Hà Nội tri ân người có công với cách mạng

Trần Oanh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Cùng với các hoạt động tặng quà cho người có công (NCC) với cách mạng, TP Hà Nội và các địa phương tổ chức khám sức khỏe, phát thuốc; vận động Quỹ Đền ơn đáp nghĩa, tặng sổ tiết kiệm, xây sửa nhà cho NCC…

Khám sức khỏe, tặng sổ tiết kiệm Tình nghĩa cho người có công

Trong những ngày tháng 7 này, cả TP cùng hướng tình cảm và tấm lòng tới các thương binh, liệt sĩ, Mẹ Việt Nam Anh hùng… Phó Giám đốc Sở LĐTB&XH Hà Nội Hoàng Thành Thái cho biết, kỷ niệm 75 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ, các tầng lớp Nhân dân tích cực hưởng ứng cuộc vận động Quỹ Đền ơn đáp nghĩa. Đến nay, toàn TP Hà Nội đã vận động Quỹ Đền ơn đáp nghĩa được 37,9 tỷ đồng, đạt 163,4% kế hoạch. Toàn TP đã tặng 5.819 sổ tiết kiệm Tình nghĩa với kinh phí 8,6 tỷ đồng, đạt 192,6% kế hoạch.

Giám đốc Sở LĐTB&XH Hà Nội Bạch Liên Hương thăm, tặng quà thương binh 2/4 Nguyễn Xuân Tiến xã Viên Nội, huyện Ứng Hòa. Ảnh: Lại Tấn
Giám đốc Sở LĐTB&XH Hà Nội Bạch Liên Hương thăm, tặng quà thương binh 2/4 Nguyễn Xuân Tiến xã Viên Nội, huyện Ứng Hòa. Ảnh: Lại Tấn

Các quận, huyện, thị xã trên địa bàn TP đã hoàn thành chi trả, tặng quà từ nguồn ngân sách cho các tập thể, cá nhân NCC. Trưởng phòng LĐTB&XH quận Hà Đông Đỗ Minh Loan cho hay: Kỷ niệm 75 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ, quận Hà Đông và các cấp, ngành trên địa bàn tập trung tổ chức nhiều hoạt động tri ân mang ý nghĩa thiết thực. Toàn quận đã vận động Quỹ Đền ơn đáp nghĩa được hơn 1,7 tỷ đồng, đạt trên 170% chỉ tiêu TP giao.

Từ nguồn xã hội hóa, quận đã tặng 50 thương binh, bệnh binh trên 80%, mỗi người 15 triệu đồng; 1 Bà mẹ Việt Nam Anh hùng 5 triệu đồng; các ngành, đoàn thể quận vận động xã hội hóa 435 suất quà, kinh phí trên 361 triệu đồng.

Quận tặng 17 sổ tiết kiệm Tình nghĩa, mỗi sổ 10 triệu đồng; từ nguồn Quỹ Đền ơn đáp nghĩa phường, đã có 37 sổ tiết kiệm được tặng cho NCC trị giá 240 triệu đồng. Có 17/17 phường tổ chức khám, tư vấn sức khỏe, cấp thuốc miễn phí cho 4.090 NCC và thân nhân liệt sĩ, kinh phí gần 420 triệu đồng.

Ngay từ đầu năm 2022, huyện Đông Anh đã xây dựng kế hoạch Kỷ niệm 75 năm ngày Thương binh - Liệt sĩ và giao chỉ tiêu cho các xã, thị trấn thực hiện để tri ân NCC. Từ Quỹ Đền ơn đáp nghĩa của huyện, Đông Anh đã chi quà cho NCC và thân nhân NCC với tổng số 6.139 suất, mức quà 500.000 đồng, tổng kinh phí 3.069.000.000 đồng.

