Di tích cách mạng: Lưu giữ vẹn nguyên hình ảnh về Bác

Minh An
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hà Nội có nhiều di tích lịch sử, cách mạng gắn với cuộc đời, sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Trải qua nhiều năm, những di tích ấy vẫn đang được bảo tồn, phát huy giá trị, trở thành “địa chỉ đỏ” đề lớp lớp Nhân dân đến thăm, học tập và làm theo tấm gương đạo đức, phong cách của Người.

 Nhà sàn Bác Hồ trong Phủ Chủ tịch. Ảnh: Văn Phúc
Quy hoạch từng gốc cây, mảnh vườn
Nhân dịp kỷ niệm 130 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 – 19/5/2020), chúng tôi có dịp vào thăm Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch. Ở đó, ngôi nhà sàn đơn sơ, giản dị nằm bên hồ nước trong xanh, giữa vườn cây trái xanh mát đã trở thành hình ảnh thân thương của mỗi người con đất Việt khi đến thăm nơi này. Bên trong ngôi nhà, từng vật dụng như chiếc chiếu cói, mũ, bàn làm việc... đều toát lên phong cách sống giản dị của Bác.
Trải qua bao biến động lịch sử và thời gian chiến tranh ác liệt, Khu di tích vẫn liên tục đón khách tham quan trong nước và quốc tế để tuyên truyền, giáo dục về tư tưởng và cuộc sống đời thường của Bác.
Giám đốc Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch Nguyễn Văn Công
Nhìn lại chặng đường hơn nửa thế kỷ bảo tồn và phát huy giá trị di tích, Giám đốc Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch Nguyễn Văn Công cho biết, sau khi Bác Hồ qua đời, quần thể di tích lịch sử - văn hóa - danh nhân được hình thành trong khu vực Phủ Chủ tịch có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Tất cả cảnh quan, hiện vật, tư liệu liên quan đến cuộc đời và hoạt động của Người trong 15 năm cuối đời được bảo vệ, bảo quản, giữ gìn gần như nguyên trạng. Toàn bộ không gian khu vực đã được định vị chính xác trên bản đồ cho từng ngôi nhà, gốc cây, mảnh vườn đến đường đi, lối mòn... và được quy hoạch cụ thể, chi tiết. Từng điểm di tích đều đánh dấu sự kiện đáng nhớ và mang ý nghĩa nhất định tại từng thời khắc quan trọng của Bác.
Ngoài ra, Hà Nội còn nhiều di tích và điểm lưu niệm Bác Hồ. Nổi bật có thể kể đến di tích 48 Hàng Ngang. Ngôi nhà nằm giữa khu phố cổ Hà Nội này là nơi ở và làm việc của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong những ngày đầu Người từ chiến khu Việt Bắc về Hà Nội tháng 8/1945. Tại đây, Người đã viết bản “Tuyên ngôn độc lập” khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Ngày nay, di tích vẫn được chính quyền và Nhân dân Thủ đô đầu tư tu bổ, tôn tạo, gìn giữ nguyên trạng. Cùng với di tích 48 Hàng Ngang, Nhà lưu niệm Bác Hồ ở Vạn Phúc (Hà Đông), nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh viết: "Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến” ngày 19/12/1946 và nhiều địa chỉ đỏ khác trở thành kho sử liệu có giá trị trực quan sinh động, góp phần giáo dục truyền thống cách mạng, tinh thần yêu nước của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Phát huy giá trị di tích
Vào những dịp lễ trọng đại của dân tộc như: Thành lập Đảng 3/2, Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước 30/4; sinh nhật Bác 19/5, Cách mạng tháng Tám, Quốc khánh 2/9 có rất đông người đến tham quan các điểm di tích lịch sử, cách mạng gắn với cuộc đời, sự nghiệp của Người. Song, ở nhiều di tích xa trung tâm Hà Nội, lượng khách thường xuyên thì chưa nhiều.
Ông Trần Văn Cao tại xã Đại Yên, huyện Chương Mỹ, Hà Nội, người xây dựng Phòng lưu niệm Bác Hồ tư nhân chia sẻ: “Vào các ngày lễ, kỷ niệm, Nhân dân và học sinh đến tham quan, học tập nhiều, có khi thiếu chỗ để đón tiếp. Nhưng vào những ngày thường lượng khách không nhiều”. Nguyên nhân do Phòng lưu niệm Bác Hồ của ông Trần Văn Cao ở xa trung tâm Hà Nội chưa có biển chỉ dẫn. Bên cạnh đó, gia đình ông Cao cũng chưa nhận được nhiều hỗ trợ của các đơn vị để chuyên nghiệp hóa công tác trưng bày. Hướng dẫn thuyết minh, máy phát thanh... còn đơn sơ. Đây cũng là thực trạng chung của nhiều di tích lịch sử tư nhân về Chủ tịch Hồ Chí Minh ở các khu dân cư, làng, xã.
Theo một số chuyên gia, để bảo tồn và phát huy hệ thống di tích này cho tương xứng với tầm ý nghĩa và sự kính yêu của Nhân dân dành cho lãnh tụ Hồ Chí Minh cần có sự phối hợp chặt chẽ của nhiều ngành. Đơn vị quản lý các di tích, điểm lưu niệm cần phối hợp với các cơ quan truyền thông tăng cường tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu về giá trị ý nghĩa, lịch sử của di tích. Đồng thời, cơ quan chức năng cần quan tâm đào tạo, nâng cao chất lượng nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ làm công tác bảo tồn, bảo tàng, thuyết minh. Có như vậy, các di tích lịch sử, cách mạng gắn với cuộc đời, sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh mới phát huy hết giá trị vốn có.