[Quản lý hành chính tại các khu đô thị mới: Những khoảng trống cần lấp] Bài cuối: Phải gắn trách nhiệm điều phối của chính quyền cơ sở

Nhóm PV Nội chính
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Từ thực tiễn cho thấy, để nâng hiệu quả quản lý hành chính tại các khu đô thị (KĐT), chung cư mới, đảm bảo quyền lợi của người dân, yêu cầu tất yếu phải hình thành đủ hệ thống chính trị cơ sở.

Trao đổi với phóng viên Kinh tế & Đô thị, nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Tiến Dĩnh, cũng như các nhà quản lý, cán bộ cơ sở đều cho rằng, giải pháp để lấp đầy những khoảng trống hiện nay, không chỉ ở sự tháo gỡ những điểm vướng trong cơ chế chính sách, còn cần quyết tâm cao của cấp ủy, chính quyền, nhất là khi Hà Nội đang xây dựng đề án thí điểm quản lý theo mô hình chính quyền đô thị.
 nguyên Thứ trưởng Nguyễn Tiến Dĩnh

Theo ông, trong quản lý hành chính tại các KĐT, chung cư mới hiện nay, đâu là vấn đề cần lưu ý?
- Khó khăn nhất hiện nay trong quản lý hành chính tại các KĐT mới là nhiều khu chung cư chưa thành lập được Ban quản trị (BQT) hoặc thành lập rồi cũng chưa rành mạch phạm vi chủ sở hữu, nhất là ở tầng dưới; hay chủ đầu tư (CĐT) chưa bàn giao quỹ bảo trì cho BQT… Rất nhiều vấn đề bức xúc mà các khu chung cư ở Hà Nội đang gặp phải do tranh chấp giữa dân cư với CĐT, dù TP đã cố gắng giải quyết tình trạng này song chưa dứt điểm.
Cần xây dựng cơ chế đặc thù về mặt quản lý

Đối với địa bàn phường có lượng dân đông từ các KĐT mới như phường Hoàng Liệt, nên chăng có cơ chế đặc thù về mặt quản lý; đồng thời, cũng cần xem xét tăng biên chế cho lực lượng công an phường để đảm bảo an ninh trật tự trên địa bàn. Ngoài ra, đối với các dự án khu chung cư cao tầng sau này, việc CĐT cam kết có trách nhiệm làm hạ tầng về hệ thống điện, đường, bãi đỗ xe, trường học… trong quy hoạch của dự án phải là một yêu cầu bắt buộc. 

Bí thư Đảng ủy phường Hoàng Liệt (quận Hoàng Mai) Nguyễn Thái Sơn

Hơn nữa, nhiều KĐT chưa thể có cấp ủy vì mới ra đời, chưa kịp thành lập tổ dân phố (TDP), trong khi nguyên tắc là tổ chức Đảng phải gắn với chính quyền. Như khu Riverside (Long Biên) cũng như nhiều chung cư ở nội thành chưa có chi bộ, phải “gửi” vào sinh hoạt với cấp ủy phường Phúc Lợi. Chưa kể đến, một số nơi có chi bộ rồi, vai trò cũng rất hạn chế.

Vậy trong khi Hà Nội đang xây dựng đề án thí điểm quản lý theo mô hình chính quyền đô thị, theo ông, đây có phải là một cơ hội lớn để hình thành nên những cơ chế đặc thù, lấp đầy những khoảng trống trong quản lý hành chính và xây dựng hệ thống chính trị cơ sở ở các KĐT mới hiện nay?

- Đề án thí điểm quản lý theo mô hình chính quyền đô thị của Hà Nội hiện đã được Bộ Chính trị đồng ý về chủ trương. Theo tôi, trong đó có những đề xuất mới phù hợp với việc quản lý hệ thống đô thị hiện nay, bao gồm cả các KĐT mới. Chính quyền đô thị trong khu vực các quận sẽ tinh gọn, bảo đảm việc quản lý nhà nước tập trung, thống nhất; bớt thủ tục rườm rà, giảm bớt các tầng nấc trung gian... Vai trò của UBND quận trong việc hình thành hệ thống chính trị ở cơ sở cũng rõ nét hơn. Tuy nhiên, mấu chốt là cấp ủy, chính quyền từ quận đến phường phải quan tâm thực sự, quyết liệt vào cuộc hay không, mới thành lập, hoạt động tốt các cấp ủy, chính quyền ở KĐT mới.

Bản thân các chung cư hiện rất phức tạp bởi mỗi dự án có một hình thức khác nhau: Có dự án có tầng hầm của người dân, có dự án tầng hầm thuộc CĐT, nhiều khi người dân mua nhà không để ý điều đó, khi vào sinh sống, mới phát sinh bức xúc. Trong khi nhiều cấp ủy, chính quyền chưa thực sự quan tâm điều này, đúng ra, họ phải chỉ đạo các TDP, người phụ trách từng đơn nguyên thành lập BQT tòa nhà đó, làm việc với CĐT để quản lý tốt. BQT phải điều hành giữ trật tự trị an từng đơn nguyên, quản lý quỹ bảo trì; song không phải mọi CĐT các chung cư đều bàn giao quỹ này cho BQT, nên cần có chế tài mạnh hơn, trong đó sớm sửa đổi Thông tư 02 của Bộ Xây dựng về quản lý chung cư.

