Kỳ vọng Fed sớm giảm mạnh lãi suất, Dow Jones leo dốc hơn 150 điểm

Nguyễn Thu
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi -  Chứng khoán Mỹ duy trì đà tăng mạnh trong ngày 15/11 khi thị trường đang đặt cược vào khả năng Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) sẽ bắt đầu cắt giảm lãi suất từ năm tới.

Chứng khoán Mỹ tiếp tục tăng mạnh trong ngày 15/11. Ảnh: AP
Chứng khoán Mỹ tiếp tục tăng mạnh trong ngày 15/11. Ảnh: AP

Theo CNBC, chốt phiên ngày thứ Tư, chỉ số S&P 500 cộng 0,16% lên mức 4.502,88 điểm, còn Nasdaq Composite tăng 0,07% đạt 14.103,84 điểm. Dow Jones leo dốc 163,51 điểm (tương đương 0,47%) lên 34.991,21 điểm.

Trong ngày 15/11, lãi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm đã tăng lên 4,538% sau khi trượt xuống dưới ngưỡng 4,5% ở phiên trước đó. 

Bộ Lao động Mỹ hôm 15/11 cho biết chỉ số giá sản xuất (PPI) tháng 10 đã giảm 0,5% so với tháng 9. Nếu so với cùng kỳ năm 2022, PPI tăng 1,3%. Trước đó, lạm phát trong tháng 10  hạ nhiệt cũng đã tạo lực đẩy quan trọng cho thị trường Phố Wall.

Hai chỉ số S&P 500 và Nasdaq Composite ghi nhận phiên tăng mạnh nhất kể từ tháng 4 trong ngày 14/11. Phiên giao dịch khởi sắc này là nhờ báo cáo cho thấy chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 10 đi ngang so với tháng trước, thay vì tăng nhẹ như dự báo trước đó của giới phân tích.

Ông Jay Hatfield, người sáng lập kiêm Giám đốc điều hành của Infrastructure Capital Advisors, nhận định với CNBC: “Rõ ràng, lãi suất là động lực chính của thị trường cổ phiếu. Diễn biến khởi sắc trong phiên giao dịch hôm nay hoàn toàn hợp lý bởi PPI đã hạ nhiệt rất nhiều, đúng như những gì chúng ta mong đợi”. 

“Lãi suất lên cao hơn không phải do PPI mà do dữ liệu về doanh số bán lẻ nhích nhẹ so với kỳ vọng” - chuyên gia Hatfield nói thêm.

Vị chuyên gia này cũng cho rằng rằng nền kinh tế Mỹ hoàn toàn có thể tránh được suy thoái trong năm 2024.

Theo chiến lược gia vĩ mô Henry Allen của ngân hàng Deutsche Bank, phần lớn giới đầu tư đang kỳ vọng một chính sách tiền tệ ôn hòa hơn trong năm tới. Ông Allen cho biết các hợp đồng tương lại hiện dự báo Fed sẽ hạ lãi suất sau cuộc họp tháng 5/2024, với xác suất là 87%. 

Tuy nhiên, chuyên gia này lưu ý thêm rằng “trong chu kỳ hiện tại, thị trường đã phản ứng trước khả năng Fed đảo chiều chính sách ít nhất 7 lần”. Trong 6 lần trước đó, các nhà đầu tư đều thất vọng. 

Theo công cụ Fedwatch của CME Group, các nhà giao dịch trên thị trường tiền tệ dự đoán xác suất Fed sẽ giữ nguyên lãi suất trong cuộc họp chính sách vào tháng 12 tới là 100%.

Các nhà phân tích tại ngân hàng ANZ cho biết: “Dữ liệu lạm phát tháng 10, báo cáo việc làm và doanh số bán lẻ vừa được công bố trong tháng này đã giúp củng cố hy vọng của giới đầu tư rằng Fed sẽ không tăng lãi suất trong các cuộc họp chính sách vào tháng 12/2023 và tháng 1/2024”.

Trong phiên giao dịch, cổ phiếu Target tăng gần 18% nhờ kết quả kinh doanh vượt kỳ vọng trong quý 3/2023.

Phát biểu với hãng tin Reuters hôm 15/11, ông Carlo Franchini - trưởng bộ phận khách hàng tổ chức thuộc ngân hàng Banca Ifigest đánh giá: “Tâm lý phấn khích đang quay trở lại sàn Phố Wall. Thị trường cổ phiếu đang bắt đầu phản ánh khả năng giảm lãi suất ở Mỹ và cả châu Âu. Tôi cho rằng giá cổ phiếu sẽ duy trì đà khởi sắc này sang năm 2024. Trong khi đó, giá trái phiếu cũng sẽ biến động do căng thẳng địa chính trị toàn cầu, đặc biệt là chiến sự ở Ukraine, xung đột tại Trung Đông và quan hệ thương mại Mỹ-Trung”.

Ngoài các số liệu kinh tế vĩ mô, giới đầu tư Phố Wall cũng dành sự quan tâm đến nỗ lực của các nhà lập pháp Mỹ nhằm tránh việc chính phủ phải đóng cửa.

Ngày 14/11, Hạ viện Mỹ đã thông qua một dự luật ngân sách tạm thời và dự luật này sẽ được chuyển tới Thượng viện để bỏ phiếu. Nếu được các nhà lập pháp tại Thượng viện thông qua, dự luật sẽ được chuyển tới Tổng thống Joe Biden. Trong trường hợp dự luật không được thông qua, Chính phủ Mỹ dự kiến sẽ phải đóng cửa vào cuối tuần này vì hết ngân sách.