Dự án Bến xe Yên Sở: Tiền đề giải tỏa ùn tắc giao thông cửa ngõ phía nam

Ngọc Hải thực hiện
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Liên quan đến Dự án xây dựng Bến xe Yên Sở nhằm giảm tải cho giao thông cửa ngõ phía Nam Hà Nội trong giai đoạn trung hạn, báo Kinh tế & Đô thị đã có cuộc trao đổi với Tiến sĩ giao thông đô thị Lê Đỗ Mười. Ông Mười khẳng định, đây là bước đi đúng đắn của Hà Nội.

 Phối cảnh Bến xe Yên Sở.
Hà Nội chuẩn bị triển khai xây dựng bến xe Yên Sở (phường Yên Sở, quận Hoàng Mai), ông đánh giá thế nào về quyết định này?
- Theo Quy hoach GTVT Thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn đến 2050, khu vực cửa ngõ phía Nam Hà Nội sẽ xây dựng Bến xe phía Nam (Ngọc Hồi). Tuy nhiên, hiện nay Vành đai 4 còn chưa được đầu tư khép kín, thì việc triển khai Bến xe phía Nam sẽ khó thực hiện và không nhiều tác dụng.

Bên cạnh đó, hiện cửa ngõ phía Nam đang phải đương đầu với áp lực giao thông lớn, nhiều điểm ùn tắc liên hoàn, nhất là vào các dịp lễ, Tết. Mà đa phần các điểm ùn tắc này đều liên quan đến 2 bến xe Giáp Bát, Nước Ngầm. Vì vậy, trong trung hạn, Hà Nội phải cố gắng xây dựng Bến xe Yên Sở nhằm đưa bớt xe khách liên tỉnh tại bến Giáp Bát ra khỏi cửa ngõ, ngoài Vành đai 3, nhằm giảm thiểu UTGT cho khu vực. Do đó, tôi cho rằng việc xây dựng Bến xe Yên Sở là một bước đi đúng đắn và rất cấp thiết đối với Hà Nội trong giai đoạn này.

Bến xe Yên Sở liệu có đảm bảo các quy hoạch giao thông của Hà Nội cả giai đoạn trước mắt và lâu dài, thưa ông?

- Vừa qua, tôi cũng thấy dư luận băn khoăn về vấn đề này. Nhưng theo tôi biết, Bến xe Yên Sở đã được xác định là bến xe trung hạn trong Quy hoạch GTVT Thủ đô Hà Nội được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Bên cạnh đó, trong Quy hoạch bến bãi, điểm đỗ xe của Hà Nội cũng đã có bến xe này. Về mặt pháp lý, Dự án Bến xe Yên Sở đã đầy đủ căn cứ, cơ sở. Về mặt thực tế, bến xe này có thể nói là một điểm nhấn quan trọng đối với giao thông Hà Nội nói chung, khu vực cửa ngõ phía Nam nói riêng; không thể nghi ngờ gì về tính hợp lý của nó.

Có nhiều ý kiến thắc mắc về khoảng thời gian trung hạn đối với Bến xe Yên Sở. Vậy trung hạn là khoảng bao nhiêu năm thưa ông?

- Trung hạn là từ 5 - 10 năm, nhưng trong trường hợp cụ thể của Bến xe Yên Sở, thì có thể phải kéo dài từ 10 - 20 năm. Điều này phụ thuộc chủ yếu vào việc Hà Nội mất bao lâu để xây dựng Vành đai 4, đầu tư Bến xe phía Nam với đầy đủ kết nối đường bộ, đường sắt theo như Quy hoạch.

Từ nay tới đó, cửa ngõ phía Nam Thủ đô cần có Bến xe Yên Sở để đưa các tuyến vận tải hành khách liên tỉnh từ Bến xe Giáp Bát ra, xóa các điểm ùn tắc trên trục đường Giải Phóng - QL1. Tôi nghĩ trục đường này sẽ còn là xương sống lưu thông của khu vực cửa ngõ phía Nam trong nhiều năm nữa, không thể để ùn tắc kéo dài mãi như vậy.
 Tiến sĩ giao thông đô thị Lê Đỗ Mười
Để Bến xe Yên Sở có thể kết nối tốt, đồng bộ với giao thông khu vực và cả TP nói chung cần những điều kiện gì, thưa ông?

- Tôi cho rằng cần phải làm được 3 việc chính. Thứ nhất là có một mạng lưới xe buýt kết nối Bến xe Yên Sở với càng nhiều khu vực trong TP càng tốt, nhất là vùng nội thành. Thứ hai là TP cần đẩy nhanh tiến độ xây dựng đường Tam Trinh, điều chỉnh tổ chức giao thông tại một số điểm nút như: Tam Trinh - Vành đai 3; Pháp Vân - Hoàng Mai… cho phù hợp. Thứ ba là cần có lộ trình phù hợp, nhưng dứt khoát, di dời các tuyến vận tải khách liên tỉnh khỏi Bến xe Giáp Bát, đưa về Yên Sở và các bến khác. Như thế mới giải quyết được căn cơ tình trạng ùn tắc liên hoàn trên tuyến Giải Phóng - Pháp Vân.

Xin cảm ơn ông!
Hiện nay áp lực giao thông trên trục đường Giải Phóng – Pháp Vân vô cùng lớn. Mà chủ yếu nguyên nhân là do mật độ lưu thông cao của xe khách liên tỉnh đi - đến 2 bến xe: Giáp Bát, Nước Ngầm. Nếu không sớm xây dựng Bến xe Yên Sở, di chuyển bớt lượng xe khách ra khỏi đây thì cửa ngõ phía Nam không thể thoát khỏi ùn tắc.
Phó Đội trưởng Đội Thanh tra GTVT quận Hoàng Mai Tưởng Đỗ Hiển
Tại một cửa ngõ mà 2 bến xe nằm quá gần nhau, xe khách suốt ngày nối đuôi trên một cung đường ngắn thì bảo sao không ùn tắc. Nếu chuyển được xe khách liên tỉnh ra Bến xe Yên Sở thì quá tốt cho dân.

Chị Lê Thanh Thủy - phố Thịnh Liệt, quận Hoàng Mai