Tọa đàm trực tuyến “Tìm giải pháp giảm thiểu các vi phạm trong công tác tu bổ di tích”

Kinh Tế Đô Thị
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sáng 14/8, báo Kinh tế & Đô thị tổ chức tọa đàm trực tuyến “Tìm giải pháp giảm thiểu các vi phạm trong công tác tu bổ di tích” nhằm chia sẻ những khó khăn về quá trình vận động, thuyết phục Nhân dân thực hiện đúng Luật Di sản của cán bộ quản lý văn hóa; tham vấn các ý kiến của chuyên gia về vấn đề tìm nguồn vốn trong công tác tu bổ di tích…

Thủ đô Hà Nội sở hữu kho tàng di sản vô cùng phong phú, trong đó có 5.922 di tích, được coi là một kho báu văn hóa vô cùng lớn lao mà thế hệ chúng ta và mai sau cần phải gìn giữ.
Các khách mời tham gia buổi tọa đàm, giao lưu trực tuyến về "Tìm giải pháp giảm thiểu các vi phạm trong công tác tu bổ di tích".
Tuy nhiên, hàng năm số lượng di tích xuống cấp khá lớn, nguồn vốn tu bổ lại có hạn, nhiều người dân và cán bộ quản lý địa phương còn có cái nhìn hạn hẹp về công tác tu bổ di tích nên đã vô tình hoặc cố ý phá hoại di sản. Cụ thể, vụ việc bê tông hóa đình Lương Xá (Ứng Hòa) 300 tuổi đã làm dấy lên những bất bình trong dư luận. Trước đó, vụ việc sư trụ trì tự ý hạ giải nhà Tổ, khiến ngôi chùa Trăm Gian (Chương Mỹ) có giá trị kiến trúc đặc biệt từ thời Lý Cao Tông (1176 - 1210)… bị “biến dạng”. Hoặc hành động xây mới, bổ sung nhiều hiện vật lòe loẹt ở ngôi chùa đã xếp hạng cấp quốc gia - chùa Khúc Thủy (Thanh Oai)… cũng làm những người yêu mến với di sản Thủ đô phải trăn trở.
Cuộc tọa đàm, giao lưu trực tuyến “Tìm giải pháp giảm thiểu các vi phạm trong công tác tu bổ di tích” có sự tham gia của ông Trương Minh Tiến - Phó Giám đốc Sở VH&TT Hà Nội; PGS.TS Phạm Mai Hùng - Phó Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Việt Nam; TS Nguyễn Viết Chức - nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội; ông Vũ Hồng Hải - Phó Trưởng phòng Văn hóa & Thông tin huyện Phúc Thọ.
Phó Tổng Biên tập Báo Kinh tế & Đô thị Lại Bá Hà phát biểu tại buổi tọa đàm.

Phát biểu mở đầu tại buổi tọa đàm, Phó Tổng Biên tập Báo Kinh tế & Đô thị Lại Bá Hà cho biết: Công tác bảo tồn di tích luôn là vấn đề “nóng” của Hà Nội. Thời gian qua, dưới sự chỉ đạo sâu sát của Thành ủy Hà Nội, UBND TP Hà Nội, các cơ quan chức năng, đặc biệt là Sở Văn hóa & Thể thao Hà Nội đã tập trung các nguồn lực nhằm bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa Thủ đô.

Hà Nội đã tiến hành tổng kiểm kê di tích trên địa bàn, đề nghị UBND TP và Bộ VHTT&DL xếp hạng bổ sung cho nhiều di tích, đầu tư tu bổ kịp thời cho các di tích xuống cấp. Tuy nhiên, thời gian qua, cũng có nhiều di sản bị phá hỏng hoặc tu bổ không đúng cách, do nguồn lực các địa phương còn hạn chế, người dân và Ban quản lý đình, chùa chưa hiểu hết được giá trị kiến trúc di sản mà cha ông ta để lại.

