Đề xuất mới lương tối thiểu vùng năm 2024 tăng 8%?

Trần Oanh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi – Hôm nay 9/8, Hội đồng tiền lương Quốc gia họp phiên đầu tiên điều chỉnh lương tối thiểu vùng năm 2024. Kết quả khảo sát cho thấy 75% người lao động cho biết thu nhập không đáp ứng đủ nhu cầu chi tiêu của họ vì thế, rất cần tăng lương tối thiểu vùng 6 - 8%.

75% người lao động thu nhập không đủ chi tiêu

Đã có hơn 5 năm làm việc tại một công ty ở Khu công nghiệp Thăng Long nhưng đến nay mức lương cơ bản của anh Nguyễn Dung Phương chưa tới 5,7 triệu đồng/tháng; nếu tính tiền trợ cấp và làm tăng ca thì thu nhập tăng thêm vài ba triệu đồng. Tuy nhiên, thời gian vừa qua, công ty thiếu đơn hàng nên công việc ít, thu nhập lại giảm đi. Thu nhập không đủ sinh hoạt và trả tiền thuê nhà, để tồn tại, vợ chồng anh Phương đã gửi con nhỏ về quê cho ông bà nuôi và chở gạo, thịt lợn, gà, cá ở quê ra, còn rau quả thì mua ở ngoài chợ với mức giá cao.

 Nhiều người lao động mong muốn tăng lương tối thiểu 6 - 8%. Ảnh: Ngọc Tú.
 Nhiều người lao động mong muốn tăng lương tối thiểu 6 - 8%. Ảnh: Ngọc Tú.

Với tình hình khó khăn về việc làm, thu nhập như hiện nay, anh Phương và nhiều công nhân khác rất mong muốn được tăng lương tối thiểu vùng 400.000 – 500.000 đồng để bù đắp vào việc giá cả tăng, cải thiện cuộc sống. Điều này được thể hiện rõ ở kết quả khảo sát tình hình lao động, tiền lương, thu nhập, chi tiêu và đời sống của công nhân lao động năm 2023 do Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam thực hiện tháng 4/2023. Trong số gần 3.000 người lao động làm việc trong 157 DN tại 6 tỉnh, TP ở 4 vùng lương được khảo sát, 52,3% người lao động có làm thêm giờ, số ngày làm thêm giờ trung bình trong 1 tháng là 10,71 ngày; số giờ làm thêm trung bình 1 ngày là 1,75 giờ. 76,2% người lao động “tình nguyện” làm thêm giờ để kiếm thêm thu nhập, cải thiện cuộc sống.

Tiền lương cơ bản hàng tháng của người lao động nhận được trung bình là 6.065.000 đồng/tháng. Thu nhập trung bình của người lao động đạt 7.885.000 đồng/tháng nhưng tổng chi tiêu 1 tháng hết 11.723.000 đồng. Đáng chú ý, kết quả khảo sát cũng thể hiện 75,5% người lao động cho biết thu nhập hiện tại không đáp ứng đủ nhu cầu chi tiêu của họ, thậm chí có trường hợp thu nhập chỉ đáp ứng được 45% nhu cầu chi tiêu. Có 17,3% người lao động phải thường xuyên vay nợ, dẫn đến luôn có tâm trạng lo lắng, bất an; có trường hợp thường xuyên bị đe dọa, khủng bố.

Chia sẻ với báo chí về điều chỉnh tiền lương tối thiểu vùng năm 2024, Phó Viện trưởng Viện Công nhân và Công đoàn – Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam Phạm Thị Thu Lan cho hay: Năm nay giá điện, nước, lương thực thực phẩm… tăng rất nhiều, trong khi lương không tăng thì cuộc sống của người lao động gặp khó khăn. “Qua khảo sát, chúng tôi thấy rất đông người lao động có tiền lương và thu nhập không đảm bảo được chi tiêu tối thiểu cơ bản trong cuộc sống gia đình. Rất nhiều người lao động bày tỏ mong muốn được làm thêm giờ nhiều hơn. Bên cạnh công việc chính thức, họ còn muốn tìm thêm công việc bên ngoài để có thu nhập. Tôi rất buồn khi nghe họ nói điều này” – bà Thu Lan nói.

