Gieo những hạt mầm hy vọng

Bài, ảnh: Hà Linh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - “Ngày 24 tháng Chạp, 10 năm về trước… Trong khói hương trầm mặc, vừa lẩm nhẩm khấn được vài câu, bất giác ông rùng mình khi nghe quanh quẩn có tiếng rên yếu ớt cùng tiếng gió “gào thét như ai oán”.

Đi khắp nghĩa trang, tìm đến một ngôi mộ giả, thấy có người nằm ở dưới, vội kéo tấm bê tông ra, ông phát hiện một cô gái đầu tóc rũ rượi, cơ thể run rẩy, nằm trên một đám lá khô…”.

Cảnh tượng khó quên ấy được cựu chiến binh (CCB) Ngô Xuân Tự (tổ 1, phố Thạch Cầu, phường Long Biên, quận Long Biên) kể cho chúng tôi nghe vào một chiều mùa Đông.

Muốn được mang họ bố nuôi

Câu chuyện xảy ra cách đây 10 năm trong một lần ông Tự ra nghĩa trang gần nhà thắp hương các cụ sau một chuyến đi xa. Khi ấy, ông định đưa tay kéo thì cô gái sợ hãi nói: "Bác đừng động vào con, con bị bệnh đấy, con bị AIDS đấy!". Từng viết đơn xin nhập ngũ bằng máu, có 30 năm vào sinh ra tử ở chiến trường miền Nam, nên khi nghe đến câu nói ấy, CCB Ngô Xuân Tự không ngần ngại trả lời: "Bệnh gì thì bệnh, cứ lên đây, về bác nuôi". Vậy là ông nhanh chóng đưa cô gái lên, chở về nhà, rồi ông đến Bệnh viện Bạch Mai lấy thuốc. Nghe tâm sự được biết, cô gái tên là Phạm Thị Kim Loan (22 tuổi) quê Phú Thọ, từng là sinh viên trường Đại học Luật Hà Nội. Vài năm về trước, Loan trót yêu con trai của chủ nhà trọ bị nghiện. 4 tháng sau, Loan đi khám thai, phát hiện mình bị mắc căn bệnh thế kỷ HIV-AIDS. Đau đớn gục ngã, cô đành phải bỏ học giữa chừng, trở về nhà kể cho gia đình nghe mọi chuyện, nhưng bố mẹ cô vì muốn giữ danh tiếng khi đang công tác tại xã đã nhẫn tâm đuổi cô ra đi.

Ông Ngô Xuân Tự đang hướng dẫn, dạy nghề cho các cháu tại xưởng in.

Sau hơn 3 tháng được ông chăm sóc, ngày 28/3/2008, Loan trút hơi thở cuối cùng. Trong cơn hấp hối, Loan trăn trối với ước nguyện nhỏ nhoi duy nhất, xin được mang họ của ông ghi trên bia mộ và từ giờ phút này xin được gọi ông là bố để tỏ lòng biết ơn, thành kính đối với người đã cưu mang mình. “Có lẽ đó là giây phút cảm động nhất, thiêng liêng nhất trong đời tôi, bởi tự nhiên có một người con gái, gọi bằng bố” - ông Tự nhớ lại với đôi mắt ngấn lệ. Sau đó, ông đã xây mộ cho Loan nằm trong khu mộ của gia đình mình với tấm bia mang tên Ngô Thị Kim Loan.

Ngược thời gian, người chiến sĩ năm xưa tiếp tục đưa chúng tôi trở về quá khứ qua những câu chuyện đầy tình người. Câu chuyện chiều cuối năm 1991 ghi lại cơ duyên đưa ông đến với “nghề” cưu mang, cứu người. Hôm ấy, trong lúc đạp xe vào nội đô sắm Tết, tới Hồ Gươm, ông chứng kiến một nhóm thanh niên đang đánh đập thương tâm một cháu bé. Thấy chuyện bất bình, ông đến can ngăn và biết được cháu bé tên Nguyễn Văn Tuấn (12 tuổi), quê ở Hưng Châu, Hưng Nguyên, Nghệ An, do nhà nghèo đói nên phải ra Hà Nội kiếm sống. Chỉ vì 10.000 đồng nợ mà Tuấn bị đánh đập. Thấy vậy, ông “nhặt” cháu về nhà nuôi và cho đi học nghề sửa chữa xe máy. Giờ đây, Tuấn đã là chủ một DN tại Vũng Tàu. Hay câu chuyện của cháu Nguyễn Văn Trường (Thụy Khuê, Tây Hồ) bị nghiện, gia đình tìm đến nhờ ông “cải tạo” giúp. Bây giờ, Trường đã trở thành người tốt, không những tu chí làm ăn, còn nhận dạy nghề sửa chữa xe máy. Rồi có những cháu nhảy xuống hồ tự tử, ông phát hiện, vớt về nuôi. Những đứa cháu “lượm lặt” ấy, theo thời gian cứ nhân lên.

