Dịch sốt xuất huyết gia tăng, người dân tuyệt đối không chủ quan

Thanh Bình
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thời gian gần đây, số ca mắc có xu hướng gia tăng, diễn biến bất thường, trong đó, nhiều bệnh nhân nhập viện trong tình trạng nặng. Dự báo, số ca mắc sốt xuất huyết tiếp tục có xu hướng tăng thời gian tới.

Dịch sốt xuất huyết tại Hà Nội tăng mạnh

Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội, tuần qua, từ ngày 7/7 đến ngày 14/7, TP Hà Nội ghi nhận 291 ca mắc mới sốt xuất huyết, tăng gần 2 lần so với những tuần trước đó. Ngoài ra, tuần qua có thêm 22 ổ dịch sốt xuất huyết tại 10 quận, huyện.

Tuần qua, Hà Nội có thêm 291 ca mắc mới sốt xuất huyết tại 29 quận, huyện, thị xã, tăng gần 2 lần so với những tuần trước, không có ca tử vong. Trong đó, một số quận, huyện ghi nhận nhiều bệnh nhân như: Huyện Thạch Thất (47), Hoàng Mai (31), Bắc Từ Liêm (29), Thanh Trì (16), Phú Xuyên (15), Thường Tín (14), Cầu Giấy (13), Hà Đông (12), Hoài Đức (12), Nam Từ Liêm (10), Đan Phượng (10).

Các biện pháp phòng chống dịch bệnh sốt xuất huyết tại huyện Hoài Đức, Hà Nội.
Các biện pháp phòng chống dịch bệnh sốt xuất huyết tại huyện Hoài Đức, Hà Nội.

Ngoài ra, tuần qua cũng ghi nhận 22 ổ dịch tại 10 quận, huyện. Trong đó, đứng đầu là Hoàng Mai với 8 ổ dịch, Nam Từ Liêm (3), Bắc Từ Liêm (3), Đan Phượng (2). Còn lại các quận, huyện: Thanh Trì, Cầu Giấy, Hai Bà Trưng, Thanh Xuân, Hà Đông, Hoài Đức có 1 ổ dịch.

Như vậy, tính từ đầu năm 2023 đến nay, Hà Nội đã có tổng số 1.114 ca mắc sốt xuất huyết. Số ca mắc tăng 3,5 lần so với cùng kỳ năm 2022, không có ca tử vong. Bệnh nhân phân bố tại 30/30 quận, huyện, thị xã; 285/579 xã, phường, thị trấn. Toàn TP Hà Nội ghi nhận 72 ổ dịch sốt xuất huyết. Hiện, còn 27 ổ dịch, trong đó, một số ổ dịch ghi nhận nhiều bệnh nhân như: Xã Phùng Xá, huyện Thạch Thất (160); thôn Nguyên Hanh, xã Văn Tự, huyện Thường Tín (24); xã Hữu Bằng, huyện Thạch Thất (29); phường Chương Dương, quận Hoàn Kiếm (11); thôn Xuân La, xã Phượng Dực, huyện Phú Xuyên (9).

Theo nhận định của CDC Hà Nội, số ca mắc sốt xuất huyết tiếp tục có xu hướng tăng trong thời gian tới. Hiện đã xác định một số ổ dịch có nhiều bệnh nhân, diễn biến kéo dài. Dự báo, thời gian tới, số ca mắc mới sốt xuất huyết có thể tiếp tục gia tăng và xuất hiện thêm các ổ dịch, đặc biệt là tại khu vực ổ dịch cũ, xã, phường có diễn biến dịch các năm phức tạp.

Tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, nếu như hằng năm, thời điểm này, số ca mắc sốt xuất huyết chỉ rải rác thì năm nay, hiện bệnh viện có khoảng 30 bệnh nhân đang điều trị nội trú. Riêng tại Khoa Virus - Ký sinh trùng, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương có 13 bệnh nhân.

 Kiểm tra, giám sát các bể, dụng cụ chứa nước, các vật dụng, đồ phế thải, nơi sinh sản của muỗi để tiến hành các hình thức tiêu diệt bọ gậy.
 Kiểm tra, giám sát các bể, dụng cụ chứa nước, các vật dụng, đồ phế thải, nơi sinh sản của muỗi để tiến hành các hình thức tiêu diệt bọ gậy.

