Điều kỳ diệu đến từ việc làm bình dị

Thanh Bình
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Những ánh mắt rạng lên niềm hạnh phúc vì được chăm sóc, quên đi mệt mỏi, lo âu… là cảm xúc chân thực của những bệnh nhân ung thư máu khi đến tiệm cắt tóc “đặc biệt” ở Khoa Điều trị hóa chất của Viện huyết học và Truyền máu T.Ư.

Niềm vui của người bệnh
Tìm đến Viện Huyết học và Truyền máu T.Ư vào một chiều hè, chúng tôi không khỏi bùi ngùi khi chứng kiến những số phận bị ung thư máu đang ngày đêm giành giật sự sống với tử thần. Nhưng không gian u ám dường như được xóa bỏ khi chúng tôi đặt chân tới tiệm cắt tóc “đặc biệt” tọa lạc tại tầng 7 của Viện. Tiệm cắt tóc phục vụ miễn phí cho những bệnh nhân và thợ cắt tóc lại chính là những người mặc blouse trắng. Nhiều người mới đến viện điều trị tỏ ra ngạc nhiên, nhưng với những người đã điều trị nhiều đợt, xem bệnh viện như nhà thì không còn lạ với điều này. Mặc dù 16 giờ 30 phút mới tới giờ cắt tóc miễn phí, nhưng từ 16 giờ ở ngoài hành lang khoa Điều trị hóa chất đã có rất nhiều bệnh nhân đứng đợi, xếp hàng để đăng ký. Ở  một góc, hai chiếc gương hình chữ nhật được gắn vào tường, đối diện nhau khiến hành lang bệnh viện giống như một cửa hàng cắt tóc giản dị bên hè phố.

Các bác sĩ cắt tóc cho bệnh nhân tại Viện Huyết học và Truyền máu T.Ư. Ảnh: Thanh Bình

