán bộ có năng lực, phẩm chất tốt đến công tác ở địa bàn dân tộc thiểu số, nhất là địa bàn xung yếu về quốc phòng, an ninh; thực hiện tốt chính sách động viên, khuyến khích trưởng thôn, người có uy tín tham gia công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện chính sách, chương trình, dự án vùng dân tộc thiểu số theo phương châm "dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra"; vận động quần chúng nhân dân vùng dân tộc thiểu số chấp hành trương, đường lối của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước, ngăn chặn âm mưu chia rẽ đoàn kết dân tộc của các thế lực thù địch.
Trân trọng cảm ơn ông!