Một tấm lòng đáng quý

Minh Phúc
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - 27 năm qua, nhà giáo về hưu Ngô Thị Kha vẫn cần mẫn chăm sóc các bà Mẹ Việt Nam anh hùng. Công việc có phần vất vả, nhưng với bà đó vừa là trách nhiệm, vừa là tình cảm với những người có công với dân, với nước…

 Bà Ngô Thị Kha và Mẹ Việt Nam anh hùng Đặng Thị Nhung.
Dù đã bước sang tuổi 63, nhưng bà Ngô Thị Kha (phố Hoàng Cầu, phường Ô Chợ Dừa, quận Đống Đa, TP Hà Nội) vẫn đều đặn đến nhà tình nghĩa (bây giờ là Trung tâm Hội người mù của quận Đống Đa) để chăm sóc các đối tượng chính sách, Bà Mẹ Việt Nam anh hùng.
Ngay khi còn công tác tại trường mầm non Văn Hương, quận Đống Đa, công việc chăm sóc đối tượng chính sách đến với bà như một cái duyên.
Đó là vào năm 1990 khi quận có chủ trương thành lập nhà tình nghĩa để tiện cho công việc chăm sóc các đối tượng chính sách. Bấy giờ nhà tình nghĩa có 6 người là vợ liệt sĩ, một vài thương bệnh binh và một Mẹ Việt Nam anh hùng. Các cô giáo trẻ trong trường hằng ngày ngoài việc lên lớp, còn đảm nhiệm công việc chăm sóc các đối tượng chính sách. Tuy nhiên, công việc đòi hỏi sự kiên trì và tỉ mỉ. Vì vậy, các cô giáo trẻ không ai có thể trụ được lâu dài. Thấu hiểu nỗi đau mà các mẹ đang gánh chịu, bà Kha đã tình nguyện gắn bó với công việc này. Từ đó, ngày nào bà đều đặn 2 lần đến nhà tình nghĩa làm vệ sinh, lo ăn uống cho các đối tượng chính sách, túc trực khi họ bị ốm đau.

Lúc đầu chỉ có mình bà, thấy công việc vất vả, chồng bà cũng đến phụ giúp. Bà Kha tâm sự: “Là người được sống trong hòa bình, độc lập, hơn ai hết tôi càng biết ơn các thế hệ đi trước. Chỉ mong sao các mẹ luôn mạnh khỏe, sống vui, trở thành những cây cao bóng cả cho thế sau noi theo”. Đến năm 2009, sau khi nghỉ hưu, quận chưa tìm được người thay thế, nên bà lại một lần nữa tình nguyện ở lại nhận nhiệm vụ.

Ngồi trước chúng tôi là Bà mẹ Việt Nam anh hùng Đặng Thị Nhung. Tai Mẹ nghe không được rõ, tiếng nói đứt quãng, nhưng Mẹ còn minh mẫn lắm. Mẹ nói, nếu không có sự chăm sóc tận tình của bà Kha thì khó có được tuổi thọ như ngày hôm nay. Mẹ bảo rằng, bây giờ, tuổi già sức yếu, ăn uống đạm bạc, đi lại cực nhọc, vì thế bà Kha như là tay chân, là mắt của Mẹ. Có việc gì khó khăn, Mẹ lại gọi bà Kha sang nhờ giúp đỡ.
Tình cảm gắn bó giữa Mẹ Nhung, các mẹ khác ở trung tâm với bà Kha như máu mủ ruột già. “Có khi hai vợ chồng đang ăn dở bữa cơm cũng phải gác lại để chạy sang. Nhưng từ ngày quận chia nhà tình nghĩa cho Hội Người mù, còn có người vào ra thấp thoáng. Chứ trước đây chỉ mỗi Mẹ Nhung, tôi về nhà cứ nóng gan nóng ruột, không yên tâm”- bà Kha chia sẻ.

Trước đây có tới 6 Bà mẹ Việt Nam anh hùng, có cụ chỉ còn một bên chân, tuổi già thêm bệnh tật đớn đau, mỗi lần trái gió trở trời, các cụ lên cơn đau nhức, vợ chồng bà Kha phải túc trực suốt đêm để thay phiên nhau cõng các cụ đi chữa bệnh. Khi còn công tác được hưởng lương nhà giáo. Khi về hưu, làm công việc tình nguyện 8 tiếng/ngày, bà được hưởng theo hợp đồng.Đồng lương ít ỏi nhưng bà gắn bó với công việc bằng tấm lòng và tình cảm.
Chẳng quản nắng mưa, bà đều đặn đến nhà tình nghĩa như về với ngôi nhà của mình, “không đến lại nhớ” và nhờ có người chồng của mình, bà Kha đã hoàn thành tốt công việc thiện nguyện trong suốt hơn 27 năm qua. Nhờ sự tận tụy trong công việc chăm sóc các Mẹ Việt Nam anh hùng, bà Kha đã được TP Hà Nội tuyên dương là một tấm gương điển hình tiên tiến trong phong trào "Người tốt – việc tốt" năm 2017.