Đời dưa...

Hà Phương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi- Lang bạt khắp nơi và gắn chặt đời mình bên những triền sông, nghề trồng dưa “du mục” đã trở thành sinh kế của hàng trăm hộ dân nơi vùng quê nghèo.

Nghề “đánh bạc”

Trời ngả về chiều mà con nắng tháng Tư vẫn như trút lửa xuống triền cát nơi bãi bồi sông Trà Khúc (TP Quảng Ngãi, tỉnh Quảng Ngãi). Tấm áo đã đẫm mồ hôi nhưng hai vợ chồng ông Nguyễn Văn Lai (xã Bình Chương, huyện Bình Sơn) chẳng ngơi tay xới đất.

Dưới đôi tay chai sần và cán cuốc đã nhẵn bóng, từng rãnh đất được xới đều, vun thành luống để chuẩn bị xuống giống vụ dưa mới. Trên bãi đất rộng đến hơn 30 sào (500m2/sào), vóc dáng gầy gò của họ càng trở lên nhỏ bé.  

Làm đất là công đoạn vất vả, kéo dài cả tháng trời.
Làm đất là công đoạn vất vả, kéo dài cả tháng trời.

Để tiết kiệm chi phí thuê nhân công, suốt cả tháng trời, đôi vợ chồng này đều cần mẫn ra bãi, ăn nghỉ ngay trên triền sông. Một ngày thường bắt đầu từ lúc sáng sớm và kết thúc vào lúc tối mịt. Nghề dưa cực nhất là khâu làm đất, nhưng các công đoạn sau đó cũng chẳng kém vất vả và hồi hộp với muôn nỗi lo nắng mưa thất thường, giá cả không ổn định.

49 tuổi, ông Lai có hơn 20 năm trồng dưa theo kiểu “du mục”, lúc thì thuê đất ở cánh Tây Nguyên, khi thì thuê ở bãi sông Trà hoặc khu vực xã Bình Minh (huyện Bình Sơn). Gắn chặt đời mình với những mùa dưa, ông Lai không thể kể hết nỗi buồn vui, gian khó đã trải qua.

“Trồng dưa cũng như đánh bạc, rất hên xui, may rủi vì phụ thuộc vào giá cả thị trường và thời tiết. Trời thương thì dưa được mùa, còn trời lấy hết thì trắng tay…”- ông Lai chia sẻ.

Phút nghỉ ngơi của 2 vợ chồng ông Lai trên bãi bồi.
Phút nghỉ ngơi của 2 vợ chồng ông Lai trên bãi bồi.

Ngơi tay cuốc, ông Lai vuốt vội mồ hôi trên gương mặt sạm đen, rót ly trà đá trong bình giữ nhiệt, ngửa mặt uống trọn một hơi rồi chép miệng, tiếp lời: “Nhớ nhất ngày 5/2 Âm lịch năm 2015, cũng trên bãi sông này có một trà dưa sớm sắp cho thu hoạch, một trà vừa đậu quả mà thời tiết thất thường, lũ đến bất ngờ nên mất sạch. Năm đó lỗ ngập đầu, chán muốn nghỉ, mà nghỉ thì lấy gì trả nợ, lấy gì sống?”.

Nhắc lại mùa dưa cũ, ông Lai vẫn thấy rùng mình vì số nợ phải mang quá lớn. Thường những người trồng dưa như ông Lai sẽ vay mượn tiền vào đầu vụ, rồi cuối vụ thu hoạch xong sẽ trả nợ. Dưa mất trắng, nghĩa là số nợ không trả được, chuyện cơm áo thêm bội phần khó khăn.

“Với 30 sào thì tiền thuê đất đã là 45 triệu đồng, rồi tiền thuê máy cày xới đất, nhân công, phân giống… Tính ra mỗi vụ sơ sơ khoảng 200 triệu đồng. Trời thương, được mùa, được giá thì lời 60, 70 triệu đồng. Còn xui xẻo thì đổ nợ, ít thì vài chục, nhiều thì cả trăm triệu đồng. Đời dưa nó vậy...”- ông Lai cười hiền, vừa có chút buồn, vừa như cam phận.

Làng du mục

Tháng Ba, tháng Tư, trên các bãi bồi của sông Trà Khúc, màu xanh của dưa đang dần phủ xanh những triền cát. Đại đa số chủ của những ruộng dưa này là các hộ dân ở xã Bình Chương (huyện Bình Sơn)- nơi nổi tiếng với nghề trồng dưa theo kiểu du mục.

Bãi dưa ở sông Trà Khúc
Bãi dưa ở sông Trà Khúc

Quanh năm, hàng trăm hộ dân ở xã Bình Chương dựng lều bạt trồng dưa lưu động trên bãi bồi ven sông Trà và khắp các tỉnh miền Trung - Tây Nguyên để mưu sinh. Trong nhiều ngôi làng, chỉ còn bóng dáng của người già và trẻ em.

Mấy thập kỷ qua, người dân xã Bình Chương gồng gánh đi khắp các dòng sông trồng dưa. Bởi lẽ, đất đai ở quê không được phù sa bồi đắp như ở bên cạnh những dòng sông. Nếu canh tác ở quê thì chỉ 1 - 2 mùa là đất thoái hóa, chất lượng dưa kém đi, còn đất ven sông thì màu mỡ, mỗi năm đều được bồi đắp.  

