Sốt xuất huyết tăng mạnh ở Hà Nội

Hà Linh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngành Y tế Hà Nội nhận định, dịch bệnh sốt xuất huyết năm nay sẽ diễn biến phức tạp và công tác phòng, chống còn nhiều khó khăn. Dự báo, thời gian tới, số ca mắc sốt xuất huyết có thể tiếp tục gia tăng và xuất hiện thêm các ổ dịch.

Dịch sốt xuất huyết diễn biến phức tạp

Những năm gần đây, sốt xuất huyết không còn quy luật cứ 4 - 5 năm lại xuất hiện một đợt đỉnh dịch. Thay vào đó, dịch căng thẳng hằng năm do thời tiết mưa, nắng thất thường. Đặc biệt, năm 2023 hiện tượng El Nino khiến thời tiết nóng, ẩm, mưa nhiều dẫn đến sốt xuất huyết sẽ gia tăng.

Mới đầu tháng 7 nhưng dịch sốt xuất huyết ở Hà Nội đã có nhiều bất thường. Theo báo cáo của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội, trong tuần qua, TP đã ghi nhận 170 ca mắc sốt xuất huyết tại 23 quận, huyện và không có ca tử vong. Từ đầu năm 2023 đến nay có 823 ca mắc sốt xuất huyết (tăng gần 3,5 lần so với cùng kỳ năm 2022). Bệnh nhân phân bố tại 29/30 quận, huyện; 246/579 xã, phường, thị trấn.

Các địa phương trên địa bàn Hà Nội  tập trung quyết liệt việc diệt muỗi, diệt bọ gậy.
Các địa phương trên địa bàn Hà Nội  tập trung quyết liệt việc diệt muỗi, diệt bọ gậy.

Ngoài ra, từ đầu năm đến nay, Hà Nội đã có tổng cộng 48 ổ dịch sốt xuất huyết. Hiện còn 13 ổ dịch đang hoạt động. Theo CDC Hà Nội, kết quả kiểm tra giám sát tại các ổ dịch cho thấy, các chỉ số côn trùng cao vượt mức nguy cơ...

Qua kiểm tra thực tế một số địa phương trên địa bàn Hà Nội, Phó Giám đốc Trung tâm CDC Hà Nội Khổng Minh Tuấn cho biết, vẫn phát hiện bọ gậy tại các hộ dân cũng như môi trường xung quanh.

Vì vậy, ông Khổng Minh Tuấn yêu cầu các đơn vị, địa phương tăng cường truyền thông, đặc biệt truyền thông trực tiếp để người dân hiểu sự nguy hiểm của dịch bệnh, nâng cao hơn nữa ý thức của người dân.

Đối với các hộ gia đình có bãi đất trống với nhiều phế thải, phế liệu tồn đọng yêu cầu dọn dẹp xử lý môi trường ngay. Tích cực diệt bọ gậy bằng cách thả cá hoặc thả hóa chất vào các dụng cụ chứa nước đọng.

Dự báo, thời gian tới, số ca mắc sốt xuất huyết có thể tiếp tục gia tăng và xuất hiện thêm các ổ dịch, đặc biệt là tại các khu vực ổ dịch cũ, các xã, phường có diễn biến dịch các năm phức tạp.

Phó Giám đốc Trung tâm CDC Hà Nội Khổng Minh Tuấn kiểm tra sốt xuất huyết tại quận Nam Từ Liêm.
Phó Giám đốc Trung tâm CDC Hà Nội Khổng Minh Tuấn kiểm tra sốt xuất huyết tại quận Nam Từ Liêm.

Thời gian qua, số ca sốt xuất huyết nhập viện điều trị tại Trung tâm Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Bạch Mai cũng tăng bất thường. Trong đó, có nhiều trường hợp nhập viện trong tình trạng khá nặng do chủ quan.