Đặc biệt, gần hai tuần trở lại đây số ca mắc có xu hướng gia tăng, trong đó, nhiều bệnh nhân nhập viện trong tình trạng nặng.

Điển hình, nam bệnh nhân N.Đ.V. (huyện Thạch Thất, Hà Nội) bắt đầu xuất hiện tình trạng đau đầu từ khoảng một tuần trước. Dù nằm trong khu vực có dịch sốt xuất huyết gia tăng nhưng bệnh nhân không tới bệnh viện thăm khám, luôn mang tới cơ sở của một bác sĩ gần nhà.

Sau 3 ngày uống thuốc không đỡ, thậm chí, tình trạng ngày càng nặng nề hơn, mệt mỏi kéo dài, anh V. mới đến bệnh viện. Lúc này tiểu cầu đã hạ thấp xuống 13 G/L, tràn dịch màng phổi, ổ bụng, các bác sĩ chỉ định phải nhập viện gấp.

Tương tự, nữ bệnh nhân N.T.L. (huyện Hoài Đức, Hà Nội) cũng được chỉ định nhập viện trong tình trạng mệt mỏi, thậm chí, từng ngất xỉu tại nhà. Đặc biệt, men gan của bệnh nhân tăng cao tới 1800 UI/L, gấp hơn 40 lần so với bình thường, phổi bắt đầu có dịch.

Chị L. cho biết, chị thấy mệt mỏi, không ăn được, miệng đắng, buồn nôn, đi ngoài. Hôm sau, chị đến Bệnh viện Đa khoa Hoài Đức khám, bác sĩ đề nghị nhập viện nhưng chị xin về để lo cho con, hôm sau sẽ nhập viện. Tuy nhiên, trong quá trình về nhà, chị thấy mệt mỏi, hôm sau nhập viện với nhiều biểu hiện nặng, chị được chuyển đến Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương.

Dịch diễn biến bất thường, nhiều ca diễn biến nặng

Bác sĩ Trần Duy Hưng – Trưởng khoa Virus - Ký sinh trùng, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cho biết, sốt xuất huyết không phải là miễn dịch bền vững nên có thể bị nhiều lần khác nhau. Thậm chí, cá biệt có những người một mùa dịch có thể mắc tới 2 lần, có thể 2 lần khác nhau.  

Nếu người dân mắc một lần, cơ thể có kháng thể để chống lại. Nếu mắc lần sau, kháng thể tạo ra các phản ứng trong cơ thể, làm cho phản ứng dữ dội hơn, biểu hiện nặng hơn.

Bệnh nhân sốt xuất huyết  điều trị tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương.
Bệnh nhân sốt xuất huyết  điều trị tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương.

Bác sĩ Trần Duy Hưng cảnh báo, nếu bệnh nhân không được phát hiện sớm hoặc bệnh nhân đến viện muộn dẫn đến tình trạng bệnh nặng. Nguy cơ bệnh nặng hay gặp nhất là trường hợp thoát huyết tương gây ra trụy mạch (suy tuần hoàn). Trường hợp thứ hai là tiểu cầu giảm thấp quá gây ra chảy máu dưới da, chảy máu ở trong niêm mạc gây ra mất máu cấp.

“Với những bệnh nhân sốt xuất huyết không có thuốc điều trị đặc hiệu từ ban đầu, chủ yếu theo dõi, điều trị triệu chứng, hỗ trợ và phát hiện sớm những trường hợp nặng để điều trị kịp thời” - bác sĩ Trần Duy Hưng khuyến cáo.

Tại Trung tâm Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Bạch Mai, riêng trong tháng 6 đã ghi nhận 20 ca sốt xuất huyết nặng có dấu hiệu cảnh báo. Thời gian này, nhiều người khi bị sốt chỉ nghĩ mình mắc Covid-19 hay cúm mà không nghĩ đến sốt xuất huyết. Chỉ đến ngày thứ 4, thứ 5, lúc này, máu bị cô đặc và có biểu hiện tiểu cầu hạ thấp, họ mới đến bệnh viện.

PGS.TS Đỗ Duy Cường – Giám đốc Trung tâm Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, nhiều trường hợp mắc sốt xuất huyết đang điều trị đều chủ quan.
PGS.TS Đỗ Duy Cường – Giám đốc Trung tâm Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, nhiều trường hợp mắc sốt xuất huyết đang điều trị đều chủ quan.

