Đừng chỉ là khẩu hiệu

Nam Du
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thanh tra Bộ GD&ĐT vừa công bố kết luận thanh tra việc liên kết tổ chức thi cấp chứng chỉ năng lực ngoại ngữ của nước ngoài với Công ty TNHH Giáo dục IDP Việt Nam (IDP) có trụ sở tại quận 3 TP Hồ Chí Minh.

Kết quả gây bất ngờ khi có đến hơn 56.200 chứng chỉ IELTS được IDP cấp cho người có nhu cầu khi chưa được phép của Bộ GD&ĐT. Điều này đã để lộ ra khoảng trống trong công tác kiểm tra, giám sát hoạt động động thi, cấp chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế.

Thực tế, mặc dù ngày 17/11/2022, IDP mới được Bộ GD&ĐT cấp phép trở lại việc liên kết tổ chức thi cấp chứng chỉ ngoại ngữ của nước ngoài trên lãnh thổ Việt Nam nhưng từ ngày 1/1/2022 đến ngày 16/11/2022, công ty này đã liên kết tổ chức 555 đợt thi và cấp tổng cộng hơn 56.200 chứng chỉ IELTS.

Lên tiếng về sự việc, đại diện IDP cho biết, các chứng chỉ được cấp trong giai đoạn này vẫn được hơn 12.000 tổ chức trên toàn thế giới công nhận. Và để giải tỏa lo lắng của dư luận, Bộ GD&ĐT khẳng định, các chứng chỉ năng lực ngoại ngữ của nước ngoài do các đơn vị liên kết tổ chức thi cấp khi đáp ứng các điều kiện bảo đảm chất lượng sẽ tiếp tục được sử dụng bình thường theo quy định của Bộ GD&ĐT về thi, tuyển sinh và đào tạo, không ảnh hưởng tới quyền lợi của người được cấp chứng chỉ.

Theo quy định của Nghị định số 86/2018/NĐ-CP và Thông tư số 11/2022/TT-BGDĐT, để được tổ chức liên kết thi cấp chứng chỉ năng lực ngoại ngữ của nước ngoài, các bên liên kết cần làm hồ sơ đề nghị Bộ GD&ĐT phê duyệt theo hồ sơ gồm: Đơn đề nghị phê duyệt liên kết tổ chức thi cấp chứng chỉ năng lực ngoại ngữ của nước ngoài; thỏa thuận hoặc hợp đồng giữa cơ sở tổ chức thi tại Việt Nam và cơ sở đánh giá năng lực ngoại ngữ nước ngoài; văn bản xác nhận tư cách pháp lý của các bên liên kết; đề án tổ chức thi để cấp chứng chỉ năng lực ngoại ngữ của nước ngoài. Bộ GD&ĐT đã gửi mẫu và có hướng dẫn chi tiết trình tự, thủ tục hồ sơ đến các đơn vị.

Việc Bộ GD&ĐT đề nghị hàng loạt đơn vị tổ chức thi, cấp chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế tại Việt Nam (trong đó có IDP) phải tạm dừng việc tổ chức thi và cấp chứng chỉ hồi tháng 11/2022 là do tình trạng nợ, không hoàn thiện hồ sơ kéo dài, của các đơn vị.

Động thái của Bộ GD&ĐT nhằm bảo đảm hoạt động liên kết tổ chức thi cấp chứng chỉ năng lực ngoại ngữ của nước ngoài ở Việt Nam được thực hiện đúng các quy định của pháp luật, bảo vệ quyền, lợi ích của người được cấp chứng chỉ và tránh việc tổ chức thi các chứng chỉ tràn lan, không được kiểm soát chất lượng.

Tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý theo thẩm quyền việc liên kết tổ chức thi cấp chứng chỉ năng lực ngoại ngữ trên địa bàn theo quy định tại Nghị định 86 và Thông tư 11 là yêu cầu mạnh mẽ của Bộ GD&ĐT. Tuy vậy, qua sự việc thi cấp chứng chỉ sai quy định của IDP cho thấy, vẫn còn khoảng trống rất lớn trong hoạt động này. Dư luận đặt ra câu hỏi: ngoài IDP, còn có đơn vị nào thi cấp chứng chỉ sai quy định nữa không?

Nếu có, Bộ GD&ĐT sẽ xử lý như thế nào với đơn vị liên kết tổ chức để tránh xảy ra tình trạng tương tự? “Đẩy mạnh công tác kiểm tra, giám sát hoạt động của các đơn vị, tổ chức thực hiện đào tạo, liên kết đào tạo, cấp chứng chỉ ngoại ngữ trên lãnh thổ Việt Nam theo đúng quy định pháp luật” là một trong những nội dung được Thanh tra Bộ GD&ĐT nêu ra tại kết luận thanh tra việc thi cấp chứng chỉ của IDP.

Mong rằng, việc này cần được nhìn nhận, rút kinh nghiệm và thực hiện nghiêm túc; đừng để chỉ là khẩu hiệu, ảnh hưởng đến quyền lợi của người có nhu cầu và làm mất lòng tin của Nhân dân.