KTS Trần Huy Ánh |
Theo ông, gần đây Hà Nội tái tạo không gian cũ nào thành công, trở thành điểm đến của cộng đồng và giải pháp nào để giúp TP có sự thành công đó?- Rất dễ để kể sự thành công đó là con đường bích họa trên phố Phùng Hưng. Từ 1 nơi để đổ rác, xả uế và đỗ ô tô; bây giờ ở con đường đó người ta đến để chụp ảnh, biểu diễn thời trang, ca múa nhạc, hoặc là cuộc giao lưu của các dân kiến trúc. Cư dân sống quanh đó cũng thay đổi các loại hình dịch vụ, lối sống một cách tự giác, đáp ứng nhu cầu của du khách cũng như không gian văn hóa nơi đấy.
Thành công của dự án là tạo ra một nơi chốn có sự giao tiếp. Người đến thấy ở đó kỷ niệm, cảm thấy nơi đó có một phần của mình trong đó. 18 bức bích họa là 18 câu chuyện về Hà Nội, không bức nào giống bức nào, không đơn điệu và tẻ nhạt. Thật ra, phương pháp tạo ra nơi trốn cho các không gian công cộng như phố bích họa Phùng Hưng được nhiều TP trên thế giới áp dụng, chúng ta học tập và mang về Việt Nam.Nói như vậy con đường bích họa trên phố Phùng Hưng là minh chứng rõ nhất cho việc đánh thức được không gian cũ phải có tính quy hoạch, có sự sắp xếp và chủ ý. Vậy tại sao Hà Nội vẫn thiếu các không gian văn hóa có sức sống?- Hà Nội có trữ lượng không gian di sản, tài nguyên lịch sử không có giới hạn, nhưng rất đang bị tầm thường hóa, lãng phí, được khai thác một cách tự phát tùy tiện. Nếu khai thác một cách có quy hoạch, uyển chuyển thì không gian đó dù ở góc khuất cũng có thể đánh thức được. Hà Nội có phố cổ Hà Nội và làng cổ Đường Lâm là 2 di sản sống đầy sôi động nhưng lại chưa có khả năng đánh thức giá trị vì phương pháp bảo tồn cứng nhắc, thiếu uyển chuyển. Trong khi Đường Lâm đang là một thực thể có sự chuyển động thì chúng ta cứ bắt người giữ lại cái đã cũ. Phố cổ Hà Nội cũng vậy, chúng ta muốn giữ gìn nhưng không thừa nhận sự thay đổi, áp đặt chủ quan thực thể đang vận động mạnh mẽ. Chính vì vậy, mới có sự việc người dân làng cổ muốn trả lại danh hiệu di sản quốc gia, người dân phố cổ sống dở khóc dở cười với không gian chật hẹp nhưng cho dù dự án bảo tồn đã được lên kế hoạch nhiều năm nay nhưng vẫn nằm yên tại chỗ.
Bích họa trên phố Phùng Hưng. Ảnh: Công Hùng |