Trong những năm qua, báo Kinh tế&Đô thị cũng phối hợp với Sở VH&TT Hà Nội tổ chức nhiều bài viết về vấn đề tu bổ, bảo tồn di tích. Hôm nay, Báo Kinh tế&Đô thị mời các chuyên gia, nhà quản lý tham gia buổi tọa đàm nhằm mục đích tìm giải pháp giảm thiểu các vi phạm trong công tác tu bổ di tích. Chúng tôi xin trân trọng cảm ơn các chuyên gia, nhà quản lý đã đến tham dự Hội nghị này".

KHÁCH MỜI THAM DỰ
  • Tọa đàm trực tuyến “Tìm giải pháp giảm thiểu các vi phạm trong công tác tu bổ di tích” - Ảnh 3

    Phó Giám đốc Sở VH&TT Hà Nội

    Ông Trương Minh Tiến

  • Tọa đàm trực tuyến “Tìm giải pháp giảm thiểu các vi phạm trong công tác tu bổ di tích” - Ảnh 4

    Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội

    TS Nguyễn Viết Chức

  • Tọa đàm trực tuyến “Tìm giải pháp giảm thiểu các vi phạm trong công tác tu bổ di tích” - Ảnh 5

    Phó Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Việt Nam

    PGS.TS Phạm Mai Hùng

  • Tọa đàm trực tuyến “Tìm giải pháp giảm thiểu các vi phạm trong công tác tu bổ di tích” - Ảnh 6

    Phó Trưởng phòng Văn hóa & Thông tin huyện Phúc Thọ

    Ông Vũ Hồng Hải

Nội dung giao lưu trực tuyến
Bạn đọc Văn Sinh (sinhnghiadan@gmail.com) hỏi:
Hiện nay, Hà Nội còn 3.000 di tích chưa được xếp hạng. Từ thực tế đã qua, xin các cơ quan quản lý cho biết cần làm gì để bảo tồn các di tích này để không bị xâm hại khi trùng tu, tu bổ?
Tọa đàm trực tuyến “Tìm giải pháp giảm thiểu các vi phạm trong công tác tu bổ di tích” - Ảnh 7
Ông Trương Minh Tiến trả lời:

Hiện nay, trên địa bàn TP Hà Nội có trên 3.000 di tích chưa được xếp hạng, nhưng đã được đưa vào danh mục quản lý. TP đã đưa danh mục này về cho các quận, huyện, thị xã giao trách nhiệm xuống các xã, phường, thị trấn. Điều này đòi hỏi chúng ta phải ứng xử với những di tích đó theo tinh thần của Luật Di sản.

Bởi, tuy chưa xếp hạng, nhưng không có nghĩa là không có giá trị. Hàng năm Sở VH-TT đã làm các thủ tục xếp hạng theo quy định. Có nhiều di tích xứng đáng là di tích cấp quốc gia, cấp TP, nên chúng ta phải ứng xử với nó như một di tích có giá trị đã được công nhận.