PGS.TS Đỗ Duy Cường – Giám đốc Trung tâm Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, nhiều trường hợp mắc sốt xuất huyết đang điều trị đều chủ quan. Nhiều người quan niệm, phải có xuất huyết dưới da thì mới là sốt xuất huyết. Tuy nhiên, đây là quan điểm sai lầm, tình trạng xuất huyết xảy ra thì bệnh nhân đã mắc bệnh 3-4 ngày, lúc đó bệnh đã trở nặng.

Chuyên gia lưu ý, người dân khi có biểu hiện sốt nên đến bệnh viện để làm xét nghiệm công thức máu và xét nghiệm chẩn đoán đơn giản như NS1Ag để phát hiện sốt xuất huyết sớm từ những ngày đầu tiên. Nếu người bệnh bị sốt xuất huyết sẽ được các bác sĩ theo dõi, tư vấn và điều trị kịp thời.

Các chuyên gia khuyến cáo, hiện chưa có vaccine, việc phòng sốt xuất huyết vẫn chủ yếu là phòng tránh muỗi đốt, vệ sinh môi trường không cho muỗi đẻ trứng, kết hợp các biện pháp diệt bọ gậy. Người dân không được chủ quan, lưu ý giữ gìn vệ sinh môi trường khi có những bất thường về sức khỏe cần tới cơ sở y tế, điều trị.

Xã Đại Thắng, huyện Phú Xuyên, Hà Nội phun hóa chất diệt muỗi trưởng thành, quyết liệt đẩy mạnh các biện pháp phòng chống dịch bệnh sốt xuất huyết.
Xã Đại Thắng, huyện Phú Xuyên, Hà Nội phun hóa chất diệt muỗi trưởng thành, quyết liệt đẩy mạnh các biện pháp phòng chống dịch bệnh sốt xuất huyết.

Theo dự báo của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, hiện tượng El Nino có khả năng cao xảy ra vào nửa cuối năm 2023. Ngoài ra, hiện nay thời tiết đang bắt đầu vào mùa mưa, tạo điều kiện thuận lợi cho muỗi truyền bệnh phát triển mạnh.

Để chủ động phòng, chống dịch bệnh, không để dịch bùng phát, lan rộng, Bộ Y tế đề nghị các đơn vị, địa phương triển khai mạnh mẽ các hoạt động diệt loăng quăng/bọ gậy trên địa bàn ngay trong tháng 7/2023. Duy trì hoạt động 1 tuần/1 lần tại các khu vực có nguy cơ cao, 2 tuần/1 lần tại các khu vực có chỉ số muỗi, loăng quăng/bọ gậy cao và 1 tháng/1 lần tại các khu vực còn lại.

Các đơn vị, địa phương đảm bảo tất cả các hộ gia đình tại vùng có dịch và có nguy cơ phải được kiểm tra, giám sát các bể, dụng cụ chứa nước, các vật dụng, đồ phế thải, nơi sinh sản của muỗi để tiến hành các hình thức tiêu diệt bọ gậy. Ngành y tế theo dõi, giám sát chặt chẽ và xử lý triệt để ổ dịch bệnh truyền nhiễm tại địa phương. Đảm bảo 100% các ổ dịch được phát hiện và xử lý kịp thời theo đúng hướng dẫn của Bộ Y tế.

 

Các đơn vị, địa phương cần huy động các ban, ngành đoàn thể và người dân quyết liệt thực hiện biện pháp phòng chống dịch bệnh sốt xuất huyết. Đẩy mạnh kiểm soát nơi sinh sản của muỗi, diệt bọ gậy. Phân công nhiệm vụ cụ thể cho đội xung kích diệt bọ gậy.

Tăng cường giám sát, hướng dẫn người dân chủ động thu gom, lật úp phế liệu, phế thải đọng nước, thau rửa bể đựng nước, diệt bọ gậy tại hộ gia đình, cơ quan trường học, khu công cộng. Xử lý triệt để ổ dịch, không để dịch bệnh lan rộng, tổ chức tổng vệ sinh môi trường, phun hóa chất diệt muỗi trên diện rộng. Muốn kết thúc nhanh phải quyết tâm dập tắt các ổ bọ gậy để không còn bệnh nhân mắc sốt xuất huyết.

Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Vũ Cao Cương