Cùng bố mang tấm lòng thơm thảo đi khắp mọi nơi

Tiếng lành đồn xa, những người lang thang cơ nhỡ, khuyết tật tìm đến nhà ông ngày một đông. Cho đến nay đã 26 năm, người thương binh hạng 2/4 ấy đã nuôi dưỡng và cưu mang cho gần 500 mảnh đời có số phận khác nhau. Những đứa trẻ ấy hàng ngày vẫn gọi là bác, là bố Tự đã trưởng thành khôn lớn, quay lại báo hiếu bố, cùng bố mang tấm lòng thơm thảo đi khắp mọi nơi bằng những đồng tiền hảo tâm do chính tay mình làm ra để tiếp tục cưu mang những mảnh đời bất hạnh.

Nhấp chén trà nóng, nhớ đến câu nói quen thuộc “An cư lạc nghiệp”, ông bảo: “Hồi ấy, nhà tôi chật không đủ chỗ cho các cháu nằm, tôi lại bỏ tiền ra xây phòng cho các cháu ở”. Nhưng khi những đứa trẻ đã an cư, ông lại trăn trở làm sao để giúp các cháu sớm hòa nhập với xã hội và có cái nghề mai sau tự kiếm sống. Đau đáu với suy nghĩ ấy, năm 2014, ông đã phải bán mảnh đất mà mình dành dụm được để mở một xưởng dạy nghề in cho các cháu. “Cứ 3 tháng, xưởng in lại đào tạo một khóa 60 cháu. Sau 3 năm mở xưởng, đến nay đã có hơn 700 cháu đã ra nghề và được nhận vào làm tại các công ty” - ông hồ hởi nói.

Ông Ngô Xuân Tự cùng đồng đội trong ngày gặp lại.

Là Đại tá quân đội, về hưu năm 1995, dù nay đã hơn 70 tuổi, thế nhưng bàn tay và đôi chân của ông chưa từng biết mệt mỏi khi tìm đến giúp đỡ những hoàn cảnh éo le và khó khăn với hy vọng, giúp được ai hay đến đấy! Hễ nghe tin đâu đó, có người khó khăn là ông sẵn sàng có mặt để giúp đỡ dù đó chỉ là thùng mì tôm hay vài cân gạo. Giờ đây, ông chỉ mong sao, mình luôn có đủ sức khỏe để làm được nhiều việc thiện, giúp đỡ những mảnh đời bất hạnh. “Còn một hơi thở… tôi còn làm từ thiện” - ông thành thật.

Dẫu rằng, độc lập đã lâu nhưng trong ông luôn trăn trở khi vẫn còn đâu đó những đồng đội chưa được tìm thấy, vẫn bơ vơ nơi đất khách quê người. Đó cũng là lý do mà ông luôn muốn quy tụ đồng đội đã hy sinh được trở về với gia đình, mái nhà chung cùng anh em. Ông bảo, ông đam mê công việc này đến nỗi, cứ nhớ nơi nào mà đơn vị (Tiểu đoàn 9, Trung đoàn 38, Sư đoàn 2, Quân khu V) hành quân qua, ông lại rủ bạn bè cùng đi tìm. Có những lúc, những ngôi mộ vô danh ấy được đồng đội chỉ trong giấc mơ. Mải miết đi tìm khắp các vùng miền cả nước, các nước láng giềng: Lào, Campuchia… từ năm 1976 đến nay, ông cùng đồng đội đã quy tụ được hơn 2.000 mộ liệt sĩ. Và ông lấy đó là niềm tự hào, niềm hạnh phúc của đời mình. Dù rằng vẫn còn đó những trăn trở, đau xót và khổ tâm khi nhìn thấy những đứa trẻ bị ảnh hưởng chất độc da cam.

Thấy ông góp hàng trăm triệu đồng đổ bê tông hơn 100m2 đường ngõ, nơi ông sinh sống, nhiều người bảo ông “dở hơi” đi lo việc thiên hạ. “Nhưng đời không nghĩ thế đâu. Bởi bước chân ra ngoài đời, nhiều người tin mình. Mang quà đến những mảnh đời bất hạnh kia tuy không lớn nhưng cảm thấy lòng mình nhẹ bỗng. Hay chỉ đơn giản là hôm nay ôm đứa cháu vào lòng để ngày mai cháu đi thanh thản. Vì biết cháu sống không được bao lâu nữa” - ông xúc động nói.

“Sống thật với tâm mình để cho người khác học. Xua đi tất cả những gì không đáng để được bình an. Lấy những người ngoài như người nhà mình để giúp đỡ cưu mang bởi đó là những mảnh đời bất hạnh”. Giọng nói hào sảng ấy của người gieo những hạt mầm hy vọng vẫn vang vọng đâu đó...