Dịch sốt xuất huyết “đảo chiều”, miền Bắc có khả năng gia tăng bệnh nhân

Thanh Bình
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hiện nay, thời tiết khá thất thường sẽ ảnh hưởng đến khả năng bùng dịch sốt xuất huyết. Trước đây, chu kỳ lặp lại sau 4-5 năm nhưng với sự biến động của thời tiết quy luật này đang có dấu hiệu bị phá vỡ. Dịch có thể bùng phát bất cứ lúc nào.

Dự báo Hà Nội sẽ là “điểm nóng” về sốt xuất huyết

Dịch sốt xuất huyết hiện đang có dấu hiệu “đảo chiều” so với năm 2022. Miền Nam có số lượng ca mắc giảm hơn một nửa so với năm ngoái. Trong khi đó, miền Bắc lại có dấu hiệu gia tăng.

Trước đó, năm 2017, số ca mắc và tử vong vì sốt xuất huyết rất cao, đến 2019 và 2022 cũng có số ca mắc rất cao. Đây đều không phải là các chu kỳ 4 năm. Điều này cho thấy, dịch sốt xuất huyết bây giờ diễn biến tùy từng vùng, tùy từng miền, không theo một chu kỳ nào cả.

TS Nguyễn Văn Dũng - Trưởng khoa Côn trùng, Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng Trung ương.
TS Nguyễn Văn Dũng - Trưởng khoa Côn trùng, Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng Trung ương.

TS Nguyễn Văn Dũng - Trưởng khoa Côn trùng, Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng Trung ương cho biết, từ đầu năm tới nay, Việt Nam có hơn 40.000 ca mắc sốt xuất huyết, trong đó, 8 ca tử vong. So với cùng kỳ năm 2022, số ca giảm gần 50% nhưng người dân không được chủ quan.

Tại Hà Nội, trong khoảng 2 tuần trở lại đây, số ca mắc sốt xuất huyết bắt đầu tăng dần. Dự báo Hà Nội sẽ là “điểm nóng” về sốt xuất huyết. Tính tới thời điểm này, số ca mắc tại Hà Nội đã tăng 65%.

Nguyên nhân là do thời tiết thay đổi quá nhiều, mùa đông ở miền Bắc không quá lạnh, mùa hè thì quá nóng, mưa nhiều. Đây là cơ hội để muỗi gây bệnh sốt xuất huyết phát triển. Mưa nhiều sẽ tạo ra các ổ nước cho ổ bọ gậy phát triển, mật độ muỗi cao dẫn đến khả năng truyền bệnh cho con người cũng tăng lên.

Trong khi đó, báo cáo của Sở Y tế Hà Nội cho thấy, từ đầu năm nay đến giữa tháng 6/2023, Hà Nội ghi nhận gần 400 trường hợp mắc sốt xuất huyết (tăng gấp 5 lần so với cùng kỳ năm 2022).

Qua theo dõi, đánh giá tình hình dịch bệnh sốt xuất huyết trên thế giới, tại Việt Nam cũng như ở Hà Nội trong nhiều năm qua, ngành Y tế Thủ đô nhận định, dịch bệnh này năm nay sẽ có những diễn biến phức tạp và công tác phòng, chống còn nhiều khó khăn.

Theo phân tích của Sở Y tế Hà Nội, điều kiện khí hậu hiện nay, nắng lắm, mưa nhiều tạo thuận lợi cho véc tơ truyền bệnh là muỗi vằn sinh sôi, phát triển. Thêm vào đó, nhiều nơi còn xả rác thải chưa đúng nơi quy định, phế liệu đọng nước chưa được thu gom…

Người dân có thói quen tích trữ nước mưa, nước sinh hoạt, nước tưới cây trong các bể xây, thùng phi, xô, chậu… hay trồng cây cảnh, hòn non bộ đã vô tình tạo ra môi trường thuận lợi cho muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết đẻ trứng và bọ gậy phát triển.

PGS.TS Đỗ Duy Cường - Trung tâm Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Bạch Mai (ngoài cùng, bên trái) thăm khám cho bệnh nhân sốt xuất huyết đang điều trị tại Trung tâm.
PGS.TS Đỗ Duy Cường - Trung tâm Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Bạch Mai (ngoài cùng, bên trái) thăm khám cho bệnh nhân sốt xuất huyết đang điều trị tại Trung tâm.

Liên quan đến vấn đề này, PGS.TS Đỗ Duy Cường - Trung tâm Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, ngay từ đầu tháng 5, tháng 6, Trung tâm Bệnh Nhiệt đới đã rải rác tiếp nhận bệnh nhân nhập viện. Do thời gian này đầu mùa dịch, nhiều người khi bị sốt thì nghĩ là do mắc Covid-19, cúm hoặc một số bệnh khác nên không nghĩ mình mắc sốt xuất huyết.  

Chỉ đến ngày thứ 4, thứ 5, lúc đó máu bị cô đặc và có biểu hiện tiểu cầu hạ thấp, hoặc trên các bệnh nhân có biểu hiện bệnh lý nền... thì mới đến viện. Lúc đó bệnh nhân phải truyền tiểu cầu hoặc dung dịch cao phân tử, một số trường hợp nặng dẫn đến suy đa tạng như men gan tăng, suy gan, suy thận, rối loạn đông máu,….

Biện pháp phòng bệnh

Theo các bác sĩ, để chẩn đoán chính xác bệnh nhân sốt xuất huyết cũng như mức độ giảm tiểu cầu, cần làm xét nghiệm máu khá đơn giản và cho kết quả nhanh trong vòng 1 vài giờ. Ở người khỏe mạnh, số lượng tiểu cầu trung bình từ 150 - 450 G/L.

Khi sốt xuất huyết, xét nghiệm công thức máu sẽ thấy số lượng bạch cầu giảm, số lượng tiểu cầu giảm và hematocrit tăng (máu cô đặc). Mức nguy hiểm khi tiểu cầu giảm dưới 50 G/L.

“Theo khuyến cáo, nếu tiểu cầu giảm nhanh hoặc có biểu hiện xuất huyết chảy máu cam, chảy máu chân răng, xuất huyết ngoài da, rong kinh-rong huyết (nữ giới). Cũng như có hiện tượng cô đặc máu như chân tay lạnh, nôn mửa, đau bụng vùng gan, tụt huyết áp, men gan tăng cao, tràn dịch màng bụng-màng phổi,… khi đó cần đi khám ngay để được điều trị kịp thời.

Tuy nhiên, việc truyền tiểu cầu chỉ tiến hành khi nào xuống thấp dưới 5 G/L hoặc có biểu hiện chảy máu. Sau khi hết sốt vài ngày, tiểu cầu sẽ tăng trở lại bình thường” - PGS.TS Đỗ Duy Cường nhấn mạnh.

Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Vũ Cao Cương cùng đoàn kiểm tra công tác phòng, chống sốt xuất huyết tại huyện Hoài Đức.
Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Vũ Cao Cương cùng đoàn kiểm tra công tác phòng, chống sốt xuất huyết tại huyện Hoài Đức.

Chuyên gia cũng lưu ý, người dân khi có biểu hiện sốt nên đến bệnh viện để làm xét nghiệm công thức máu và xét nghiệm chẩn đoán đơn giản như NS1Ag để phát hiện sốt xuất huyết sớm từ những ngày đầu tiên. Nếu đúng sốt xuất huyết sẽ được các bác sĩ theo dõi, tư vấn và điều trị kịp thời. Một số trường hợp có thể điều trị tại nhà, không nhất thiết phải nhập viện nếu không có chỉ định, tránh dẫn đến quá tải bệnh viện.

Sốt xuất huyết là bệnh truyền nhiễm cấp tính, có thể tạo thành dịch do virus dengue gây ra. Bệnh lây lan do muỗi vằn đốt người bệnh nhiễm virus sau đó, truyền bệnh cho người lành qua vết đốt. Biện pháp phòng bệnh chủ yếu và hiệu quả nhất là diệt muỗi, diệt lăng quăng/bọ gậy và phòng muỗi đốt.

Hiện nay thời tiết khá thất thường sẽ ảnh hưởng đến khả năng bùng dịch sốt xuất huyết. Trước đây, chu kỳ lặp lại sau 4-5 năm nhưng với sự biến động của thời tiết, quy luật này đã bị phá vỡ. Dịch có thể bùng phát bất cứ lúc nào.

Nguy cơ sốt xuất huyết có thể đến từ cả những đồ vật bị bỏ quên như thùng xốp, phế liệu có thể đọng nước.
Nguy cơ sốt xuất huyết có thể đến từ cả những đồ vật bị bỏ quên như thùng xốp, phế liệu có thể đọng nước.

Để phòng bệnh sốt xuất huyết, TS Nguyễn Văn Dũng khuyến cáo, người dân cần phòng tránh bị muỗi đốt. Người dân phải dọn dẹp sạch sẽ môi trường sống, nhà ở, không để nước đọng trong các xô chậu, chum vại, không cho muỗi đẻ trứng, kết hợp các biện pháp diệt loăng quăng bọ gậy.

Hiện trên thị trường có nhiều hóa chất diệt muỗi, tuy nhiên người dân không nên tự mua về phun.

Người dân có nhu cầu diệt muỗi nên liên hệ các đơn vị y tế dự phòng ở địa phương, không sử dụng các loại hóa chất không rõ ràng, tránh ảnh hưởng xấu đến sức khỏe và kháng thuốc ở muỗi.

Để phòng sốt xuất huyết, do hiện nay chưa có vaccine, việc phòng bệnh vẫn chủ yếu là phòng tránh muỗi đốt, vệ sinh môi trường không cho muỗi đẻ trứng, kết hợp các biện pháp diệt loăng quăng bọ gậy. Cần tiến hành phun muỗi tại những nơi có phát hiện ca bệnh tránh dịch bệnh lan rộng. 

 

Vệ sinh môi trường trong phòng, chống sốt xuất huyết đòi hỏi yêu cầu cao hơn. Ngoài việc làm cho đường thông, hè thoáng, vườn, cổng ngõ sạch đẹp thì vệ sinh môi trường trong phòng, chống sốt xuất huyết còn chú trọng đến những chi tiết, vật dụng nhỏ. Đơn cử như vỏ lon nước ngọt bị bỏ quên, mảnh chén, bát vỡ mấy ngày chưa dọn, một chiếc lốp xe cũ treo ngoài hàng rào, một xô nước không được đậy kỹ, một bể chứa nước không có nắp đậy… Những thứ đó sẽ trở thành nơi chứa nước lý tưởng cho muỗi vằn truyền bệnh sinh sôi và phát triển.

Công tác phòng, chống dịch bệnh sốt xuất huyết cần có sự vào cuộc của hệ thống chính trị, các ban, ngành, đoàn thể, cơ quan, đơn vị, xí nghiệp, công trường, trường học… và mỗi người dân cùng chung tay thực hiện tốt khẩu hiệu “không có bọ gậy, không có muỗi thì không có sốt xuất huyết.

Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội Khổng Minh Tuấn