Thực hiện 2 Quy tắc ứng xử: Nắn chỉnh hành vi lệch chuẩn văn hóa

Linh Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thừa nhận những tác động tích cực về văn hóa ứng xử từ sau sự ra đời của 2 Quy tắc ứng xử (QTƯX), nhưng TS Nguyễn Viết Chức - nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa – Giáo dục Quốc hội, nguyên Giám đốc Sở VH&TT Hà Nội cho rằng, thước đo hiệu quả của văn hóa không thể tính bằng 1 - 2 năm, Hà Nội còn rất nhiều việc phải làm để giữ được cốt cách thanh lịch Tràng An.

Bài 3: Nâng giữ giá trị đạo đức “công bộc” của dân

Bài cuối: Để người Hà Nội thêm đáng yêu, đáng trọng

 TS Nguyễn Viết Chức - nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa – Giáo dục Quốc hội, nguyên Giám đốc Sở VH&TT Hà Nội
Cần những mô hình cụ thể

Theo ông, sau khi ban hành và thực hiện hơn một năm, QTƯX cần phải điều chỉnh những nội dung gì còn hạn chế, chưa hợp lý?

- Theo tôi, Hà Nội nên sớm tổ chức sơ kết đánh giá mặt được và mặt hạn chế của 2 QTƯX. Bởi vì, không ai có thể tài giỏi nghĩ ra mọi tình huống ứng xử. Sau một năm ban hành thực hiện, rõ ràng còn rất nhiều điều phát sinh cần bổ sung. Tôi luôn tự đặt câu hỏi: Tại sao Hà Nội không tổ chức cuộc vận động "Ngày không vứt rác" để hưởng ứng QTƯX nơi công cộng, tại sao có ông Tây lặn cống dọn rác, còn các đoàn viên thanh niên lại không học tập?... Tôi nghĩ rằng, Hà Nội cần có những phong trào, mô hình cụ thể hóa việc thực hiện QTƯX. Hơn nữa, Hà Nội nên phát huy tối đa những hương ước, quy ước làng xã có từ bao đời nay để giáo dục lối sống, cách ứng xử văn minh.
Tại sao ở thế kỷ XXI chúng ta lại vẫn cần phát huy hương ước đã có từ trăm năm trước, việc làm này phải chăng không phù hợp với xã hội hiện đại?

- Văn hóa của người Việt là văn hóa cộng đồng, tôn trọng yếu tố gia đình và xóm làng. Chính vì vậy, muốn thay đổi tập quán, thói quen, cách ứng xử trong xã hội thì phải dựa vào gia đình và phong trào toàn dân. Tuy nhiên, chúng ta phải nhìn nhận, hương ước, quy ước do làng đặt ra đều xuất phát từ các yêu cầu của Nhân dân, không phải do chính quyền áp đặt. Nên thời nay cũng vậy, mọi quy tắc, quy định đều phải đáp ứng được số đông.

Nhiều người cho rằng vẫn còn những cán bộ công chức “lệch chuẩn” là do QTƯX chưa đi vào cuộc sống, ông có cùng quan điểm trên?

- Tôi cho rằng một vài sự việc vi phạm của cán bộ được báo chí nêu trong thời gian vừa qua chỉ là “con sâu làm giầu nồi canh”. Ngay tại phường Liễu Giai (quận Ba Đình) chỗ tôi ở, bộ mặt của cơ quan hành chính nơi đây đã đổi thay rất nhiều.
Người dân làm thủ tục hành chính tại bộ phận một cửa phường Nhân Chính, quận Thanh Xuân.  Ảnh: Thanh Hải
Từ cách bài trí bàn ghế đón tiếp dân, đến cung cách chào hỏi, nội quy ứng xử đều được dán quy định và thực hiện. Cán bộ cũng niềm nở hơn. Thực tế, QTƯX chỉ là giải pháp, từ những phản ứng mạnh mẽ trước ứng xử lệch chuẩn của cán bộ cũng như một số ít người dân đã chứng tỏ nhận thức, trình độ văn hóa, nhu cầu văn hóa ứng xử của Thủ đô ngày càng cao. Chính sự phản ứng này khiến mỗi người phải soi lại mình, đổi thay ứng xử sao cho phù hợp với thời đại hiện nay.

“Chúng ta là cán bộ, đừng đòi hỏi người dân phải ứng xử tốt trước. Có lẽ, mỗi cán bộ chúng ta phải đứng trước gương tập mỗi ngày để giao tiếp, ứng xử tốt với người dân” - Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải bày tỏ trong buổi làm việc tại huyện Phúc Thọ ngày 7/2/2017.

“Để xây dựng văn hóa ứng xử đòi hỏi phải có quá trình, thường xuyên, lâu dài, trong đó rất cần sự nêu gương của cán bộ lãnh đạo, đặc biệt là vai trò gương mẫu của người đứng đầu; cần những cán bộ dám nói thẳng nói thật, chân thành góp ý với những việc làm chưa đúng của cán bộ cấp trên, đồng nghiệp…”. - Phó Trưởng ban Dân vận Thành ủy Nguyễn Kim Hoàng

Giữ gìn bản chất thanh lịch

Cho dù QTƯX đã ra đời nhưng trên các diễn đàn vẫn không ngớt những tranh luận về thanh lịch như người Tràng An là phải khăn xếp, áo dài truyền thống, chứ không phải váy vóc như bây giờ. Ông có nghĩ cần đưa ra những QTƯX về cách ăn mặc để trở về đúng hình ảnh Thăng Long – Hà Nội xưa?

- Thăng Long – Hà Nội bao gồm cả truyền thống ngàn năm và sự hình thành phát triển của đời sống xã hội những năm gần đây. Không ai ngăn được tình cảm mong ước kiểu bao giờ cho đến ngày xưa. Đó là tình cảm tốt. Nhưng nhìn nhận một cách có lý trí thì không thể đến ngày xưa, chỉ có thể đến tương lai. Hoài cổ xây dựng tương lai, ôn cố để tri tân chứ không thể hoài cổ để trở về cổ xưa. Sự phát triển của văn hóa là sự kế thừa không mệt mỏi và không phải sự lặp lại. Chúng ta cần giữ được bản chất của thanh lịch đó là lời ăn tiếng nói, chứ không phải bề ngoài của sự thanh lịch. Lịch sử tiến trình phát triển không bao giờ trở về cái cũ, cái cũ có tốt đến đâu cũng không thể phù hợp với đời sống hiện đại.

Mấy chục năm gần đây, Hà Nội đón nhận nhiều công dân từ các địa phương khác nhập cư về Thủ đô. Theo ông, Hà Nội cần làm gì để người nhập cư hòa nhập với cuộc sống đô thị?

- Có người cho rằng, những mặt hạn chế trong ứng xử của Hà Nội thời gian gần đây là do người Hà Nội nay đã bị pha tạp, người Hà Nội gốc ít hơn người Hà Nội nhập cư. Tuy nhiên, nhiều nhà nghiên cứu văn hóa cho rằng, nguyên nhân không phải thế. Phải nhìn nhận rằng, người nhập cư không chỉ là những người lao động kiếm sống mà còn là những nhân vật xuất sắc của địa phương khác về Hà Nội và làm đẹp, cống hiến công sức, trí tuệ cho Thủ đô. Thực tế, có những người ở Hà Nội đã ba bốn đời nay vẫn nói ngọng tiếng Việt, vẫn ứng xử không được thanh lịch, văn minh. Hơn nữa, không nên “chia rẽ”, đổ tiếng không thơm cho nhau trong vấn đề này. Chuẩn mực văn hóa thanh lịch, văn minh là chung cho mọi người. Phải giáo dục, bồi dưỡng, tu dưỡng và rèn luyện thường xuyên trong mọi hoàn cảnh để trở thành nếp sống, thói quen thích ứng với điều kiện sống hiện đại, mà vẫn giữ được cốt cách người Hà Nội thanh lịch. Mỗi công dân Thủ đô, mỗi gia đình Hà Nội phải thực hiện nếp sống văn minh, thanh lịch ở mọi nơi để người Hà Nội thật đáng yêu, đáng trọng bởi những nét thanh lịch đặc trưng được lưu giữ và phát huy, bởi nếp sống văn minh ngay trong đời sống thường ngày của chính mình và trong cảm nhận của bạn bè từ xa đến.

Xin cảm ơn ông!

"Hàng ngày Hà Nội đón rất nhiều bạn bè từ các địa phương trong cả nước và du khách nước ngoài đến thăm Thủ đô. Chính vì vậy, QTƯX không chỉ dành riêng cho người Hà Nội, mà ông cha ta có câu “nhập gia tùy tục”, nên các công ty lữ hành đưa đón khách du lịch cũng phải có trách nhiệm phổ biến các quy định, thói quen văn hóa của người Việt khi đến thăm các điểm di tích hoặc nơi thờ tự. Về phía Thành đoàn Hà Nội đang tích cực sử dụng mạng xã hội là kênh thông tin tuyên truyền chủ lực trong giới trẻ; tổ chức thi thiết kế các video clip, infographic, sáng tác thơ ca, MV về thực hiện QTƯX tại công sở và nơi công cộng, góp phần lan tỏa nếp sống văn minh, ứng xử thanh lịch của người Thủ đô". - Phó Bí thư Thành đoàn Hà Nội Nguyễn Đức Tiến

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần