Mở đường cho xe đạp 

Hải Phương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hà Nội đang dần xanh hóa mạng lưới giao thông vận tải với sự xuất hiện của tàu điện, xe buýt năng lượng sạch, và cả xe đạp công cộng.

Trong tương lai, xe đạp, xe đạp điện sẽ còn phát huy vai trò hữu dụng hơn nữa nếu được quan tâm, mở đường chính sách để phổ biến rộng rãi trong đời sống Nhân dân.

Năm 2023, Hà Nội đã đưa vào khai thác lượt xe đạp, xe đạp điện công cộng đầu tiên, và ngay lập tức nhận được sự ủng hộ của đông đảo tầng lớp Nhân dân. Với sự linh hoạt, chi phí thấp, xe đạp là phương tiện kết nối tầm gần, trung chuyển người dân đến với mạng lưới vận tải hành khách công cộng (VTHKCC) cực kỳ hữu hiệu.

Trong bối cảnh ùn tắc giao thông, ô nhiễm môi trường còn diễn biến phức tạp, Hà Nội và những thành phố lớn khác của cả nước cần quan tâm, đầu tư hơn nữa để biến xe đạp thành phương tiện thân thuộc với từng gia đình, cá nhân. Người dân cần được khuyến khích di chuyển theo công thức: xe đạp/đi bộ - xe buýt - tàu điện và ngược lại.

Muốn đạt được mục tiêu đưa phương tiện xanh vào đời sống đô thị, giữ vai trò như một loại hình chủ đạo, thành phố cần quy hoạch, phát triển hạ tầng dành riêng cho nó. Hiện Hà Nội mới chuẩn bị triển khai hai tuyến đường dành riêng cho xe đạp, như vậy là quá ít. Nếu mỗi tuyến đường phố đều có làn dành riêng cho xe đạp, hoặc sử dụng hỗn hợp với đường đi bộ, cầu vượt bộ hành, chắc chắn nó sẽ hấp dẫn hơn với người dân.

Đòi hỏi mỗi tuyến đường phố đều phải có làn dành riêng cho xe buýt, lại dành riêng xe đạp, người đi bộ là rất khó khăn, đặc biệt trong bối cảnh quỹ đất dành cho giao thông của Thủ đô ngày càng eo hẹp. Nhưng nếu tổ chức hợp lý, cho xe đạp lưu thông chung với làn riêng của xe buýt, hoặc kết hợp đi trên vỉa hè sẽ rất khả thi.

Tại một số đô thị của Trung Quốc, Hà Lan… cầu vượt bộ hành đã có làn riêng cho xe đạp, xe đạp điện lưu thông để tách biệt với phương tiện cơ giới. Mô hình này đã phát huy hiệu quả rất khả quan. Hà Nội có thể nghiên cứu, áp dụng theo với những cầu vượt bộ hành sắp xây mới. Hơn nữa, chính quyền thành phố đã đề ra hàng loạt biện pháp để hạn chế phương tiện cơ giới cá nhân như: thu phí vào khu vực có nguy cơ ùn tắc; kiểm định khí thải xe máy… Nếu sớm phát triển hạ tầng, làm cơ sở cho xe đạp, xe đạp điện được ưu tiên lưu thông, mục tiêu hạn chế xe cơ giới cá nhân sẽ có thêm động lực để sớm đi vào hiện thực.

Mặt khác, muốn xe đạp khẳng định vai trò hữu dụng của mình, mạng lưới tàu điện, xe buýt pahir được phát triển mạnh mẽ, hoàn thiện hơn. Thực tế cho thấy phương tiện VTHKCC năng lượng sạch được Nhân dân Thủ đô đón nhận rất tích cực. Nếu có cách làm bài bản, rốt ráo, VTHKCC lan tỏa đến đâu, vai trò của xe đạp, xe đạp điện sẽ được củng cố tới đó. Vấn nạn ùn tắc giao thông, ô nhiễm môi trường không khí nhờ vậy cũng sẽ dần dần được giải quyết một cách căn cơ, triệt để.