Thượng đỉnh Mỹ - Trung: Những tín hiệu tích cực đầu tiên

Tùng Lâm
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Mỹ và Trung Quốc đã đồng ý nối lại liên lạc quân sự và hợp tác phòng chống ma túy sau giai đoạn căng thẳng ngoại giao kéo dài.

Ngày 15/11, Tổng thống Mỹ Joe Biden và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã đồng ý nối lại liên kết quân sự và hợp tác phòng chống ma túy – tín hiệu tích cực từ cuộc đàm phán đầu tiên của hai nhà lãnh đạo cấp cao sau một năm.

Theo Reuters, trước Hội nghị Thượng đỉnh của diễn đàn Hợp tác Kinh tế Châu Á – Thái Bình Dương (APEC), ông Biden và ông Tập đã có cuộc gặp mặt kéo dài bốn tiếng tại ngoại ô San Francisco nhằm thảo luận những căng thẳng trong quan hệ Mỹ - Trung.

Tổng thống Mỹ Joe Biden và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Ảnh: Reuters
Tổng thống Mỹ Joe Biden và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Ảnh: Reuters

Bắc Kinh cho biết lãnh đạo hai nước đã đồng ý nối lại hợp tác quân sự, vốn trước đó đã bị Trung Quốc đơn phương đình chỉ sau khi cựu Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi đến thăm Đài Loan vào tháng 8/2022.

Theo một quan chức cấp cao của Mỹ, ông Biden đã yêu cầu hai nước thể chế hóa các cuộc đối thoại giữa quân đội hai bên và Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin sẽ có cuộc gặp mặt với người đồng cấp đến từ Trung Quốc. 

Bên cạnh đó, Washington cho biết cả ông Biden và ông Tập đã đồng ý hợp tác để giải quyết triệt để nguồn gốc của fentanyl [thuốc giảm đau thuộc nhóm opioid], nguyên nhân hàng đầu gây ra tình trạng sử dụng ma túy vượt quá liều lượng tại Mỹ.

Theo thỏa thuận, Trung Quốc sẽ trực tiếp truy lùng các công ty hóa chất sản xuất tiền chất fentanyl – Một quan chức cấp cao Mỹ trả lời phóng viên.

Ông Tập cùng có những đảm bảo đối với người đồng cấp về việc Trung Quốc sẽ không có hành động quân sự đối với vấn đề Đài Loan – nơi Bắc Kinh tuyên bố là một phần lãnh thổ của mình – tuy nhiên sẽ sử dụng vũ lực nếu cần thiết. 

Về phần mình, người đứng đầu Nhà Trắng kêu gọi cạnh tranh Mỹ-Trung cần phải được đảm bảo sẽ không dẫn đến xung đột, đồng thời nhấn mạnh mối quan tâm chung về biến đổi khí hậu, chống ma túy và AI. Ông cũng cho biết điều quan trọng nhất là phải có sự thấu hiểu lẫn nhau giữa lãnh đạo của hai bên.

“Có những thách thức lớn toàn cầu đòi hỏi phải sự lãnh đạo chung của chúng ta. Hôm nay, hai nước đã đạt được tiến bộ thực sự” – Ông cho biết.

Cuộc gặp đầy thiện chí

Theo nhận định của Nhà Trắng, các nhà lãnh đạo đã có một cuộc thảo luận thẳng thắn và mang tính xây dựng về một loạt các vấn đề song phương và toàn cầu, đồng thời bày tỏ quan điểm về nhiều điểm khác biệt.

Ngoài những vấn đề trên, ông Tập còn đề cập đến những tác động nặng nề từ đại dịch Covid-19 đã khiến tốc độ phục hồi của nền kinh tế toàn cầu bị chậm lại. Người đứng đầu Bắc Kinh cũng nhấn mạnh mối quan hệ Mỹ-Trung là mối quan hệ song phương quan trọng nhất thế giới, đồng thời cho biết cả ông và Tổng thống Biden sẽ gánh vác trách nhiệm to lớn đối với nhân dân hai nước, đối với thế giới và cả lịch sử.

“Đối với hai nước lớn như Trung Quốc và Mỹ, việc quay lưng lại với nhau không phải là một lựa chọn sáng suốt. Xung đột và đối đầu sẽ gây ra những hậu quả không lường trước được” – Ông Tập cho biết.

Các nhà lãnh đạo cam kết sẽ tìm cách giảm thiểu tối đa những mâu thuẫn, xung đột.

Hội nghị Thượng đỉnh APEC diễn ra tại San Francisco (Mỹ), được kỳ vọng sẽ là là nơi các nhà lãnh đạo của nhóm 21 quốc gia thành viên, cùng nhiều chuyên gia, doanh nghiệp, bàn thảo các giải pháp đối phó với những thách thức trên toàn cầu.