Các xã, thị trấn đã tặng quà cho tất cả các đối tượng NCC, mức quà 300.000 đồng/suất, tổng kinh phí trên 2 tỷ đồng. Cùng với đó, các xã, thị trấn tặng 52 sổ tiết kiệm cho các hộ NCC khó khăn với tổng kinh phí 280 triệu đồng; trong đó xã Nguyên Khê và thị trấn Đông Anh tặng 2 sổ, mức 10 triệu đồng/sổ; các xã còn lại tặng mức 5 triệu đồng/sổ.

Luôn nở nụ cười tươi khi dịp 27/7 năm nay được tặng quà của Chủ tịch nước, TP, huyện, xã với khoản tiền tương đối và một sổ tiết kiệm Tình nghĩa 10 triệu đồng, ông Nguyễn Thanh Lừng (thị trấn Đông Anh, thương binh hạng 3/4, chất độc hóa học) phấn khởi khoe: "Tôi sẽ giữ quyển sổ tiết kiệm để có chút tiền lãi góp thêm vào tiền trợ cấp ưu đãi hàng tháng để sinh hoạt hàng ngày và mua thuốc men chữa bệnh”.

Đến thời điểm này, toàn huyện Thanh Trì đã vận động xã hội hóa được 1.599 triệu đồng, đạt 320% kế hoạch TP giao. Huyện cũng vận động đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội và Ngân hàng NN&PTNT Việt Nam hỗ trợ xây mới 1 nhà tình nghĩa cho bà Đặng Thị Đảo là vợ liệt sĩ Đặng Văn Lê ở xã Duyên Hà, số tiền 90 triệu đồng.

Tập trung quan tâm đến người có công có hoàn cảnh khó khăn

Với nghĩa tình và sự tri ân, Hà Nội luôn quan tâm chăm lo cho NCC trong mọi thời điểm kể cả khi dịch bệnh Covid-19 bùng phát để họ được an lòng và có động lực vượt qua khó khăn. Hiện nay, những NCC và gia đình họ gặp khó khăn đột xuất đã được chính quyền xã, phường, huyện, quận quan tâm kịp thời. Trưởng phòng LĐTB&XH Cầu Giấy Nguyễn Quang Hồng cho biết, tại Lễ kỷ niệm 75 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ, quận đã trao 35 sổ tiết kiệm Tình nghĩa cho 35 gia đình chính sách, NCC có hoàn cảnh khó khăn, mỗi sổ 2 triệu đồng với tổng số tiền 70 triệu đồng.

Được nhận sổ tiết kiệm Tình nghĩa 2 triệu đồng, bác Nguyễn Chí Xuân (sinh năm 1959, phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy, thương binh hạng 4/4) vui vẻ cho hay: Hiện nay, tôi đã nghỉ làm, mỗi tháng được nhận 2,5 triệu đồng trợ cấp ưu đãi, cuộc sống cũng có những lúc túng bấn, di chuyển không thuận tiện do trước đây đi chiến trường bị mẻ xương bánh chè.

Dịp 27/7 năm nay, tôi được nhận quà của Chủ tịch nước, TP Hà Nội, quận, phường khoảng 2 triệu đồng, cộng với 2 triệu đồng sổ tiết kiệm Tình nghĩa là nguồn động viên kịp thời, hỗ trợ gia đình vượt qua khó khăn.

Năm 2022 này, quận Tây Hồ đã vận động Quỹ Đền ơn đáp nghĩa được hơn 1 tỷ đồng, đạt 170% kế hoạch và đã tổ chức thăm hỏi, tặng quà 30 đối tượng là Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, thương binh, bệnh binh, nhân nhân liệt sĩ tiêu biểu, mỗi suất quà trị giá 1.300.000 đồng; tặng 7 xe lăn cho 7 thương binh đi lại khó khăn trên địa bàn quận…

Đã có 19 năm bị liệt, việc đi đứng gặp khó khăn do 2 lần bị tai biến, khi được quận Tây Hồ tặng cho chiếc xe lăn ngày 15/7, ông Phạm Ngọc Huỳnh (sinh năm 1950, phường Thụy Khuê, quận Tây Hồ, thương binh hạng 1/4) rất xúc động nói: “Dịp 27/7 này, tôi được tặng quà của Chủ tịch nước, TP, quận, phường và một chiếc xe lăn.

