Hà Nội nhận kiến nghị của người dân, DN qua zalo: Nhanh hơn, hiệu quả hơn

Hà Bình
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Từ hôm nay (10/2), UBND TP Hà Nội chính thức tiếp nhận kiến nghị của người dân, DN về quy định hành chính tại địa chỉ Zalo Official Acount “Phản ánh kiến nghị TP Hà Nội”.

Đây là một trong những nét mới nhận được sự quan tâm, hưởng ứng của đông đảo người dân Thủ đô.

Việc TP ứng dụng công nghệ thông tin, có thêm một kênh tiện lợi để tiếp nhận, hiểu hơn những vướng mắc của người dân chắc chắn sẽ thúc đầy thêm sự hài lòng với sự phục vụ của cơ quan công quyền.

Trong những năm qua, TP Hà Nội đã có những bước chuyển lớn trong cải cách hành chính và nâng chất lượng công vụ. TP đã rà soát và đơn giản hóa hàng loạt thủ tục hành chính (TTHC), ứng dụng công nghệ thông tin, các dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4… khiến nhiều thủ tục gần như lập tức có kết quả, không phải chờ đợi. Cùng với đó, việc tiếp nhận, giải quyết TTHC được giám sát, kiểm soát chặt chẽ, đã hạn chế tối đa nhũng nhiễu, chậm trễ.

Để hiểu hơn việc người dân, DN vướng mắc gì, cần hỗ trợ gì trong giải quyết các thủ tục hay chưa hài lòng với thái độ của cán bộ, công chức, các cuộc đối thoại về vấn đề này cũng liên tục được tổ chức. Qua đó, chất lượng công vụ, sự hài lòng của người dân, DN ngày càng cao. Một số đơn vị còn thông qua giải pháp “định danh, đánh giá mức độ hài lòng bằng khuôn mặt”, công nghệ AI tự động để nhận diện khuôn mặt, trạng thái cá nhân để đánh giá mức hài lòng khi người dân ra về.

Và đúng như lãnh đạo TP Hà Nội đã nói, bản chất của cải cách hành chính là thái độ của cán bộ, công chức chính quyền với người dân và DN. Trên cơ sở thiết kế quy trình giải quyết công việc phù hợp, việc tạo nên sự khác biệt tốt về thái độ tôn trọng, phục vụ là rất quan trọng. Do đó, việc TP có mở rộng kênh tương tác, ứng dụng công nghệ thông tin để người dân, DN dễ dàng thực hiện góp ý, phản ánh, kiến nghị qua ứng dụng Zalo sẽ góp phần nâng cao hơn nữa hiệu quả cải cách hành chính.

Bởi thông qua ứng dụng này, người dân, DN không chỉ phản ánh, kiến nghị những vướng mắc, khó khăn trong việc giải quyết TTHC thuộc thẩm quyền các cấp, mà còn có thể phản hồi về hành vi, thái độ của cán bộ, công chức trong quá trình làm việc.

Hơn thế nữa, chính việc sử dụng công nghệ, chuyển đổi số khiến những ý kiến của người dân cũng đến với chính quyền nhanh hơn, thuận lợi hơn. Và thông qua đó, các cơ quan chức năng sẽ tích cực trong việc tháo gỡ những bức xúc ở thực tiễn, vướng mắc, bất cập trong cơ chế quản lý để điều chỉnh, khắc phục.

Để kênh tiếp nhận thông tin này hoạt động thực sự hiệu quả, TP cũng đã có những chỉ đạo rất cụ thể cả về chuẩn bị, con người, trách nhiệm, về tích hợp, kết nối với hệ thống của Cổng dịch vụ công quốc gia... bảo đảm công tác tiếp nhận, giải quyết thông tin phản ánh, kiến nghị của người dân được gửi từ ứng dụng này nhanh chóng, kịp thời, thuận tiện, đúng quy định.
Thời điểm này, Hà Nội cũng vừa chính thức đưa các hệ thống thông tin dùng chung TP phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành của UBND TP vào sử dụng.

Chính việc đẩy mạnh chuyển đổi số trong các hoạt động quản lý Nhà nước từ phương thức truyền thống sang ứng dụng công nghệ thông tin, sẽ cung cấp đến người dân, DN dịch vụ hành chính công trực tuyến nhanh chóng, chính xác, giảm chi phí và hình thành trục mô hình “chính quyền số - công dân số”, cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư. Qua đó, chắc chắn sẽ tạo thêm những bước đột phá trong mục tiêu lấy người dân, DN làm trung tâm phục vụ; lấy sự hài lòng của người dân, DN làm thước đo hiệu quả giải quyết công việc của cơ quan hành chính Nhà nước từ TP đến cơ sở.