Người nông dân lọt thỏm trong ruộng dưa mênh mông.
Người nông dân lọt thỏm trong ruộng dưa mênh mông.

Theo kinh nghiệm, muốn có hiệu quả, dưa phải được trồng trên những vùng đất mới, gió thoáng, có hơi nước. Cứ hết vụ dưa, người dân Bình Chương lại phải chuyển đi nơi khác làm vụ dưa mới, công cuộc kiếm đất trồng dưa cũng khá gian nan, vất vả.

Trung bình một năm có 4 vụ dưa, từ đầu tháng 1 đến tháng 6 làm ở Quảng Ngãi 2 vụ; từ tháng 6 đến tháng 9 chuyển vào Phú Yên làm 1 vụ; từ tháng 9 đến tháng 12 chuyển lên Gia Lai, Đak Lak, Lâm Đồng… làm thêm vụ nữa. Thậm chí có người còn vào các tỉnh Tây Nam Bộ tìm đất trồng dưa.

“Nghề này lang bạt, một năm chỉ vài tháng ở nhà, con cái phải gửi ông bà trông coi giúp. Được mùa thì không sao, còn mất mùa thì hết đường về nhà luôn”- bà Võ Thị Lành (xã Bình Chương) nói.

Người trồng dưa đang "làm chèo".
Người trồng dưa đang "làm chèo".

Bà Lành cũng có ruộng dưa rộng 30 sào ở bãi bồi sông Trà. Xuống giống sớm hơn gia đình ông Lai, dưa nhà bà Lành đã bắt đầu cho quả. Trên triền sông, bà Lành cùng 6 lao động đang tất bật làm chèo.

“Làm chèo” chính là tỉa bớt ngọn dưa, chỉ chừa lại ngọn chính để dưa thông thoáng, dễ đậu quả. Sau khi làm gọn những nhánh con, ngọn dưa chính sẽ được cố định bằng một thanh nan tre nhỏ gập đôi, cắm xuống đất.

Ngọn dưa chính được cố định bằng nan tre.
Ngọn dưa chính được cố định bằng nan tre.

Theo người dân Bình Chương, nghề trồng dưa lưu động này bận rộn nhất là giai đoạn làm chèo. Không chỉ làm ban ngày, sau khi ăn cơm tối, họ còn phải đội đèn pin trên đầu để làm cả ban đêm cho kịp giai đoạn quan trọng này.

 

"Dưa là một trong những cây trồng mang lại thu nhập chính cho người dân địa phương. Họ thường đi các nơi khác thuê đất với diện tích khá lớn để trồng. Tuy nhiên giá cả bấp bênh, nên người dân thường xuyên đối mặt với thua lỗ. Như vụ dưa sớm mới đây, khoảng 2.000-3.000 đồng/kg, chưa đủ bù chi phí. Nếu như ớt chưa bán được có thể phơi khô thì dưa chỉ có thể tiêu thụ lúc mới hái. Do đó, nghề trồng dưa rất may rủi"- Chủ tịch UBND xã Bình Chương Phạm Thanh Hải cho hay.

Do ruộng dưa ở giữa bãi bồi ven sông hoang vắng, người dân Bình Chương dựng lều ngay trên bãi và mua tấm pin hấp thu năng lượng mặt trời chuyển hóa điện năng nối trực tiếp tích trữ điện vào bình ắc-quy để thắp sáng, sinh hoạt về đêm. 

Đối với nhà nông thì nhất nước, nhì phân, tam cần, tứ giống. Trong 4 yếu tố trên, phương pháp trồng dưa nơi bãi bồi những dòng sông của người nông dân ở xã Bình Chương xem như đã hội tụ đủ cả 4. Còn việc lời - lỗ từ nghề này là việc khó nói trước. Bởi giá dưa lúc tụt xuống thấp nhất chỉ 500 đồng/kg, lúc lên cao thì được thu mua tại ruộng lên đến 12.000 đồng/kg.

Còn nhớ, năm 2019, giá dưa lên cao và được xem như ở đỉnh, làng dưa trở lên nhộn nhịp. Các tiểu thương tới, lui, hẹn hò với cục tiền cọc 30 - 50 triệu đồng để giữ mối thu mua.

Dưa có đặc tính lớn rất nhanh, nếu như sáng hôm qua chỉ tầm nắm tay thì sáng hôm nay đã to gấp đôi, gấp ba. Những lúc giá dưa đang lên, nhìn dưa lớn nhanh như thổi, ai cũng hào hứng. Nhưng ngược lại, khi giá tụt sâu, người trồng lại mong dưa chậm lớn, đợi thị trường khả quan hơn.

Giá dưa hấu thường xuyên bấp bênh.
Giá dưa hấu thường xuyên bấp bênh.

“Giá dưa phải trên 5.000 đồng/kg mới có lời, còn dưới đó là hòa vốn với lỗ. Chỉ mong giá ổn định ở mức 6.000- 7.000 đồng/kg, vậy là đủ ăn, đủ vui rồi. Còn như vài ngàn đồng, thậm chí vài trăm đồng thì lỗ chổng vó, cuối vụ không đủ trả nợ. Nghề bấp bênh, may rủi nên tới đời tôi thôi, 2 đứa con nhất quyết không cho đứa nào làm dưa”- bà Dương Thị Lan (xã Bình Chương) quả quyết.