Nữ “cựu binh” với ký ức một thời nơi tuyến lửa Đồng Lộc

Văn Chương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi – Tháng Bảy, bầu trời Đồng Lộc (huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh) trong xanh vời vợi. Đã 55 năm trôi qua, song ký ức về những năm tháng chiến tranh khốc liệt nơi tuyến lửa Đồng Lộc mãi lắng sâu trong trái tim Cựu TNXP Nguyễn Thị Hoè.

Bà Nguyễn Thị Hòe nâng niu, gìn giữ bức ảnh chụp cùng đồng đội nơi tuyến lửa Đồng Lộc năm 1968
Bà Nguyễn Thị Hòe nâng niu, gìn giữ bức ảnh chụp cùng đồng đội nơi tuyến lửa Đồng Lộc năm 1968

Ký ức một thời hoa lửa

Năm 1968 giặc Mỹ leo thang bắn phá miền Bắc, ngã ba Đồng Lộc trở thành chảo lửa, túi bom, là trọng điểm đánh phá rất ác liệt của hoả lực không quân Mỹ nhằm cắt đứt sự chi viện của hậu phương lớn miền Bắc với chiến trường lớn miền Nam. Mặc cho bom cày, đạn xới, hàng vạn thanh niên xung phong cùng các lực lượng vẫn dũng cảm kiên cường bám trận địa với ý chí quyết tâm sắt đá "thông tuyến, thông xe nhanh nhất".

Video: Sa bàn tái hiện chiến tranh tàn khốc tại Ngã ba Đồng Lộc năm 1968

Đáp lời kêu gọi thiêng liêng của Tổ quốc, ở tuổi mười tám, đôi mươi căng tràn sức trẻ, Nguyễn Thị Hòe (SN 1948 ở phường Đức Thuận, thị xã Hồng Lĩnh, tỉnh Hà Tĩnh) hăng hái lên đường, xung phong ra chiến trận. Trong chiến đấu và phục vụ chiến đấu ở thời kỳ cao điểm bắn phá ác liệt của đế quốc Mỹ, dấu chân nữ Thanh niên xung phong Nguyễn Thị Hoè thuộc Đại 557- Tổng đội 55- P18 đã in đậm trên khắp mọi nẻo đường từ Cống 19 vào Cầu Tề, Cầu Tối đến Truông Kén, Khe Giao.v.v..

Bà Nguyễn Thị Hòe (người ở giữa) trong một lần về thăm lại chiến trường Đồng Lộc
Bà Nguyễn Thị Hòe (người ở giữa) trong một lần về thăm lại chiến trường Đồng Lộc
Ngã ba Đồng Lộc một thời rực lửa, nay đang kiêu hãnh dưới trời xanh, mây trắng
Ngã ba Đồng Lộc một thời rực lửa, nay đang kiêu hãnh dưới trời xanh, mây trắng

Ánh mắt xa xăm, giọng nói lúc hào sảng, khi xen lẫn chút nghẹn ngào đứt đoạn, bà Hòe kể “chiến trường Đồng Lộc vô cùng ác liệt, máy bay Mỹ càn quét suốt ngày đêm, ngọn cỏ, cành cây tiêu điều, xơ xác. Nơi chiến trận, không ít lần đơn vị mũi nhọn của bà và đồng đội phải đối mặt với hiểm nguy, sự sống, cái chết gần kề trong gang tấc”.

“Tối 24/8/1968 trở thành định mệnh. Lúc đó, tôi đang cùng đồng đội làm nhiệm vụ ở khu vực gần cầu Tùng Cốc thì bất chợt máy bay Mỹ ập đến ném bom khiến cho nhiều đồng đội bị hy sinh, còn tôi thì bị thương và ngất lịm. Được đồng đội cứu chữa, khi tỉnh dậy mới biết mình còn sống, nhưng chân phải đã bị cưa vì bom gây dập nát” bà Hòe nghẹn ngào kể lại.

Chiếc chân giả đồng hành cùng năm tháng với bà Nguyễn Thị Hòe
Chiếc chân giả đồng hành cùng năm tháng với bà Nguyễn Thị Hòe

Mảnh đất Đồng Lộc “bom cày lên bom, đạn đè lên đạn”, nhưng các lực lượng tham gia chiến đấu không một ai nao núng tinh thần. Bà Hòe cho biết, dù trong tột cùng đau đớn, nhưng bà vẫn đọc thơ, hát ca cùng đồng đội. Thời điểm đó, bà được mọi người ví như là con chim sơn ca gãy chân nhưng vẫn yêu đời, lạc quan nơi tuyến lửa Đồng Lộc.

“20 tuổi đã trở thành thương binh, sau một thời gian dưỡng thương, tôi được lắp chân giả và chuyển về tuyến sau của Tổng đội. Dù không còn trực tiếp bám hiện trường rà phá, san lấp hố bom, giải toả điểm chốt giao thông, nhưng tinh thần chiến đấu và khát vọng hoà bình vẫn luôn cháy bỏng. Năm 1973 tôi theo học nghề y rồi tham gia công tác ở nhiều ngành khác nhau cho đến lúc về hưu vào năm 1988”, bà Hòe cho biết thêm.

Viết tiếp bản hùng ca

Trở về cuộc sống đời thường với tấm thẻ thương binh hạng 2/4, nhưng vượt lên tất cả những khó khăn, trở ngại, bà Nguyễn Thị Hoè vẫn luôn tích cực hăng hái tham gia các phong trào thi đua trong Hội Cựu TNXP và Hội Người Cao tuổi phường Đức Thuận. Bà quan niệm, hoạt động ở các tổ chức đoàn thể một mặt là để có thêm niềm vui khi tuổi về già, mặt khác còn có điều kiện để giao lưu, động viên hội viên và Nhân dân giúp nhau phát triển kinh tế, xây dựng cuộc sống mới.

