Đô thị thông minh: Từ xu hướng đến thực tiễn

Tú Anh thực hiện
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trong bối cảnh nhiều TP của Việt Nam hiện đang phải đối mặt với những thách thức về tăng dân số và đô thị hóa nhanh chóng, phát triển đô thị thông minh không chỉ là một xu hướng mà còn là giải pháp giúp biến các TP trở nên đáng sống và cạnh tranh hơn.

Bài 4: Ưu tiên hệ thống giao thông công cộng
 TS Phạm Thái Lai - CEO Siemens Việt Nam
Phóng viên Kinh tế & Đô thị đã có cuộc trao đổi với TS Phạm Thái Lai - CEO Siemens Việt Nam về các kế hoạch mà đô thị Việt Nam có thể áp dụng để xây dựng TP thông minh.

Theo ông, những điều kiện tiên quyết để các TP ở Việt Nam trở thành các đô thị thông minh là gì?

- Ba điều kiện tiên quyết để phát triển đô thị thông minh liên quan đến cơ sở hạ tầng là Cơ sở hạ tầng số hóa; Giao thông thông minh; Lưới điện thông minh và Tòa nhà thông minh.

Cơ sở hạ tầng số dựa trên nền tảng điện khí hóa và tự động hóa có thể thúc đẩy hiệu quả dịch vụ thông qua tối ưu hóa vận hành và trang thiết bị, thay đổi mô hình vận hành theo nhu cầu, duy trì và quản lý hệ thống từ xa.

Giải pháp cho giao thông giúp tăng tiện ích của cơ sở hạ tầng, tối ưu hóa công suất hoạt động và tạo nên một chất lượng mới về trải nghiệm cho người sử dụng thông qua số hóa. Ví dụ, đường sắt số cung cấp cơ hội cho các TP và các nhà vận hành có thể điều khiển ngành đường sắt một cách tương tác và tự động, đồng thời cung cấp cho hành khách một cấp độ mới về tính kết nối bên cạnh sự thuận tiện và thoải mái khi di chuyển. Lưới điện thông minh đem lại sự cân bằng tối ưu giữa cung và cầu về điện, giúp giảm tổng lượng tiêu thụ điện do nhu cầu gia tăng bằng cách trực tiếp kiểm soát các thiết bị điện hoặc thay đổi thói quen của người tiêu dùng. Cuối cùng, Tòa nhà thông minh sẽ giúp các TP đạt được tiêu chuẩn cao nhất về hiệu quả môi trường, đồng thời giảm lượng điện năng tiêu thụ.

Vậy các TP của Việt Nam, trong đó có Hà Nội cần có kế hoạch như thế nào để xây dựng một đô thị thông minh?

- Theo tôi cần phải có sự phối hợp hiệu quả giữa các cơ quan và các bên liên quan nhằm đảm bảo việc phát triển và thực hiện một kế hoạch tổng thể đa chiều và đa phương thức. Điều này đòi hỏi phải có sự điều chỉnh các chính sách về quy hoạch đô thị, sự thành lập ra một đơn vị chức năng để điều phối các hoạt động liên ngành, tăng cường công tác đào tạo nhân lực để vận hành các thiết bị hiện đại và phân tích dữ liệu đầu ra cùng các xu hướng, cũng như tìm các phương thức mới để đảm bảo các nguồn tài chính cần thiết.

Vẫn còn nhiều băn khoăn của các bên liên quan về việc sử dụng công nghệ nào là thích hợp nhất trong từng trường hợp cụ thể và ở đây tôi muốn gợi ý rằng, trước hết chính quyền TP cần phải xác định rõ các thách thức và ưu tiên hàng đầu của mình. Đồng thời phải hợp tác chặt chẽ với các DN để cùng xây dựng các giải pháp thỏa đáng cho các bên.

Rõ ràng tình trạng ngân sách công eo hẹp - vốn là tình trạng chung ở mọi nơi trên thế giới. Chính vì vậy, các DN tư ở Việt Nam cần tham gia tích cực hơn nữa trong các sáng kiến và dự án về đô thị thông minh.

Về phía Siemens, việc cung cấp cho các TP những sản phẩm, giải pháp và dịch vụ tốt nhất là nhiệm vụ chiến lược của chúng tôi. Chúng tôi cam kết giúp các đô thị tại Việt Nam trở nên thông minh hơn, đáng sống hơn, và phát triển bền vững hơn.
 Trung tâm điều khiển giao thông Hà Nội với trang thiết bị hiện đại kết nối hệ thống mạng internet. Ảnh: Công Hùng

Cơ sở hạ tầng số hóa và giao thông thông minh là 2 trong số 4 trọng tâm của đô thị thông minh, ông có thể cho biết Siemens có sáng kiến hay kế hoạch hợp tác gì về 2 lĩnh vực với Hà Nội trong thời gian tới?

- Chúng tôi cung cấp các dịch vụ số chuyên biệt đáp ứng nhu cầu phát triển cơ sở hạ tầng của một đô thị và hợp tác trực tiếp với các TP lớn trên thế giới để đảm bảo công nghệ số được tích hợp từ khâu lên kế hoạch. Nhờ vậy có thể đem lại lợi ích tức thời như giảm tắc nghẽn, cải thiện chất lượng không khí và đảm bảo an toàn năng lượng.

Tại Việt Nam, chúng tôi hiện đang làm việc với Bộ Giao thông và chính quyền TP Hà Nội để giúp cho giao thông trở nên hiệu quả hơn bằng việc áp dụng hệ thống đèn giao thông và điều khiển giao thông thông minh trong điều tiết mật độ giao thông ở các đô thị lớn.

Chúng tôi cũng tin rằng một hệ thống giao thông công cộng được sử dụng rộng rãi sẽ là yếu tố chính yếu khiến cho các đô thị trở nên đáng sống hơn và cạnh tranh hơn.

Các giải pháp về tàu điện ngầm của chúng tôi đã sẵn sàng hỗ trợ các TP như Hà Nội và TP Hồ Chí Minh hiện thực hóa điều này. Tiếp đến là tàu điện ngầm không người lái, hệ thống trợ giúp người lái xe hoặc hệ thống bán vé điện tử… tất cả sẽ khiến cho việc đi lại ngày càng thuận tiện hơn cho các cư dân đô thị.

Thông qua buổi làm việc với UBND TP Hà Nội gần đây, Siemens đã có cơ hội mời đến trao đổi và trình bày về các giải pháp của chúng tôi cho quá trình xây dựng đô thị thông minh của Hà Nội, theo đó, lãnh đạo TP đã chỉ đạo cho các ban ngành liên quan phối hợp với Siemens xây dựng một đề xuất trình xem xét trong thời gian tới.

Đặc biệt, Siemens cũng đang hợp tác chặt chẽ với Vinfast trong dự án sản xuất ô tô đầy tham vọng của Tập đoàn VinGroup. Một ngày gần đây các bạn sẽ thấy trên đường phố những chiếc xe ô tô hiện đại made-in Việt Nam có sử dụng công nghệ Quản lý vòng đời sản phẩm (PLM) của Siemens.

Xin cảm ơn ông!