Nhu cầu vàng toàn cầu lập kỷ lục trong năm 2023

Nguyễn Thu
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hiệp hội Vàng thế giới cho biết, căng thẳng địa chính trị và sự suy yếu của  nền kinh tế Trung Quốc đã thúc đẩy các nhà đầu tư tìm đến tài sản trú ẩn an toàn.

Theo báo cáo của Hội đồng Vàng Thế giới (WGC), tổng giao dịch vàng toàn cầu đạt 4.899 tấn trong năm 2023, cao hơn mức 4.741 tấn của năm 2022, trong đó có tính cả các giao dịch không qua sàn và sự thay đổi về hàng tồn kho ở các sàn hàng hóa.

Tổng giao dịch vàng toàn cầu đạt 4.899 tấn trong năm 2023t. Ảnh: Thehansindia.
Tổng giao dịch vàng toàn cầu đạt 4.899 tấn trong năm 2023t. Ảnh: Thehansindia.

Yếu tố chính chi phối nhu cầu vàng trong năm ngoái là cuộc xung đột Nga-Ukrane, xung đột Israel-Hamas, cũng như sự giảm tốc của kinh tế Trung Quốc, Shaokai Fan - người phụ trách theo dõi các ngân hàng trung ương ở WGC, nói với đài CNBC. Theo ông Fan, những yếu tố này có thể tiếp tục thúc đẩy giá vàng trong năm 2024.

Giá vàng thế giới lập kỷ lục ở mức 2.100 USD/oz vào tháng 12/2023, khi các ngân hàng trung ương cùng với các nhà đầu tư nhỏ lẻ đẩy mạnh mua vàng. Lượng mua vàng dự trữ của các ngân hàng trung ương trên thế giới đã vượt 1.000 tấn trong 2 năm liên tiếp.

“Trong năm 2023, các ngân hàng trung ương mua vàng nhiều thứ hai trong lịch sử, tiến sát mức kỷ lục thiết lập trong năm 2022” - ông Fan lưu ý thêm.

Báo cáo của WGC cũng cho thấy Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBoC) là đơn vị mua vàng lớn nhất trong năm ngoái, với 225 tấn. Tính đến cuối năm 2023, lượng dự trữ vàng của PboC đã tăng lên 2.235 tấn.

Theo chuyên gia Fan, cuộc khủng hoảng bất động sản của Trung Quốc cũng thôi thúc nhà đầu tư tìm tới vàng làm tài sản trú ẩn. Tòa án tối cao (Tòa án phúc thẩm) Hồng Kông (Trung Quốc) mới đây đã ban hành lệnh thanh lý đối với tp đoàn bất động sản hàng đầu Trung Quốc China Evergrande sau khi đàm phán thất bại với các chủ nợ.

Lượng đầu tư vào vàng miếng và vàng xu của giới đầu tư Trung Quốc trong năm ngoái tăng 28% so với năm 2022, ở mức 280 tấn.

“Nhà đầu tư Trung Quốc đang lo ngại về tương lai của các loại tài sản khác và họ tìm tới vàng như một cách để bảo vệ danh mục đầu tư” - ông Fan nhận định, đồng thời cho biết vàng có thành tích rất tốt trong năm qua và tốt hơn nhiều khi so với các tài sản khác ở Trung Quốc.

Cũng theo dữ liệu từ WGC, Trung Quốc đã vượt qua Ấn Độ, trở thành nước mua vàng trang sức lớn nhất thế giới trong năm 2023.

Báo cáo của WGC cho thấy người dân Trung Quốc đã mua 603 tấn vàng trang sức trong năm 2023, tăng 10% so với cùng kỳ năm 2022. Điều này phần lớn là do số người tổ chức đám cưới tăng vọt trong năm 2023 sau khi bị trì hoãn do dịch Covid-19 trong năm 2022.

Ông Fan cho rằng người dân Trung Quốc có thể tiếp tục mua vàng trong dịp Tết Nguyên đán sắp tới. Theo phong tục của châu Á, Năm Thìn cũng là một năm tốt để sinh em bé và điều này có thể tác động tích cực tới nhu cầu vàng tại nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.

Tuy vậy, chuyên gia Fan cảnh báo nhu cầu mua vàng của Trung Quốc có thể giảm sau quý 1/2024. Trong năm 2023, lượng mua vàng trang sức đạt 562 tấn, giảm 6% so với cùng kỳ vì thị trường này vốn nhạy cảm với giá cả.

WGC cho rằng nhu cầu mua vàng trong năm nay sẽ khó đạt mức năm 2023, song nếu lạm phát hạ nhiệt thì nhu cầu vàng sẽ không giảm quá mạnh.

"Trong thời kỳ lạm phát cao, giá vàng diễn biến khá tốt. Nhưng khi lạm phát đi xuống, giá có thể tăng hoặc giảm, vì còn phụ thuộc vào các yếu tố khác nữa" - chuyên gia Fan cho hay.

Theo số liệu mới nhất, lạm phát ở Mỹ chạm mức 3,3% trong năm 2023, vẫn cao hơn mức mục tiêu 2% của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed). Trong ngày 31/1, Chủ tịch Fed Jerome Powell tuyên bố kịch bản giảm lãi suất vào tháng 3 tới khó xảy ra. Nhận định trên của Chủ tịch Fed ngay lập tức khiến giá vàng giảm 3% xuống mức 2.064 USD/oz trong phiên giao dịch đầu tháng 2 này.