Không để trường thiếu, lớp quá tải

Hà Bình
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi-Hôm nay, HĐND TP Hà Nội sẽ tổ chức Phiên giải trình về công tác xây dựng trường công lập đạt chuẩn quốc gia và việc đầu tư cải tạo, xây mới trường mầm non, trường phổ thông của TP Hà Nội.

Đây là vấn đề đang nhận được nhiều sự quan tâm từ dư luận, bởi câu chuyện trường lớp vẫn luôn “nóng” và cần sự đánh giá toàn diện về thực trạng, để có giải pháp phù hợp.

Hiện TP Hà Nội là địa phương có quy mô giáo dục lớn nhất cả nước với hơn 2.800 trường học, hằng năm TP dành nguồn kinh phí lớn cho đầu tư, phát triển trường lớp. Chỉ tính riêng trong năm 2022, Hà Nội đã xây dựng thêm 51 phòng học mới, với kinh phí hơn 2.800 tỷ đồng; cải tạo, sửa chữa 605 trường học với kinh phí hơn 5.000 tỷ đồng. Tỷ lệ trường công lập đạt chuẩn quốc gia của TP hiện khoảng 80%.

Tuy nhiên, vấn đề đầu tư cơ sở vật chất cho giáo dục, tình trạng thừa thiếu trường cục bộ vẫn luôn là vấn đề thời sự, đặc biệt ở thời điểm đầu các năm học. Vừa qua, Đoàn khảo sát của Thường trực HĐND TP Hà Nội đã tiến hành khảo sát tại nhiều quận, huyện về vấn đề nay, cùng với thành tựu đạt được, những bất cập trong thực tiễn cũng được chỉ ra. Đặc biệt là tình trạng nội thành “thiếu đất” xây trường, ngoại thành "thừa đất" nhưng lại khó khăn về vốn đầu tư.

Rồi áp lực dân số tăng nhanh dẫn đến thiếu trường ở một số địa bàn. Tại một số nơi, tình trạng lớp quá đông hoặc trường quá tải không phải là ít. Trong khi đó, trên thực tế, nhiều khu đất được quy hoạch xây dựng trường học lại chưa được đầu tư xây dựng theo đúng tiến độ...

TP Hà Nội đang phấn đấu đến cuối năm 2025 có thêm từ 432 đến 552 trường công lập đạt chuẩn quốc gia, nâng tổng số trường công lập đạt chuẩn quốc gia lên đạt tỷ lệ 85%. Ngày 8/4/2022, HĐND TP Hà Nội đã ban hành Nghị quyết số 02/NQ-HÐND, quyết định bổ sung gần 94.000 tỷ đồng kế hoạch vốn đầu tư công giai đoạn 2021 - 2025 và các năm tiếp theo để đầu tư xây dựng, cải tạo trường học công lập đủ điều kiện đạt chuẩn quốc gia, nâng cấp hệ thống y tế và tu bổ, tôn tạo di tích trên địa bàn, đã giúp các địa phương có thêm nguồn lực để thực hiện mục tiêu này.

Vấn đề đặt ra hiện nay là soát quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục để đề xuất cập nhật vào quy hoạch chung xây dựng Thủ đô. Các quận, huyện sẽ phải tiếp tục rà soát các dự án chậm triển khai, cương quyết thu hồi các dự án đã hết thời hạn đầu tư, cho chuyển đổi quy hoạch làm trường học. TP cũng xem xét tận dụng những quỹ đất còn trống chưa khai thác xây dựng trường học theo đúng quy định. Một số kiến nghị cũng đã được đề cập tới với từng dự án trường cụ thể như nâng thêm tầng...

Phiên giải trình lần này sẽ đề cập đến nhiều vấn đề, từ thực trạng quy mô, cơ sở vật chất của từng cấp học, kết quả xây dựng, công nhận trường chuẩn quốc gia, đến thực hiện kế hoạch đầu tư công trung hạn trong việc xây dựng, cải tạo trường học công lập, việc xây dựng trường học tại các khu đô thị trên địa bàn từ năm 2020 đến nay…

Từ việc có được bức tranh tổng thể về trường lớp; làm rõ những tồn tại, hạn chế bất cập cũng như khó khăn, vướng mắc liên quan, sẽ xác định được nguyên nhân, trách nhiệm của các cấp, ngành, đơn vị. Từ nhận diện rõ mới đề xuất, kiến nghị được những giải pháp phù hợp để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn.

Sau phiên giải trình lần này, cử tri cũng hy vọng, những quyết tâm, giải pháp sau khi được xác định sẽ thực thi hiệu quả trong thực tế; những vi phạm sẽ bị xử lý trách nhiệm. Và hơn hết, chính các vị đại biểu của dân sẽ tiếp tục đeo bám vấn đề này, giám sát những chủ trương, nghị quyết đi vào cuộc sống, để trường lớp không còn là vấn đề nóng.