Cân nhắc các phương án phù hợp

Thông tin về đề xuất tăng lương tối thiểu vùng năm 2024, bà Thu Lan cho biết, hiện nay Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đang thảo luận phương án vừa cải thiện đời sống của người lao động, vừa chia sẻ với DN và giúp ổn định nền kinh tế. Thế nhưng từ góc nhìn của chúng tôi khảo sát người lao động thì họ mong muốn tăng lương tối thiểu vùng ít nhất từ 6 – 8%.

Là thành viên Hội đồng tiền lương Quốc gia, Phó Trưởng Ban Chính sách pháp luật – Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Lê Đình Quảng cho rằng, đời sống của người lao động đang gặp rất nhiều khó khăn, nhất là hơn một năm qua, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng cao. Trong các yếu tố để xem xét điều chỉnh mức lương tối thiểu thì khả năng chi trả của DN cũng rất quan trọng. Vì thế, điều này cần được xem xét để vừa đảm bảo động viên người lao động làm việc có năng suất, chất lượng, làm sao để tiền lương thực sự là động lực cải thiện điều kiện làm việc. Qua đó, góp phần thúc đẩy DN phát triển nhưng cũng hài hòa với khả năng chi trả của người sử dụng lao động, đó là bài toán phải tính rất kỹ.

Thu nhập giảm, giá cả tăng khiến cuộc sống của công nhân lao động rất khó khăn. Ảnh: Ngọc Tú.
Thu nhập giảm, giá cả tăng khiến cuộc sống của công nhân lao động rất khó khăn. Ảnh: Ngọc Tú.

“Đến thời điểm này, tổ chức Công đoàn đã chuẩn bị tất cả số liệu, căn cứ để chuẩn bị thương lượng. Tuy nhiên, năm nay trong bối cảnh khó khăn chung, chúng tôi sẽ đưa ra nhiều phương án, chứ không có phương án cụ thể nào” – ông Lê Đình Quảng nói. Với góc độ cá nhân, ông Quảng cho rằng mức tăng lương tối thiểu vùng năm tới chỉ nên điều chỉnh đủ bù đắp trượt giá, người lao động vẫn duy trì được tiền lương theo Nghị định 38 của Chính phủ.

Dệt may là một trong những ngành hàng chịu ảnh hưởng nặng nhất của tình trạng sụt giảm đơn hàng. Ngành Dệt may đem lại kim ngạch xuất khẩu rất lớn nhưng lại chủ yếu là gia công nên mức thu nhập trung bình, đời sống của nhiều người lao động vẫn rất khó khăn. Tiền lương của người lao động ngành Dệt may 6 tháng đầu năm 2023 cũng giảm nhanh. Phó Chủ tịch Công đoàn Dệt may Việt Nam Nguyễn Thái Dương thông tin, nửa đầu năm 2023, đơn giá nhân công trong ngành Dệt may giảm hơn 30%; đã có sự dịch chuyển đơn hàng sang các nước khác cũng như cạnh tranh về giá hết sức gay gắt.

Không những thế, kim ngạch xuất khẩu ngành Dệt may giảm hơn 20%, tương đương giảm gần 4 tỷ USD. Theo tính toán, mỗi 1 tỷ USD xuất khẩu giải quyết việc làm cho khoảng 150.000 người lao động. Tương ứng với con số sụt giảm trên, khoảng 600.000 lao động ngành Dệt may không có việc làm. Số lao động phải nghỉ luân phiên, thu nhập giảm ngày càng tăng, dự báo có thể kéo dài đến hết năm 2024.

Xuất phát từ thực tế này, ông Thái Dương cho rằng, trong thương lượng tiền lương tối thiểu năm 2024 nên cân nhắc các phương án phù hợp, tránh những tác động tiêu cực đến DN và người lao động. Và, mức tăng lương tối thiểu phù hợp, đảm bảo đủ bù trượt giá trong những năm qua.