PGS.TS Đỗ Duy Cường – Giám đốc Trung tâm Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, hiện, Trung tâm tiếp nhận và điều trị cho 8 bệnh nhân, đa số đều là ca nặng, tiểu cầu giảm thấp. Hầu hết bệnh nhân ở đây có tình trạng cô đặc máu, xuất huyết khá nặng.

Đang nằm điều trị tại Trung tâm Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Bạch Mai, ông T.V.H. (quận Bắc Từ Liêm) chia sẻ, đây là lần đầu tiên ông mắc sốt xuất huyết. Nhà ông H. nằm trong vùng lưu hành thường xuyên của dịch bệnh sốt xuất huyết. Khi thấy có biểu hiện sốt cao, ớn lạnh, ông H. đã đi lấy máu, kiểm tra phát hiện dương tính với sốt xuất huyết. Sau khi cắt sốt, lại thấy đau mỏi người, đau bụng nhiều nên ông H. đã được chỉ định nhập viện theo dõi tại Bệnh viện Bạch Mai.

Đặc biệt, tại Trung tâm có 2 chị em ruột tại Ba Đình, Hà Nội bị sốt xuất huyết biến chứng khá nặng. Theo người nhà, cả 3 mẹ con bị sốt xuất huyết, người mẹ nhẹ hơn nên theo dõi tại nhà. Con gái lớn tên N.L. có triệu chứng mệt mỏi, sốt và 4 ngày sau ra máu âm đạo, chảy máu chân răng nên vào viện cấp cứu. Tại đây, bác sĩ làm xét nghiệm tiểu cầu của L. giảm sâu chỉ còn 40 g/L.

Em trai của L., cũng bị nặng, xuất huyết dưới da, tiểu cầu giảm có thời điểm còn 6g/L, cô đặc máu. Dù đã điều trị được vài ngày nhưng bệnh nhân vẫn đi tiểu ra máu.

Bệnh triển nặng hơn do chủ quan

PGS.TS Đỗ Duy Cường cho biết, đa phần các trường hợp mắc sốt xuất huyết đang điều trị đều chủ quan, ngủ không buông màn khiến muỗi đốt từ người bệnh truyền sang người lành. Bên cạnh đó, bệnh nhân khi mắc sốt xuất huyết thường không phát hiện bệnh sớm khiến bệnh tiến triển nặng hơn, thậm chí là nguy kịch, tử vong.

Nhiều người quan niệm, phải có xuất huyết dưới da thì mới là sốt xuất huyết. Tuy nhiên, theo PGS.TS Đỗ Duy Cường, đây là quan điểm rất sai lầm, tình trạng xuất huyết xảy ra thì bệnh nhân đã mắc bệnh 3-4 ngày, lúc đó bệnh đã trở nặng.

PGS.TS Đỗ Duy Cường cho biết, đa phần các trường hợp mắc sốt xuất huyết đang điều trị đều chủ quan, ngủ không buông màn khiến muỗi đốt từ người bệnh truyền sang người lành.
PGS.TS Đỗ Duy Cường cho biết, đa phần các trường hợp mắc sốt xuất huyết đang điều trị đều chủ quan, ngủ không buông màn khiến muỗi đốt từ người bệnh truyền sang người lành.

Do vậy, người dân sống ở nơi có dịch sốt xuất huyết đang lưu hành có các triệu chứng sốt cao đột ngột, mệt mỏi cần phải đi khám ngay. Bệnh diễn biến nặng gây ra cô đặc máu, sốc sẽ rất nguy hiểm.

PGS.TS Đỗ Duy Cường khuyến cáo, người dân khi có biểu hiện sốt nên đến bệnh viện để làm xét nghiệm công thức máu và xét nghiệm chẩn đoán đơn giản như NS1Ag để phát hiện sốt xuất huyết sớm từ những ngày đầu tiên. Nếu người bệnh bị sốt xuất huyết sẽ được các bác sĩ theo dõi, tư vấn và điều trị kịp thời.

