Sau phản ánh của báo Kinh tế và Đô thị:

Người dân bị cắt nước đã được cung cấp nước sạch trở lại

Sỹ Hào
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hiện tại, cư dân các thôn An Lão và thôn Liễu của xã Vĩnh Thịnh huyện Vĩnh Tường đã được cấp nước sạch sinh hoạt trở lại, sau quãng thời gian gần 10 ngày bị chủ đầu tư “tạm ngừng” cung cấp.

Nước sạch được cấp trở lại

Sáng 12/3 trao đổi với PV Kinh tế và Đô thị, ông Nguyễn Phùng Xuân, Chủ tịch UBND xã Vĩnh Thịnh, huyện Vĩnh Tường cho biết, sau quãng thời gian gần 10 ngày nước sạch sinh hoạt “tạm ngừng” cung cấp ảnh hưởng đến sinh hoạt thường ngày cư dân thôn An Lão, thôn Liễu, đến nay nước sạch đã được cấp trở lại phục vụ nhu cầu sinh hoạt của cư dân.

Trước đó, PV Kinh tế và Đô thị có bài viết phản ảnh tình trạng khó khăn của cư dân xã Vĩnh Thịnh khi nguồn nước sinh hoạt bị Chi nhánh Nhà máy nước sạch Sông Hồng (dự án cung cấp nước sạch phía Nam tỉnh Vĩnh Phúc) ra thông báo tạm ngừng cung cấp vào ngày 29/2 để rà soát, đánh giá, xử lý kỹ thuật. Thông báo cũng không nói cụ thể thời hạn giải quyết xong công việc, nên người dân lo lắng không biết khi nào được cấp nước trở lại.

Đồng thời, phản ảnh các vướng mắc trong quá trình triển khai dự án nước sạch – phương án ban đầu chủ đầu tư thống nhất mức thu tiền đối với các hộ là 1.950 nghìn, nhưng thực tế khi triển khai, Chi nhánh Nhà máy nước sạch Sông Hồng lại yêu cầu cư dân ký biên bản thỏa thuận và đề nghị cấp nước sạch và phải nộp 3.000.000đ tiền đặt cọc.

Người dân bị cắt nước đã được cung cấp nước sạch trở lại - Ảnh 1

Cư dân xã Vĩnh Thịnh đã được cấp nước sạch sinh hoạt trở lại sau quãng thời gian gần 10 ngày tạm ngừng để chủ đầu tư "khắc phục sự cố". Ảnh Sỹ Hào. 

Về nội dung phản ảnh của PV báo Kinh tế và Đô thị, ông Nguyễn Phùng Xuân, Chủ tịch UBND xã Vĩnh Thịnh cho biết các đơn vị liên quan đã tiếp nhận, và kịp thời giải quyết.  

"Cụ thể, UBND huyện Vĩnh Tường đã vào cuộc chỉ đạo UBND xã Vĩnh Thịnh, cùng các đơn vị liên quan xem xét giải quyết sự việc. Chiều 8/3 UBND xã Vĩnh Thịnh đã tổ chức cuộc họp với thành phần tham dự gồm lãnh đạo UBND huyện Vĩnh Tường; phòng Nông nghiệp huyện Vĩnh Tường; đại diện Sở NN&PTNT; lãnh đạo Chi nhánh Nhà máy nước sạch Sông Hồng và đại diện cư dân.

Các vấn đề vướng mắc đã được đưa ra thảo luận, và đi đến thống nhất trong phương án tháo gỡ. Ngay sau khi cuộc họp diễn ra, nguồn nước sạch sinh hoạt đã được cấp lại cho người dân sử dụng bình thường.” – ông Nguyễn Phùng Xuân nói.

Lãnh đạo UBND xã Vĩnh Thịnh cho rằng, việc người dân “bất hợp tác” không thực hiện nội dung cam kết đã thỏa thuận trong biên bản ký với doanh nghiệp, thì một phần lỗi là do công tác tuyên truyền vận động chưa thực hiện triệt để.