Những ngày tháng Bảy, bà Nguyễn Thị Hòe luôn nhớ về chiến trường Đồng Lộc, nơi cõi thiêng hóa thành bất tử 
Những ngày tháng Bảy, bà Nguyễn Thị Hòe luôn nhớ về chiến trường Đồng Lộc, nơi cõi thiêng hóa thành bất tử 

“Với những kiến thức, kinh nghiệm trong điều trị bệnh, đặc biệt là bệnh xương khớp, những năm qua ngôi nhà nhỏ của tôi trở thành nơi để nhiều người đến khám, điều trị bệnh. Thực lòng, tôi chưa bao giờ đặt nặng vấn đề công cán, thù lao, tôi chỉ mong có sức khỏe để được giúp đỡ Nhân dân, đặc biệt là những người nghèo thường hay đau ốm đau, bệnh tật”, bà Nguyễn Thị Hòe chia sẻ.

Nhiều năm gắn bó trong lực lượng TNXP và kể cả những năm tháng công tác sau này, bà Nguyễn Thị Hoè luôn nỗ lực phấn đấu hết mình, hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ. Bà vinh dự được Đảng, Nhà nước trao tặng nhiều Huân, Huy chương kháng chiến cùng nhiều bằng khen, giấy khen. Sự tôn vinh, ghi nhận đó đang tiếp thêm niềm tin, động lực để bà tiếp tục có những đóng góp ý nghĩa hơn cho xã hội.  

Trong ngôi nhà nhỏ, bà Nguyễn Thị Hòe lưu giữ nhiều bức ảnh trong quá trình tham gia các hoạt động xã hội
Trong ngôi nhà nhỏ, bà Nguyễn Thị Hòe lưu giữ nhiều bức ảnh trong quá trình tham gia các hoạt động xã hội

Trao đổi với phóng viên, Chủ tịch Hội Cựu TNXP thị xã Hồng Lĩnh Phạm Hùng Vỹ tự hào cho biết, trải qua bao gian khổ, hy sinh nơi chiến trường Đồng Lộc, dù tuổi đã cao, sức khoẻ ngày một yếu dần, song trên cương vị là Phó Chủ tịch Hội Cựu TNXP phường Đức Thuận, bà Nguyễn Thị Hoè luôn gương mẫu, sống gần gũi, chan hoà với Nhân dân với đồng chí, đồng đội. Noi gương bà, 15 hội viên trong phường đều là những nhân tố tích cực trong các phong trào thi đua yêu nước.

“Nhiều năm qua, ngôi nhà nhỏ của bà Hòe ở phường Đức Thuận trở thành nơi gặp gỡ, sum vầy của lực lượng TNXP một thời nơi tuyến lửa Ngã ba Đồng Lộc. Mỗi dịp gặp mặt ôn lại kỷ niệm, ký ức xa xưa lại cứ thế ùa về. Nhiều câu chuyện oai hùng mà cảm động của cái thời tuổi mười tám, đôi mươi càng nhân lên niềm tự hào về những năm tháng gắn bó trong lực lượng Thanh niên xung phong, để tất cả cùng đoàn kết, giúp đỡ nhau vươn lên trong cuộc sống”, ông Phạm Hùng Vỹ cho biết thêm.

Bức ảnh bà Hòe chụp cùng đồng đội tại chiến trường Đồng Lộc vào năm 1968, trước lúc bà bị thương 4 ngày
Bức ảnh bà Hòe chụp cùng đồng đội tại chiến trường Đồng Lộc vào năm 1968, trước lúc bà bị thương 4 ngày

Hiến trọn tuổi thanh xuân cho đất nước, giờ đây mỗi khi nhắc đến ngã ba Đồng Lộc khuôn mặt bà Nguyễn Thị Hoè lại ánh lên rực rỡ. 55 năm trôi qua, thời gian với biết bao thay đổi, song những bức ảnh chụp chung với các đồng chí, đồng đội ở ngã ba Đồng Lộc vẫn được bà lưu giữ như những kỷ vật thiêng liêng. Nước ảnh dù đã phai mờ theo tháng năm nhưng cũng đủ để bà nhận diện, điểm tên những đồng đội thân thương mà anh dũng của mình.

Dù đã 75 tuổi nhưng Cựu TNXP, thương binh hạng 2/4  Nguyễn Thị Hòe (mặc áo tím đứng giữa) luôn gương mẫu trong các phong trào thi đua, được mọi người quý trọng
Dù đã 75 tuổi nhưng Cựu TNXP, thương binh hạng 2/4  Nguyễn Thị Hòe (mặc áo tím đứng giữa) luôn gương mẫu trong các phong trào thi đua, được mọi người quý trọng

Dịp kỷ niệm 76 năm Ngày Thương binh- Liệt sĩ (27/7/1947-27/7/2023) và 55 năm chiến thắng Đồng Lộc (24/7/1968-24/7/2023), bà Nguyễn Thị Hòe lại bồi hồi xúc động nhớ về những năm tháng chiến đấu, phục vụ chiến đấu và để lại một phần cơ thể nơi chiến trường Đồng Lộc. Những chiến công oanh liệt một thời và cả những việc làm ý nghĩa của bà Hòe hôm nay đã góp phần tô thắm thêm truyền thống vẻ vang của lực lượng thanh niên xung phong trên trận tuyến mới.