Một số trường hợp có thể điều trị tại nhà, không nhất thiết phải nhập viện nếu không có chỉ định, tránh dẫn đến quá tải bệnh viện. Hiện nay, một số bệnh dịch khác vẫn còn (Covid-19, cúm, thủy đậu,...) nên dễ chẩn đoán nhầm với sốt xuất huyết.

Do hiện chưa có vaccine, việc phòng sốt xuất huyết vẫn chủ yếu là phòng tránh muỗi đốt, vệ sinh môi trường không cho muỗi đẻ trứng, kết hợp các biện pháp diệt bọ gậy. Để phòng bệnh, người dân cần phun muỗi tại những nơi có phát hiện ca bệnh tránh dịch bệnh lan rộng.   

Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), bệnh sốt xuất huyết được chia làm 3 mức độ: Sốt xuất huyết Dengue, sốt xuất huyết có dấu hiệu cảnh báo và sốt xuất huyết nặng.

Hiện chưa có thuốc điều trị đặc hiệu đối với sốt xuất huyết. Phần lớn các trường hợp mắc bệnh đều được điều trị ngoại trú và theo dõi tại y tế cơ sở, chủ yếu là điều trị triệu chứng và phải theo dõi chặt chẽ phát hiện sớm sốc xảy ra để xử trí kịp thời.

Ngoài việc chỉ định nhập viện đối với các trường hợp mắc sốt xuất huyết ở mức độ cảnh báo và mức độ nặng. Theo hướng dẫn mới của Bộ Y tế, khi mắc sốt xuất huyết ở mức độ 1, có 8 trường hợp cũng được xem xét chỉ định nhập viện.

Bao gồm: Sống một mình; nhà xa cơ sở y tế, không thể nhập viện kịp thời khi bệnh trở nặng; gia đình không có khả năng theo dõi sát; trẻ nhũ nhi; dư cân, béo phì; phụ nữ có thai; người từ 60 tuổi trở lên; bệnh mạn tính đi kèm (Thận, tim, gan, hen, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD) kém kiểm soát, đái tháo đường, thiếu máu, tan máu…).

Bộ Y tế cũng lưu ý, chỉ định truyền dịch cho bệnh nhân sốt xuất huyết khi có ít nhất 1 trong các dấu hiệu sau, đó là: Lừ đừ, không uống được nước, nôn ói nhiều, đau bụng nhiều, có dấu hiệu mất nước, Hct tăng cao (tỷ lệ phần trăm tế bào hồng cầu trong máu tăng cao).

Chính quyền các cấp TP Hà Nội chủ động trong phương thức tuyên truyền, sử dụng để người dân chủ động tiếp cận thông tin về dịch bệnh.
Chính quyền các cấp TP Hà Nội chủ động trong phương thức tuyên truyền, sử dụng để người dân chủ động tiếp cận thông tin về dịch bệnh.

Theo báo cáo của Bộ Y tế, trong 6 tháng đầu năm 2023, cả nước có hơn 34,9 nghìn trường hợp mắc sốt xuất huyết. Bộ Y tế nhận định, sốt xuất huyết vẫn còn diễn biến hết sức phức tạp, nguy cơ lây lan trong cộng đồng và gây bệnh là rất lớn.

Bộ Y tế đề nghị Sở Y tế tỉnh, TP trực thuộc Trung ương đẩy mạnh các hoạt động truyền thông phòng chống dịch bệnh sốt xuất huyết phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương để người dân không chủ quan, không hoang mang, lơ là và chủ động thực hiện các biện pháp phòng chống bệnh.

Để phòng bệnh sốt xuất huyết, Bộ Y tế khuyến cáo, hiện vaccine phòng bệnh đang tiếp tục được đánh giá. Do đó, biện pháp phòng bệnh chủ yếu là kiểm soát côn trùng trung gian truyền bệnh như tránh muỗi đốt, diệt bọ gậy (loăng quăng), diệt muỗi trưởng thành, vệ sinh môi trường, loại bỏ ổ chứa nước đọng.