Bạn đọc Hoàng Hương (hoanghuongbao@gmail.com) hỏi:
Xin ông cho biết trách nhiệm của cơ quan quản lý trong vụ việc xảy ra ở đình Lương Xá, huyện Ứng Hòa?
Tọa đàm trực tuyến “Tìm giải pháp giảm thiểu các vi phạm trong công tác tu bổ di tích” - Ảnh 8
Ông Trương Minh Tiến trả lời:
Với vụ việc xảy ra ở đình Lương Xá (huyện Ứng Hòa), đây là việc rất đáng tiếc đã được các cơ quan báo chí phản ánh nhiều trong thời gian qua.
Sở VH-TT cũng nhận một phần trách nhiệm trong việc tham mưu quản lý. Tuy nhiên, mặc dù trước đó Sở đã tham mưu cho TP về thực trạng, nhưng sự vào cuộc của cấp huyện, đặc biệt phía xã là chưa quyết liệt.
Phó Giám đốc Sở VH&TT Hà Nội Trương Minh Tiến trả lời câu hỏi của độc giả tại buổi tọa đàm.
Cuối năm 2017, xã đã có báo cáo lên huyện xin chủ trương, hướng dẫn tu bổ đình. Sau đó Phòng Văn hóa huyện cũng đã có hướng dẫn về thủ tục. Riêng về thủ tục tu bổ đình Lương Xá, tuy chưa được xếp hạng nhưng nằm trong danh mục quản lý nên chắc chắn địa phương phải ý thức được việc xin phép này rồi. Thủ tục xin phép này cũng không rườm rà, rất tiếc là địa phương không làm được. Đến bây giờ đã bê tông hóa gần hết rồi, tới đây Sở VH-TT sẽ tham mưu cho TP, bàn với huyện có phương án xử lý thích hợp.
Bạn đọc Phan Thu Phương (thuphuong2012@gmail.com) hỏi:
Xin ông chia sẻ về những khó khăn trong thu hút nguồn vốn xã hội hóa cho các dự án tu bổ di tích, cũng như quá trình giám sát hoạt động của nhà đầu tư, nhà hảo tâm trong quá trình thực hiện các dự án này?
Tọa đàm trực tuyến “Tìm giải pháp giảm thiểu các vi phạm trong công tác tu bổ di tích” - Ảnh 10
Ông Vũ Hồng Hải trả lời:
Đối với các địa phương và huyện ngoại thành, chúng tôi vẫn gặp nhiều khó khăn trong tìm nguồn kinh phí cho tu bổ các di tích.
Quyết định 41 của UBND TP Hà Nội  đã phân cấp rõ ràng về quản l‎‎ý và tài chính tuy nhiên thẩm quyền còn chưa rõ. Ví dụ, toàn bộ di tích được xếp hạng cấp quốc gia, tỉnh, TP được giao cho huyện quản lý‎ nhưng kế hoạch sửa chữa quy mô nhỏ cũng phải lập hồ sơ thiết kế kỹ thuật. Bên cạnh đó, các di tích xuống cấp khẩn cấp, vẫn phải lập hồ sơ khoa học trình các cấp có thẩm quyền thẩm định. Việc này trì hoãn quá trình tu bổ các di tích, ảnh hưởng đến hiệu quả duy tu, bảo tồn.
Về phương thức huy động vốn, từ năm 2010 tới nay, mỗi năm huyện chi 1 - 1,5 tỷ VNĐ cho 15 - 20 di tích. Ở mỗi di tích đều huy động nhân dân đóng góp gấp nhiều lần để tu bổ. Đây cũng là một kênh vốn hiệu quả.
Việc một số cá nhân lợi dụng việc đầu tư kinh phí để lạm dụng tu bổ các di tích hầu như không đáng kể. Trách nhiệm của Huyện là hướng dẫn các nhà đầu tư, nhà hảo tâm thực hiện đúng, tạo điều kiện cho họ triển khai các dự án hiệu quả.
Theo đó, chúng tôi có 5 kiến nghị gửi tới chính quyền TP:
Thứ nhất, có sự thống nhất quản lý nhà nước về đất đai trong lĩnh vực tôn giáo, tin ngưỡng, nên giao cho chính quyền cơ sở địa pphương quản lý, không giao cho cơ sở tôn giáo.
Thứ hai, về phân cấp quản lý, đề xuất giao thẩm quyền phê duyệt chủ trương, thỏa thuận chuyên ngành, thẩm định hồ sơ thiết kế bảo tồn cho cấp huyện đối với các di tích chưa xếp hạng.
Thứ ba, giảm bớt thủ tục hành chính, đầu tư tu bổ di tích.
Thứ tư, đề nghị TP ưu tiên đầu tư kinh phí cho các huyện ngoại thành nhiều hơn nội thành trong lĩnh vực tu bổ di tích.
Thứ năm, đề nghị TP có nghị quyết chuyên đề về phát huy di sản, di tích trên địa bàn Thủ đô. 
Bạn đọc Nguyễn Văn Duy ((Gia Lâm, Hà Nội)) hỏi:

Hiện nay, có nhiều mạnh thường quân, doanh nghiệp sẵn sàng bỏ kinh phí để trùng tu, tu bổ di tích, việc này khiến nhà đầu tư lấn át trong thiết kế xây dựng trung tu di tích. Vì vậy, cơ quan quản lý có thể hỗ trợ các di tích về phần thiết kế được không? Xin các khách mời cho ý kiến về vấn đề này?

