Mạnh tay ngăn nợ thuế

Phương Nga
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi-Nợ thuế, chây ì nộp thuế… là vấn nạn làm thủng ngân sách và đau đầu lực lượng chức năng ngành thuế. Để nuôi dưỡng và quản lý nguồn thu, việc áp dụng các biện pháp mạnh tăng cường thu hồi nợ thuế, không để phát sinh nợ mới là việc cần thiết.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Số liệu từ Tổng cục Thuế cho thấy, tổng số tiền nợ thuế ngành thuế quản lý ước tính đến cuối tháng 7 là 151.325 tỷ đồng, tăng 2,4% so với thời điểm ngày 31/12/2022. Dù ngành thuế đã nỗ lực thu hồi nợ thuế, chống thất thu cho ngân sách Nhà nước nhưng vẫn còn nhiều cá nhân, DN chây ì nợ từ năm này qua năm khác. Để xảy ra tình trạng này, chủ quan một phần do các cục Thuế chưa quyết liệt thực hiện các biện pháp quản lý nợ và cưỡng chế nợ thuế.

Về khách quan là do tình hình sản xuất, kinh doanh của DN gặp khó khăn, nhiều DN rơi vào tình trạng thua lỗ, mất khả năng thanh toán. Nhưng điều đáng trách là có một bộ phận người nộp thuế chưa chấp hành tốt các quy định của pháp luật về thuế; cố tình chây ì không nộp thuế đúng hạn, nợ thuế kéo dài…

Trên thực tế, thời gian qua, ngành thuế đã thực hiện nhiều biện pháp để thu hồi nợ thuế, như triển khai số hóa trong áp dụng quản lý nợ và cưỡng chế nợ thuế. Đồng thời, xây dựng công cụ cảnh báo đối với từng địa phương nợ tăng, có các khoản nợ tăng bất thường để phát hiện, rà soát, xác định nguyên nhân và có biện pháp xử lý kịp thời, hạn chế tối đa việc phát sinh nợ sai, nợ ảo…

Một trong những khó khăn của công tác thu nợ thuế là chế tài xử phạt với đơn vị cố tình vi phạm còn chưa đủ mạnh, thiếu sức răn đe. Thiết nghĩ, trong trường hợp những cá nhân cố tình chây ì, không chấp hành các quy định của pháp luật về thuế thì biện pháp trên gần như chưa phát huy tác dụng. Do đó, rất cần có biện pháp mạnh hơn để tăng tính tự giác, cũng là để tạo công bằng với những cá nhân nghiêm túc chấp hành.

Mới đây, Tổng cục Thuế đã yêu cầu cục Thuế các tỉnh, TP công khai thông tin của người nộp thuế có tiền thuế nợ quá hạn theo đúng quy định của pháp luật, đặc biệt tập trung vào người nộp thuế có số tiền thuế nợ lớn và kéo dài.

Theo đó, danh sách nợ thuế bị công khai bao gồm người nộp thuế có số tiền thuế nợ lớn đến 90 ngày và trên 90 ngày tại thời điểm 31/7/2023 trên địa bàn Cục Thuế quản lý. Đối với người nộp thuế chỉ có tiền thuế nợ dưới 90 ngày, Tổng cục Thuế yêu cầu các đơn vị thực hiện ngay các biện pháp như gọi điện thoại, nhắn tin, gửi thư điện tử, mời lên làm việc, ban hành thông báo tiền thuế nợ, từ đó, đôn đốc người nộp thuế nộp tiền thuế vào ngân sách Nhà nước, không để nợ thuế dây dưa, kéo dài, hạn chế nợ mới phát sinh.

Đối với người nộp thuế có khoản tiền thuế nợ trên 90 ngày hoặc khoản tiền thuế nợ thuộc trường hợp phải cưỡng chế, các Cục Thuế phải áp dụng ngay các biện pháp cưỡng chế để thu hồi nợ...

Việc công khai danh sách cá nhân nợ đọng thuế là giải pháp đúng đắn, thu hồi nợ đọng, bổ sung cho ngân sách Nhà nước, được dư luận đồng tình ủng hộ, đánh giá cao. Thực tế, việc công khai nợ đã được áp dụng với ngành BHXH và cho thấy hiệu quả bước đầu.

Tuy nhiên, để bảo đảm mục tiêu hoàn thành nhiệm vụ thu ngân sách Nhà nước năm 2023, giảm nợ đọng thuế, cần thực hiện thêm các biện pháp mạnh tay khác như cưỡng chế hóa đơn, dừng làm thủ tục hải quan đối với hàng hóa đến cấm xuất cảnh, tạm hoãn xuất cảnh đối với các trường hợp chưa hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế… Qua đó, tăng tính tự giác, chấp hành nghiêm quy định pháp luật về thuế của các cá nhân, tổ chức.