Mặt khác, có nhiều trường hợp yêu cầu ký hợp đồng sử dụng nước sạch (chứ không phải bản cam kết) nên dẫn đến mâu thuẫn.

PV Kinh tế và Đô thị cũng có mặt tại thôn An Lão xã Vĩnh Thịnh, huyện Vĩnh Tường để ghi nhận thực tế nhiều hộ gia đình đã được cấp nước sinh hoạt trở lại.

“Nước sinh hoạt được cấp trở lại sau quãng thời gian gần 10 ngày chúng tôi bị cắt nước (kể từ 29/2 đến 9/3) đã khiến đời sống sinh hoạt của cư dân thuận lợi hơn. Nguồn nước máy sinh hoạt sạch sẽ, cũng khiến chúng tôi yên tâm sử dụng hơn so với việc quay trở lại dùng nước giếng khoan như những ngày bị cắt nước.” – anh Thắng, cùng nhiều cư dân thôn An Lão chia sẻ.

Chủ đầu tư phải ký hợp đồng cung cấp nước sạch với cư dân

Cùng trao đổi với PV Kinh tế và Đô thị về vấn đề này, ông Lê Chí Thái, Phó Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Tường cũng cho biết, sau khi nắm được nội dung sự việc, UBND huyện Vĩnh Tường đã chủ trì họp cùng đại diện các bên liên quan, đi đến thống nhất phương án giải quyết.

“Mấu chốt dẫn đến các vướng mắc nảy sinh là việc tuyên truyền đến người dân chưa thấu đáo, mà chủ đầu tư cũng như địa phương và cả người dân cũng cần phải tiếp thu và rút kinh nghiệm.” – ông Lê Chí Thái cho biết.

Việc người dân đã đồng ý ký biên bản thỏa thuận và nộp 3 triệu đồng đặt cọc (chia làm hai đợt, đợt một 800 nghìn và đợt hai 2,2 triệu), thì doanh nghiệp sẽ trừ dần trong quá trình sử dụng nước (không tính vào tiền vật tư, lắp đặt đường ống, đồng hồ).

“Quan điểm của huyện Vĩnh Tường là yêu cầu nhà máy nước phối hợp với chính quyền địa phương thực hiện công tác tuyên truyền vận động người dân thật cặn kẽ, thấu đáo. Huyện yêu cầu Chi nhánh Nhà máy nước Sông Hồng phải ký hợp đồng cung cấp nước sạch đối với cư dân đã ký biên bản đăng ký sử dụng nước sạch. Trước mắt, áp dụng tính phí một giá 8,5 nghìn đồng/khối theo đúng quy định của tỉnh Vĩnh Phúc, không thu phí bậc thang.” – Phó Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Tường Lê Chí Thái cho biết.

Lãnh đạo UBND huyện Vĩnh Tường yêu cầu Chủ đầu tư Nhà máy nước sạch Sông Hồng thực hiện ký hợp đồng cung cấp nước sạch đối với các cư dân đã đăng ký sử dụng nước sạch. Ảnh Sỹ Hào.  
Lãnh đạo UBND huyện Vĩnh Tường yêu cầu Chủ đầu tư Nhà máy nước sạch Sông Hồng thực hiện ký hợp đồng cung cấp nước sạch đối với các cư dân đã đăng ký sử dụng nước sạch. Ảnh Sỹ Hào.  

Ngoài ra, để đảm bảo an sinh xã hội, lãnh đạo UBND huyện Vĩnh Tường cũng cho biết, địa phương đề nghị Chi nhánh Nhà máy nước sạch Sông Hồng cần rà soát các gia đình khó khăn, neo đơn, gia đình chính sách trên địa bàn để tính toán lại việc yêu cầu họ “đặt cọc” khoản tiền sử dụng nước.