Khó ai có thể cầm lòng khi được chứng kiến buổi cắt tóc của các bác sĩ ở đây. Khách hàng đến đây khá đông, già, trẻ, nam nữ đều đủ cả. Đã có những bệnh nhân chỉ đến cắt tóc vài lần, xen giữa những đợt truyền hóa chất rồi không trở lại nữa… Nhiều bệnh nhân cắt tóc xong được mọi người xung quanh đặt cho cái tên trìu mến “ông rùa”. Đau lòng hơn cả khi nhiều "khách hàng" nhí được bố mẹ đưa đến cắt tóc chưa ý thức được tình trạng bệnh của mình, chúng ngơ ngác chẳng hiểu sao phải cạo trọc đầu như vậy. Những lúc đó, họ chỉ biết ôm con, xoa đầu, mà lòng nghẹn đắng, không nói lên lời.
Từ lâu, Nguyễn Văn Trọng (Nho Quan, Ninh Bình) đã coi bệnh viện như nhà của mình kể từ khi em bị bệnh ung thư máu. Những đợt truyền hóa chất kéo dài hàng tháng trời khiến chàng trai vốn đang ở độ tuổi “bẻ gẫy sừng trâu” giờ trở nên tong teo với nước da xám xịt, đôi mắt trũng sâu, thâm quầng,  tóc rụng hết, chỉ còn vài sợi lưa thưa. Đưa ánh mắt buồn nhìn những sợi tóc của con trai rơi xuống sàn nhà, ông Nguyễn Văn Trình (bố của Trọng) kể: “Trọng được phát hiện ung thư đầu năm 2016. Lúc đầu, cứ tưởng bệnh sẽ được chữa khỏi nhưng thời gian gần đây, bệnh phát nhanh quá. Điều trị hóa chất nhiều khiến mái tóc của cháu trở nên tiêu điều thế này đây!”. Lấy đi nước mắt của nhiều người nhất vẫn là cô bé Đoàn Thị Thanh Trúc 7 tuổi (Thủy Nguyên, Hải Phòng). Cầm trên tay que kẹo mút, bé Trúc ngây thơ, hồn nhiên chạy quanh tiệm cắt tóc, miệng véo von bài hát “cả nhà thương nhau”. Nhìn con gái hát mà chị Hoàng Thị Lam (mẹ bé Trúc) lòng nghẹn đắng. Chị cười mà nụ cười héo hon, đôi mắt ngấn lệ, chị Lam tâm sự: “Cháu bị xuất huyết giảm tiểu cầu đã một năm nay, trước mái tóc của cháu dày và đen lắm, giờ chỉ còn lơ thơ vài sợi. Mỗi lần nhìn lên mái tóc của cháu là tôi không thể cầm được nước mắt. Biết có tiệm cắt tóc miễn phí, tôi đưa cháu đến đây, cũng muốn cháu có cảm giác đây không phải là bệnh viện, các bác sĩ cũng như người nhà”. Nói rồi, chị quay sang dặn các y tá, điều dưỡng: "Các chú cứ cạo trọc đầu cháu cho mát. Tóc cháu nhanh dài lắm!".
Nơi thợ cắt tóc mặc blouse trắng
Đối với các y, bác sĩ, điều dưỡng trẻ, cắt tóc cho bệnh nhân như một đam mê. Họ vui khi giúp cho những bệnh nhân tóc không bị rụng mà vẫn muốn cắt. Nhưng họ lại xót xa, áy náy khi phải cầm kéo cắt đi mái tóc dài của những cô thiếu nữ hay cắt trọc mái đầu các em nhỏ. Không ít lần, họ bắt gặp rất nhiều bệnh nhân khóc khi mái tóc bị cạo đi.
Hàng ngày, phải chứng kiến bệnh nhân ung thư máu rụng tóc từng đám, Thạc sĩ - bác sĩ Vũ Quang Hưng - Phó trưởng Khoa Điều trị hóa chất liền nảy ra ý tưởng tự cắt tóc cho mọi người và thế là tiệm cắt tóc được thực hiện từ năm 2011. Khi đó,  kinh phí mua sắm dụng cụ cắt tóc được Ban lãnh đạo và Đoàn thanh niên Viện đầu tư và được bệnh nhân hưởng ứng. Ngay từ ngày đầu khai trương, đã có người đến đăng ký cắt tóc và không tuần nào không có khách. Có lúc cao điểm, các bác sĩ, điều dưỡng cắt tóc cho 22 người bệnh. Ban đầu, chỉ có một vài bác sĩ có thể cắt tóc cho bệnh nhân, nhưng giờ, ở Khoa Điều trị hóa chất đã có hơn 10 điều dưỡng xung phong và được "đào tạo" để làm công việc này.
Trò chuyện với chúng tôi, Thas.BS Vũ Quang Hưng khẳng định tất cả những gì các y, bác sĩ, điều dưỡng nơi đây làm là vì bệnh nhân và việc mở điểm cắt tóc miễn phí phục vụ bệnh nhân hàng tuần này cũng vậy. Đã 6 năm qua, cứ vào khung giờ vàng từ 16 giờ 30 phút - 18 giờ 30 phút chiều thứ Năm hàng tuần, các bệnh nhân ở viện lại xếp hàng cắt tóc và mỗi tuần lại được bổ sung thêm những cái tên mới. Cứ thế, tính đến nay, đã có hàng ngàn bệnh nhân được cắt tóc miễn phí và tất cả y, bác sĩ ở khoa đều có thể cắt được tóc. Bác sĩ Hưng chia sẻ, anh chỉ áp dụng kinh nghiệm thủa sinh viên không có tiền phải tự cắt cho nhau, nay vừa giúp bệnh nhân giữ được vệ sinh, giảm chi phí và quan trọng nhất là tình cảm giữa bệnh nhân và thầy thuốc càng thêm gần gũi nhau hơn. “Đặc thù của bệnh ung thư máu, da rất dễ trầy xước, khi đó rất khó cầm máu và dễ bị nhiễm trùng. Vì vậy, để vừa thuận tiện cho bệnh nhân, giảm chi phí, đỡ mất thời gian đi lại và quan trọng nhất là đảm bảo an toàn cho bệnh nhân, bệnh nhân trong viện nên đến điểm cắt tóc tại tầng 7 để được các bác sĩ phục vụ” - bác sĩ Hưng cho biết.
Vừa nhanh tay đưa những đường tông đơ, điều dưỡng Đặng Quang Tuấn, làm việc tại khoa Điều trị hóa chất vừa chia sẻ, trước kia anh chưa từng cắt tóc cho ai bao giờ, và cũng không tưởng tượng được là mình sẽ làm được việc này. "Ngày đầu tiên cầm tông đơ, tay tôi run cầm cập, cả nửa tiếng mới cắt xong tóc cho bệnh nhân vì chỉ sợ nhỡ tay cạo phạm vào da đầu của họ. Nhưng giờ thì tôi quen rồi, có thể tạo được nhiều kiểu tóc, chứ không phải chỉ cắt ngắn hay cạo trọc đâu. Tuy nhiên, đa phần các bệnh nhân ở đây chọn 1 trong 3 kiểu tóc là trọc, cắt ngắn và cắt 3 phân. Đúng là có cắt tóc cho bệnh nhân mới hiểu được nỗi lòng của họ, cảm thấy họ như người thân của mình vậy".
Với bác sĩ Hưng, hơn 6 năm cầm tông đơ, đó là thời gian đầy những kỷ niệm với bệnh nhân của mình. Mỗi bệnh nhân lại có một hoàn cảnh gia đình khác nhau nhưng điểm chung của họ là phải cắt đi mái tóc của mình. Hàng nghìn người được bác sĩ Hưng cắt tóc, là từng đó gương mặt còn in hằn trong ký ức của anh. “Những bệnh nhân ung thư cực kỳ nhạy cảm. Việc cắt bớt tóc hoặc cạo trọc trước khi tóc của họ rụng không chỉ vì lý do vệ sinh, mà còn giảm bớt gánh nặng tâm lý của bệnh nhân. Chứng kiến cảnh nhiều bệnh nhân nữ xinh đẹp, tóc dài thướt tha sau khi truyền hóa chất, bần thần đưa tay lên vuốt tóc rồi nhìn ngắm từng chùm tóc rụng xuống bàn tay, chúng tôi thấy cay nơi sống mũi" - bác sĩ Hưng trải lòng.
Với thông điệp “Không có niềm tin không thành cổ tích. Hãy làm nên cổ tích giữa đời thường từ những điều bình dị nhất”, bác sĩ Hưng và các cộng sự đã làm được những điều kì diệu, đó là niềm tin cho các bệnh nhân của mình.