Trước mắt, đâu là giải pháp căn cơ để vận hành tốt nhất hệ thống chính trị cơ sở tại các KĐT mới trong điều kiện còn nhiều bất cập, thưa ông?

- Tôi nghĩ, với những KĐT chưa có cấp ủy, chính quyền, rất cần lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt từ cấp ủy, chính quyền cấp quận, phường để nhanh chóng thành lập các TDP. Gắn với TDP, từ đó mới thành lập được chi bộ; phân công một đảng viên làm Tổ trưởng, từ đó chi bộ lãnh đạo TDP thông qua đảng viên. Mọi vướng mắc giữa CĐT với người dân cũng phải được tháo gỡ thông qua BQT và phải dưới sự chỉ đạo của chi bộ, TDP.

Các chi bộ khi đã thành lập, muốn phát huy tốt vai trò thì lại phụ thuộc vào nhiệt tình, trách nhiệm của Bí thư chi bộ, điều này đã được quy định rõ, nhưng hiện vẫn có người đứng đầu chưa đủ nhiệt huyết và còn phụ thuộc vào chỉ đạo kiểm tra, giám sát của cấp ủy phường, trong khi công việc tại cơ sở vốn rất khó khăn, thường va chạm với người dân. Đặc biệt, tại các chung cư càng phức tạp hơn, hay xảy ra tranh chấp, nên ngay khi chọn người làm Bí thư chi bộ, Tổ trưởng, phải chọn người thực sự tâm huyết, trách nhiệm, đủ trình độ; khi xảy ra tranh chấp, phức tạp trong khu chung cư, phải ráo riết phối hợp giải quyết ngay. Song song đó, phải có kiểm tra, hỗ trợ của cấp trên, sự chỉ đạo một cách hệ thống từ TP đến quận mới giải quyết được.

Xin cảm ơn ông!

Đảm bảo tính tự quản của cộng đồng dân cư

Sở Nội vụ vừa hoàn thành xây dựng dự thảo “Quy chế tổ chức và hoạt động của các thôn, TDP trên địa bàn TP Hà Nội” thực hiện theo đúng Thông tư 14 của Bộ Nội vụ về tổ chức và hoạt động của thôn, TDP, đã trình UBND TP. Theo đó, nguyên tắc tổ chức và hoạt động của thôn, TDP được sửa đổi theo hướng bảo đảm tính tự quản của cộng đồng dân cư, chấp hành sự quản lý Nhà nước trực tiếp của chính quyền cấp xã và sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng. Đặc biệt, Thông tư nêu rõ không chia tách các thôn, TDP đang hoạt động ổn định và sẽ thực hiện sáp nhập các thôn, TDP phù hợp với điều kiện từng địa phương. 

Trưởng phòng Xây dựng chính quyền (Sở Nội vụ Hà Nội) Bùi Đình Thái
Nên có quy định mức dân/cán bộ

Theo cá nhân tôi, quản lý hành chính ở các KĐT mới, nhất là những KĐT lớn như ở Hà Nội, cần có quy định rõ về mức dân/cán bộ quản lý. Đối với những khu dân cư đông nên có cán bộ phụ trách riêng. Bên cạnh đó, nên tách TDP, chi bộ riêng nếu đủ số lượng theo quy định; tránh trường hợp quá tải cho các TDP và chi bộ cũ. Ở khu chung cư chúng tôi có số lượng về dân không quá đông (288 hộ) nên chúng tôi vẫn tham gia cùng với chi bộ và TDP hiện có. Tuy nhiên, hầu như chúng tôi không tham gia cuộc họp gì mà thường cử đại diện BQT chung cư tham gia. Vì vậy, nên thành lập TDP riêng cho các KĐT mới vì tính chất cư trú khác nhau.

Chị Nguyễn Thị Thanh Thủy (KĐT Tây Mỗ, phường Đại Mỗ, quận Nam Từ Liêm)
Giao cho một cơ quan trực tiếp phụ trách

Trong điều kiện cán bộ, công chức phường hàng ngày đã phải chịu khối lượng công việc rất lớn, mối quan hệ giữa BQT, CĐT các KĐT phải có quy định cụ thể, giao cho một cơ quan trực tiếp phụ trách, hướng dẫn; không thể việc gì cũng đến tay cán bộ, công chức phường.

Phó Chủ tịch UBND phường Vĩnh Tuy (quận Hai Bà Trưng) Trần Nam Sơn

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần