Giữ nụ cười luôn nở trên môi trẻ thơ

Lan Ngọc
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Những ngày Hè nóng bức oi ả, đa số học sinh sẽ bước vào kỳ nghỉ dài ngày sau một năm học tập vất vả.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Thế nhưng, quan sát trên đường phố, ở các trung tâm luyện thi, chẳng thiếu những hình ảnh trẻ sấp ngửa đeo chiếc cặp sách to hơn người, tay cầm miếng bánh ăn vội để kịp các ca học. Tuổi thơ của một đứa trẻ chỉ là vùi đầu trong sách vở bởi những áp lực, để đạt mong muốn của bố mẹ là thành tài.

Còn nhớ một vụ tự tử của học sinh trường chuyên như một lời cảnh tỉnh với cha mẹ học sinh. Theo những dòng chữ cuối cùng nam sinh để lại, cậu đã chịu nhiều áp lực từ việc học tập cũng như không nhận được sự động viên, cảm thông đúng mực từ phía bố mẹ. Nhiều hôm cậu đã phải thức tới tận 3 - 4 giờ sáng… chỉ để học.

Theo thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) về bệnh trầm cảm tại khu vực Đông Nam Á, chỉ riêng Việt Nam có tới gần 800.000 người chết vì tự tử hàng năm. Trong đó, nhóm tuổi gây tử vong hàng đầu là nằm trong khoảng 15 - 29 tuổi.

Theo PGS.TS Trần Thành Nam – Chủ nhiệm Khoa Các khoa học Giáo dục (Trường Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội), áp lực học tập là một trong rất nhiều yếu tố khiến trẻ em trầm cảm. Thế nhưng, cứ thỉnh thoảng truyền thông lại cảnh báo vài vụ việc đau lòng từ áp lực học tập hoặc trên mạng xã hội tỷ lệ các hội nhóm đề cao các loại thành tích của học sinh, giới thiệu các trung tâm luyện thi… chỉ có thể tăng về số lượng.

Theo con số thống kê của Tổng cục Thống kê, Việt Nam hiện nay có khoảng gần 25 triệu trẻ em. Các em được xem là những mầm non tương lai của đất nước. Trẻ em sinh ra trong mỗi hoàn cảnh, điều kiện và môi trường sống khác nhau nhưng đều có quyền được chăm sóc, yêu thương.

Ở các TP lớn, tỷ lệ không nhỏ trẻ em bị trầm cảm hoặc thấy không vui vì áp lực học hành, hoặc nảy sinh các vụ bạo hành do cha mẹ thiếu quan tâm, cũng còn nhiều trẻ em đang lang thang cơ nhỡ chưa tìm được đến sự bảo trợ của cộng đồng.

Ở vùng sâu, vùng xa lại là câu chuyện thiệt thòi của trẻ em trong việc tiếp cận với các điều kiện sống và học tập đảm bảo. Những vấn đề về bảo vệ, thấu hiểu trẻ em luôn cần được trăn trở.

Nhân Ngày Quốc tế thiếu nhi (1/6) năm 2023, tại sự kiện “Chung tay giảm thiểu tổn hại trẻ em” gắn với Tháng hành động vì trẻ em, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Vũ Thu Hà đã nói: “Mỗi gia đình hãy tạo ra môi trường sống hạnh phúc, an toàn, tránh gây áp lực cho con trẻ, để trẻ không phải chịu bất hạnh trong chính ngôi nhà của mình. Mỗi nhà trường hãy tạo không khí để mỗi ngày đến trường là một ngày vui, tránh gây áp lực học hành cho học sinh. Cộng đồng, xã hội hãy trách nhiệm, yêu thương với trẻ em, nhất là trẻ em có hoàn cảnh khó khăn”.

Để nụ cười luôn nở trên môi trẻ thơ cần lắm sự quan tâm, thấu hiểu của những người cha, người mẹ với trẻ em hôm nay. Đặc biệt là sự quan tâm của cộng đồng, cùng quan tâm đến trẻ nhỏ, kịp thời phát hiện các vụ việc bạo hành trẻ để sớm ngăn chặn hậu quả nghiêm trọng, những tấm lòng của các mạnh thường quân luôn hướng đến chăm lo cho trẻ em ở các vùng còn khó khăn.

Nếu cộng đồng cùng yêu thương, hướng về trẻ em, thì thế hệ tương lai không chỉ được sinh sống trong một môi trường hạnh phúc, mà còn lan tỏa sự hạnh phúc đó đến mãi về sau.