Với chiếc xe lăn này, khi nào các con rảnh sẽ đẩy tôi đi chơi, khám bệnh”. Trong khi đó, bà Nguyễn Thị Bảy là vợ của ông Huỳnh bộc bạch: “Trước đây mỗi khi ông ấy đi đến Bệnh viện 354 để khám đều được chở bằng xe máy, có một người ngồi đằng sau giữ để không bị ngã. Nhưng từ khi được quận tặng xe lăn, các con cho ông ngồi vào và đẩy đến bệnh viện cách nhà 2km rất thuận tiện”.

Cùng với việc tặng quà cho NCC, các cấp, ngành, đoàn thể, tổ chức kinh tế - xã hội và Nhân dân quận Ba Đình đã tham gia ủng hộ Quỹ Đền ơn đáp nghĩa được hơn 2,9 tỷ đồng. Quận đã tặng 374 sổ tiết kiệm Tình nghĩa, hỗ trợ cải tạo, sửa chữa nhà ở cho 9 gia đình chính sách có hoàn cảnh khó khăn... Đặc biệt, quận trợ cấp cho 65 thương, bệnh binh nặng 2.000.000 đồng/người và 100 gia đình chính sách tiêu biểu 500.000 đồng/gia đình với tổng số tiền 178 triệu đồng...

Với sự chăm lo, tri ân của toàn Đảng, toàn dân, các thương binh, bệnh binh, NCC với cách mạng cho biết sẽ tiếp tục phát huy truyền thống vượt khó, vươn lên xây dựng cuộc sống tốt đẹp, đóng góp cho quê hương, góp phần làm giàu cho Thủ đô, và cho đất nước.

 

Nhiều hoạt động chăm lo cho người có công

Phó Giám đốc Sở LĐTB&XH Hà Nội Hoàng Thành Thái cho biết: Hà Nội là một trong những địa phương có số lượng NCC lớn với trên 800.000 người (chiếm gần 10% toàn quốc), trong đó có trên 6.500 Bà mẹ Việt Nam Anh hùng (trong đó có 81 Mẹ còn sống), trên 60.000 thương bệnh binh, hơn 80.000 liệt sĩ, hơn 13.000 người hưởng chế độ người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học, hơn 500.000 người hoạt động kháng chiến được tặng thưởng huân, huy chương các loại, gần 82.000 người đang hưởng trợ cấp hàng tháng.

Đặc biệt, thiết thực kỷ niệm 75 năm ngày Thương binh - Liệt sĩ, Sở LĐTB&XH Hà Nội đã tham mưu cho Thành ủy, UBND TP hoàn thành nhiều chỉ tiêu quan trọng: Vận động Quỹ Đền ơn đáp nghĩa 37,9 tỷ đồng, đạt 163,4% kế hoạch; tặng 5.819/3.021 sổ tiết kiệm Tình nghĩa với kinh phí 8,6 tỷ đồng, đạt 192,6% kế hoạch; Tu sửa nâng cấp 123/75 công trình ghi công liệt sĩ với kinh phí 102,8 tỷ đồng, đạt 164 % kế hoạch.

TP và các địa phương đã vận động xã hội hóa cho việc tu sửa nâng cấp 321/215 nhà ở cho NCC với cách mạng, kinh phí 789,7 triệu đồng đạt 149,3% kế hoạch. 81/81 (100%) Bà mẹ Việt Nam Anh hùng còn sống được các cơ quan đơn vị nhận phụng dưỡng.

Sở LĐTB&XH đã trình UBND TP trích ngân sách 97,6 tỷ đồng, tặng 122.045 suất quà đến các thương binh, bệnh binh, người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học, thân nhân gia đình liệt sĩ, các tổ chức cá nhân tiêu biểu trên địa bàn TP.