Thủ tướng Hy Lạp nhận định bất ngờ về kinh tế Nga

Nguyễn Phương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Nhà lãnh đạo Hy Lạp cho rằng các lệnh trừng phạt chống Nga dường như không đạt hiệu quả như mong muốn, do đó phương Tây cần có có thêm giải pháp để ngăn chặn hành vi “né” lệnh cấm vận.

Trong bài phát biểu tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới đang diễn ra ở Davos (Thụy Sĩ) hôm 17/1, Thủ tướng Hy Lạp Kyriakos Mitsotakis cho biết, nền kinh tế Nga trên thực tế không chịu tác động quá nhiều từ các biện pháp trừng phạt của phương Tây liên quan đến chiến sự tại Ukraine.

Thủ tướng Hy Lạp Kyriakos Mitsotakis. Ảnh: OT.gr Newsroom
Thủ tướng Hy Lạp Kyriakos Mitsotakis. Ảnh: OT.gr Newsroom

Tuy nhiên, Thủ tướng Mitsotakis cho rằng các biện pháp hạn chế kinh tế của phương Tây có thể cản trở đà tăng trưởng bền vững của nền kinh tế Nga trong dài hạn.

Theo nhà lãnh đạo Hy Lạp, các lệnh cấm vận Nga dường như không phát huy hiệu quả như dự báo trước đó, do đó phương Tây cần có thêm các biện pháp chặt chẽ hơn để ngăn chặn hành vi “né” lệnh trừng phạt của Moscow.

Trong diễn biến liên quan, Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov vừa tuyên bố nước này đang nỗ lực giảm sự phụ thuộc vào kinh tế phương Tây, theo hãng tin Tass.

Tại cuộc họp báo tổng kết hoạt động đối ngoại năm 2023 hôm 17/1, Ngoại trưởng Lavrov cho biết, Nga đặt mục tiêu trong năm nay sẽ chấm dứt hoàn toàn sự phụ thuộc vào chuỗi cung ứng hàng hóa của phương Tây.

Ông Lavrov nhấn mạnh: “Nhiệm vụ quan trọng nhất trong năm nay là phải tự chủ về tất cả các lĩnh vực kinh tế để không còn phụ thuộc vào chuỗi sản xuất, tài chính, ngân hàng hay chuỗi cung ứng của các nước phương Tây”.

Trước đó, phát biểu tại phiên họp toàn thể tại Triển lãm EXPO ở Moscow ngày 16/1, Thủ tướng Mikhail Mishustin khẳng định, Nga không chỉ trụ vững trước sức ép khủng khiếp từ các lệnh trừng phạt của phương Tây, mà còn đang trên đà đạt tốc độ tăng trưởng bền vững.

Theo Thủ tướng Mishustin, tất cả các ngành kinh tế của Nga đều chứng kiến sự phát triển tích cực trong năm 2023.

Thủ tướng Nga cho biết, nền kinh tế Nga đã phục hồi mạnh mẽ trong năm ngoái khi đạt mức tăng trưởng GDP 3,3% giai đoạn 11 tháng đầu năm.

Nga sắp vượt Nhật Bản, trở thành nền kinh tế thứ 4 thế giới

Bộ trưởng Kinh tế Nga Maksim Reshetnikov hôm 16/1 lạc quan nhận định rằng Nga có thể vượt qua Nhật Bản để trở thành nền kinh tế lớn thứ 4 thế giới trong vài năm tới.

Nga hiện là nền kinh tế lớn thứ 5 trên toàn cầu dựa theo sức mua. Ảnh: RT
Nga hiện là nền kinh tế lớn thứ 5 trên toàn cầu dựa theo sức mua. Ảnh: RT

Quan chức này cũng lưu ý rằng Nga đã vượt qua Đức, cường quốc kinh tế của EU, về mặt sức mua (PPP) và hiện là nền kinh tế lớn thứ 5 trên toàn cầu. PPP là một thước đo phổ biến với nhiều nhà kinh tế để so sánh năng suất kinh tế và mức sống giữa các quốc gia bằng cách điều chỉnh sự khác biệt về chi phí hàng hóa và dịch vụ.

“Nền kinh tế Nhật Bản đang tăng trưởng dưới 1%, trong khi chúng tôi kỳ vọng đạt mức tăng trưởng trên 2%. Nga có thể tự tin trong trung hạn khoảng 3 hoặc 4 năm tới, chúng tôi hoàn toàn có khả năng vượt qua nền kinh tế Nhật Bản về quy mô” - Bộ trưởng Reshetnikov nói.

Trong khi đó, Cố vấn kinh tế hàng đầu của Tổng thống Vladimir Putin Maksim Oreshkin trước đó tuyên bố rằng Nga “đã đẩy lùi Nhật Bản trong cuộc đua giành vị trí nền kinh tế lớn thứ 4 thế giới ”. Ông lưu ý rằng Trung Quốc đã trở thành cường quốc kinh tế hàng đầu toàn cầu, trong khi Nga hiện là nền kinh tế lớn nhất châu Âu tính theo PPP.

Theo Ngân hàng Thế giới (WB), Trung Quốc chiếm vị trí dẫn đầu toàn cầu về PPP vào năm 2022, trong khi Mỹ đứng ở vị trí thứ 2, tiếp theo là Ấn Độ và Nhật Bản. Nga lọt vào top 5, trong khi Đức đứng ở vị trí thứ 6.

Tổng thống Vladimir Putin gần đây dự báo GDP của Nga có thể tăng 3,5% trong năm 2023, đồng thời khẳng định đây là một thành công “đáng kinh ngạc” khi Moscow phải chống đỡ hàng loạt biện pháp trừng phạt mạnh chưa từng có từ phương Tây.

Người đứng đầu Điện Kremlin cũng cho biết, ông coi sự phát triển của vùng Viễn Đông là yếu tố quan trọng trong việc tăng cường quan hệ đối tác của Nga với các nước châu Á - Thái Bình Dương, nơi đang trở thành động lực của nền kinh tế thế giới.

Tuy nhiên, Tổng thống Putin lưu ý rằng Nga vẫn cần phải làm nhiều việc để củng cố độc lập và chủ quyền của đất nước, chủ yếu trong lĩnh vực công nghệ, kinh tế và các lĩnh vực quan trọng khác.