Phương Tây lo lắng sau quyết định của Tổng thống Putin

Nam Trung
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tổng thống Vladimir Putin hôm 2/11 đã ký luật rút lại việc phê chuẩn Hiệp ước cấm thử hạt nhân toàn diện (CTBT) - động thái cho thấy mối quan hệ Moscow - Washington đang ở mức thấp nhất kể từ cuộc khủng hoảng tên lửa Cuba năm 1962.

Tổng thống Nga Vladimir Putin. Ảnh: Reuters
Tổng thống Nga Vladimir Putin. Ảnh: Reuters

Việc Tổng thống Putin ký luật bãi bỏ phê chuẩn đã được đăng trên một trang web của Chính phủ, cho biết quyết định này có hiệu lực ngay lập tức. Quốc hội Nga đã thông qua bước đi này.

Mỹ đã bày tỏ quan ngại sâu sắc về quyết định của Nga, gọi đố là "một bước đi sai hướng". Trong khi đó, Moscow cho biết việc hủy bỏ hiệp ước CTBT chỉ là hành động phù hợp với Mỹ - quốc gia đã ký nhưng chưa bao giờ phê chuẩn hiệp ước.

Các nhà ngoại giao Nga cho biết Moscow sẽ không thử nghiệm hạt nhân trừ khi Washington làm vậy. Họ nói rằng động thái này cũng sẽ không thay đổi vị thế hạt nhân của Nga - quốc gia có kho vũ khí hạt nhân lớn nhất thế giới - hay cách nước này chia sẻ thông tin về các hoạt động hạt nhân của mình, vì Moscow vẫn là một bên đã ký kết hiệp ước.

Tuy nhiên, một số chuyên gia kiểm soát vũ khí phương Tây lo ngại rằng Nga có thể chuẩn bị cho một vụ thử hạt nhân, trong bối cảnh cuộc chiến Ukraine còn khốc liệt. Một động thái như vậy, nếu thực sự xảy ra, có thể mở ra một kỷ nguyên mới về thử nghiệm hạt nhân ở cường độ lớn.

"Quyết định hôm nay của Liên bang Nga về việc hủy bỏ phê chuẩn Hiệp ước cấm thử hạt nhân toàn diện là vô cùng đáng tiếc" - Robert Floyd, người đứng đầu Tổ chức Hiệp ước cấm thử hạt nhân toàn diện, bình luận trên mạng xã hội X hôm 2/11. Ông được cho cũng đã cố gắng vận động các quan chức cấp cao của Nga để khiến họ thay đổi ý định.

Hiệp ước CTBT đã thiết lập một mạng lưới các trạm quan sát toàn cầu có thể phát hiện âm thanh, sóng xung kích hoặc bụi phóng xạ từ vụ nổ hạt nhân. Việc ký kết này chưa bao giờ có hiệu lực pháp lý mặc dù Nga và Mỹ đều tuân thủ các quy định liên quan kể từ khi Chiến tranh Lạnh kết thúc.

Nước Nga thời hậu Xô Viết chưa hề tiến hành thử hạt nhân. Lần thử nghiệm cuối cùng của Liên Xô là vào năm 1990, trong khi Mỹ là vào năm 1992. Không có quốc gia nào ngoại trừ Triều Tiên tiến hành một cuộc thử nghiệm liên quan đến vụ nổ hạt nhân trong thế kỷ này.

Tổng thống Putin hôm 5/10 cho biết ông chưa thể khẳng định chắc chắn liệu Nga có nên tiếp tục thử nghiệm hạt nhân hay không, sau khi một số chuyên gia an ninh và nhà lập pháp Nga đã kêu gọi Moscow thử bom hạt nhân như một lời cảnh báo đối với phương Tây.

Andrey Baklitskiy, nhà nghiên cứu cấp cao tại Viện Nghiên cứu Giải trừ Vũ khí của Liên Hợp quốc, nói rằng việc Nga hủy bỏ phê chuẩn CTBT là một phần của "sự trượt dốc". "Đó là một phần của xu hướng đáng lo ngại trong những năm gần đây khi chứng kiến ​​các hiệp ước kiểm soát vũ khí liên tiếp bị hủy bỏ hoặc đình chỉ" - ông Baklitskiy nói.

Giới quan sát cho rằng cần phải minh bạch hơn vì mặc dù các nước không thử nghiệm đầu đạn, nhưng họ lại tiến hành cái gọi là thí nghiệm cận tới hạn - các vụ nổ xác minh thiết kế vũ khí mà không cần lượng vật liệu nguyên tử cần thiết để duy trì phản ứng dây chuyền. Những vụ nổ nhỏ hơn đó vẫn có thể được các trạm địa chấn nhạy cảm phát hiện và làm dấy lên nghi ngờ giữa các đối thủ.