Tái tạo không gian văn hóa: Làm thế nào để thu hút cộng đồng?

Linh Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - KTS Trần Huy Ánh cho rằng Hà Nội đang thành công với nhiều dự án tái tạo không gian văn hóa cũ, nhưng cũng không thiếu dự án thất bại khiến những người sống trong đó sống khổ sống dở.

  KTS Trần Huy Ánh
Thành công hay thất bại của không gian văn hóa chính là việc dự án có tạo ra nơi có sự giao tiếp với cộng đồng.
Theo ông, gần đây Hà Nội tái tạo không gian cũ nào thành công, trở thành điểm đến của cộng đồng và giải pháp nào để giúp TP có sự thành công đó?

- Rất dễ để kể sự thành công đó là con đường bích họa trên phố Phùng Hưng. Từ 1 nơi để đổ rác, xả uế và đỗ ô tô; bây giờ ở con đường đó người ta đến để chụp ảnh, biểu diễn thời trang, ca múa nhạc, hoặc là cuộc giao lưu của các dân kiến trúc. Cư dân sống quanh đó cũng thay đổi các loại hình dịch vụ, lối sống một cách tự giác, đáp ứng nhu cầu của du khách cũng như không gian văn hóa nơi đấy.
Thành công của dự án là tạo ra một nơi chốn có sự giao tiếp. Người đến thấy ở đó kỷ niệm, cảm thấy nơi đó có một phần của mình trong đó. 18 bức bích họa là 18 câu chuyện về Hà Nội, không bức nào giống bức nào, không đơn điệu và tẻ nhạt. Thật ra, phương pháp tạo ra nơi trốn cho các không gian công cộng như phố bích họa Phùng Hưng được nhiều TP trên thế giới áp dụng, chúng ta học tập và mang về Việt Nam.

Nói như vậy con đường bích họa trên phố Phùng Hưng là minh chứng rõ nhất cho việc đánh thức được không gian cũ phải có tính quy hoạch, có sự sắp xếp và chủ ý. Vậy tại sao Hà Nội vẫn thiếu các không gian văn hóa có sức sống?

- Hà Nội có trữ lượng không gian di sản, tài nguyên lịch sử không có giới hạn, nhưng rất đang bị tầm thường hóa, lãng phí, được khai thác một cách tự phát tùy tiện. Nếu khai thác một cách có quy hoạch, uyển chuyển thì không gian đó dù ở góc khuất cũng có thể đánh thức được. Hà Nội có phố cổ Hà Nội và làng cổ Đường Lâm là 2 di sản sống đầy sôi động nhưng lại chưa có khả năng đánh thức giá trị vì phương pháp bảo tồn cứng nhắc, thiếu uyển chuyển. Trong khi Đường Lâm đang là một thực thể có sự chuyển động thì chúng ta cứ bắt người giữ lại cái đã cũ. Phố cổ Hà Nội cũng vậy, chúng ta muốn giữ gìn nhưng không thừa nhận sự thay đổi, áp đặt chủ quan thực thể đang vận động mạnh mẽ. Chính vì vậy, mới có sự việc người dân làng cổ muốn trả lại danh hiệu di sản quốc gia, người dân phố cổ sống dở khóc dở cười với không gian chật hẹp nhưng cho dù dự án bảo tồn đã được lên kế hoạch nhiều năm nay nhưng vẫn nằm yên tại chỗ.
 Bích họa trên phố Phùng Hưng. Ảnh: Công Hùng
Có vẻ như quan điểm về bảo tồn của giới kiến trúc mâu thuẫn với quan điểm của giới di sản văn hóa. Người làm di sản, bảo tồn phải mang tính nguyên mẫu, nguyên trạng. Còn như ý kiến của ông, bảo tồn di sản có thể được phép thay đổi?

- Bản thân các công ước về di sản của thế giới cũng thay đổi khái niệm về bảo tồn, không chỉ bảo tồn nguyên gốc mà cần có sự phù hợp với bối cảnh hiện tại. Bảo tồn phải có tính thời đại. Tôi lấy ví dụ như kích thước của cổng chùa Mía (Sơn Tây) và chùa Đậu (Thường Tín) cao không quá 1m40cm, nghĩa là khi chiều cao trung bình của người Việt cũng chỉ ở tầm đó. Nhưng bây giờ người Việt đã cao trên 1m60cm, nếu chúng ta bảo tồn nguyên trạng về chiều cao cổng chùa liệu có hợp lý trong bối cảnh hiện tại, phải có ứng dụng thực tế và kết nối được cộng đồng.

Hà Nội đang chuẩn bị chỉnh trang, phục dựng Hồ Văn (thuộc Văn Miếu – Quốc Tử Giám). Bài toán của dự án là làm thế nào hồi sinh không gian di sản đã bị lãng quên giữa trung tâm Thủ đô?

- Văn Miếu – Quốc Tử Giám có lịch sử nghìn năm, nhưng quy hoạch của di sản này ảnh hưởng rất rõ của quy hoạch Pháp, theo trục đối xứng, có cấu trúc rõ ràng. Hồ Văn cũng nằm trong bản vẽ quy hoạch được công bố năm 1941-1943. Tuy nhiên, bao nhiêu năm qua, Hồ Văn trở nên méo mó và vẹo vọ vì không được quan tâm. Bây giờ, khi Hà Nội khởi xướng việc chỉnh trang tôn tạo Hồ Văn là điều nên làm. Nhưng theo tôi đừng quá câu nệ về tính nguyên gốc khu vực này. Bởi vì, nếu là làm nguyên gốc phải đủ cứ liệu khoa học, nghĩa là đủ tư liệu, hình ảnh, bản vẽ… Đánh thức không gian cũ luôn phải đặt ra câu hỏi có ích gì cho cộng đồng, có được cộng đồng tiếp nhận. Bài toán này có giải quyết được phải phụ thuộc vào cách thức tạo ra nơi trốn cho các không gian công cộng của cộng đồng.

Xin xảm ơn KTS!