Tọa đàm trực tuyến “Tìm giải pháp giảm thiểu các vi phạm trong công tác tu bổ di tích” - Ảnh 11
PGS.TS Phạm Mai Hùng trả lời:
Quá nhiều di tích hiện nay bị làm mới, vì xu hướng thích hoành tráng của một số cá nhân, đặc biệt các cá nhân có nguồn tiền xã hội hóa hỗ trợ công tác tu bổ. Theo các vị khách mời, nên đề ra thêm quy chế, quy định gì để để giảm thiểu sự ý kiến có tính tiên quyết của các nhà hảo tâm nhưng lại không đúng với nguyên tắc tu bổ?
Đối với hiện tượng này, tôi cho rằng, các cấp chính quyền đã biết nhưng chưa khắc phục được, bởi vướng ở hai vấn đề. Thứ nhất là vấn đề phương hướng phát huy giá trị các di tích vẫn chưa có sự giám sát chặt chẽ từ phía cấp chính quyền. Thứ 2, đúng là hiện nay xuất hiện nhiều hiện tượng các kiến trúc sư thực hiện việc thiết kế bảo tồn lại các di tích theo yêu cầu của phía nhà đầu tư, tôi cho rằng, những nhà thiết kế khi thực hiện việc bảo tồn cần phải chấp hành một cách nghiêm chỉnh luật Di sản Văn hóa, đồng thời phải là người có tâm với di sản, chứ nếu chỉ làm theo nhu cầu của nhà đầu tư thì không nên.
Tuy nhiên, hiện nay cũng có nhiều di tích được phục dựng lại hoàn toàn, song vẫn đảm bảo được những nét thiết kế theo kiến trúc truyền thống, điển hình như chính điện của khu di tích Lam Kinh, cả công trình được phục hồi hoàn toàn bằng kiến trúc gỗ lớn một cách nghiêm chỉnh sử dụng hàng nghìn mét khối gỗ lim từ Lào, theo đúng kích thước, chu vi của các hàng cột, chiều cao công trình, chính điện đã được phục hồi một cách hoàn hảo theo mô thức kiến trúc thời Lê.
Còn đối với vụ việc bê tông hóa đình Lương Xá, huyện Ứng Hòa, dân và DN đóng tiền, tìm một nhà thiết kế, theo khuynh hướng nghe theo ý của nhà đầu tư điều này cho thấy bản thân người thiết kế không có tâm. Tuy nhiên, việc nhà đầu tư chưa có tâm có thể là một ví dụ điển hình cho thấy khoảng cách giữa nhiệm vụ quản lý hồ sơ của cấp chính quyền và thực hiện bảo tồn vẫn còn một khoảng cách. Hiện nay, tại Hà Nội có tới 1.500 di tích đã và đang bị xuống cấp, tuy nhiên với khối lượng lớn như vậy, rất khó để phụ thuộc hoàn toàn vào nguồn ngân sách của TP. Bởi, nguồn ngân sách của TP chưa thể đầu tư hoàn toàn cho tất cả các di tích đang xuống cấp, mà chỉ tập trung cho một số di tích bị xuống cấp một cách trầm trọng, do vậy việc bảo tồn các di tích vẫn cần có sự huy động từ nguồn lực xã hội. Tuy nhiên, các cấp chính quyền cần vận dụng và quản lý một cách chặt chẽ đối với việc bảo tồn các di tích văn hóa được huy động nguồn vốn xã hội hóa.
Bạn đọc Phạm Thị Mỹ Ngọc ((Ứng Hòa, Hà Nội)) hỏi:
Trong trùng tu, tôn tạo di tích cần nhiều vật liệu liên quan đến gỗ, đặc biệt là các loại gỗ quý, trong khi đó hiện nay gỗ quý hiếm rất khó tìm. Vậy xin các khách mời cho biết, trong trùng tu, tu bổ di tích có được dùng vật liệu mới thay thế hay không?
Tọa đàm trực tuyến “Tìm giải pháp giảm thiểu các vi phạm trong công tác tu bổ di tích” - Ảnh 12
TS Nguyễn Viết Chức trả lời:
Có thể nói, di sản không phải “nhất thành bất biến” mà có những bổ xung nhất định qua từng thời kỳ. Nhưng cái nào có thể thay thế được là không hề đơn giản phải thận trọng. Nhưng tôi cho rằng cần giữ cái gì nguyên gốc, không thể không giữ thì giữ, còn cái nào phải thay thế thì cần thay thế.
Trong di sản thì ý nghĩa phi vật thể là vô cũng quan trọng, nếu thay thế mà làm mất đi ý nghĩa này thì không được thay thế. Thay hay không thay phải giữ được gốc, nếu thay thế làm tôn vinh thêm ý nghĩa thì đáng làm.

Về vấn đề này, ông Trương Minh Tiến - Phó Giám đốc Sở VH&TT Hà Nội thông tin thêm:
Việc sử dụng những loại vật liệu mới trong tu bổ di tích, theo tôi đây là vấn đề khoa học. Chắc chắn các bộ, ngành liên quan đã tính đến chuyện này. Nhưng hiện tại, chưa có hướng dẫn chính thức thức từ Bộ Văn hóa.
Cụ thể: Khi muốn thay 1 cột đình gỗ lim đã hư hỏng bằng vật liệu bê tông có được không? Hiện chưa có hướng dẫn chính thức, nhưng chúng ta phải dựa trên nguyên tắc tôn trọng yếu tố gốc của di tích để tìm loại vật liệu thay thế cho phù hợp.

Bạn đọc Vũ Hương ((Ba Đình, Hà Nội)) hỏi:

Qua những ý kiến của các chuyên gia đã phát biểu về vấn đề biến dạng di tích, trách nhiệm về phía Sở như thế nào?

Tọa đàm trực tuyến “Tìm giải pháp giảm thiểu các vi phạm trong công tác tu bổ di tích” - Ảnh 13
Ông Trương Minh Tiến trả lời:
Công tác bảo tồn, tu bổ, phát huy giá trị di tích thời gian qua tuy đạt được những kết quả khả quan, nhưng mới chỉ là bước đầu. Ngành văn hóa cũng xác định đây là công tác lâu dài và còn rất nhiều vấn đề đặt ra.
Về phía Sở Văn hóa, tôi đồng tình với ý kiến các vị chuyên gia đã nêu, đây là những ý kiến rất tâm huyết, xác đáng trong công tác tu bổ di tích hiện nay. Trong đó có ý kiến "Phân cấp không có nghĩa là khoán trắng". Sở vẫn xác định trách nhiệm đến cùng trong công tác tu bổ di tích.
Về điều này, những năm qua có các ý kiến cho rằng tại các địa phương không nên phân cấp mà tỉnh, TP trực tiếp quản lý. Nhưng trong Luật Di sản chỉ đề cập đến Chủ tịch UBND tỉnh, TP trực thuộc Trung ương, chứ chưa đến cấp quận, huyện. Cho nên nếu TP Hà Nội không phân cấp quản lý thì rất nguy hiểm. Qua đó có thể thấy chủ trương phân cấp quản lý của TP là rất đúng đắn.
Một vấn đề nữa, Hà Nội hiện có quá nửa số di tích chưa xếp hạng. Vậy số di tích này giá trị không? Xin thưa, trong số các di tích này có những di tích xứng đáng ở cấp quốc gia, cấp TP. Hàng năm Sở đã trình trên, dưới 100 bộ hồ sơ xếp hạng di tích. Tuy nhiên đây là công việc đòi hỏi nhiều thủ tục, yêu cầu hồ sơ khoa học, bản đồ địa chính... do vậy số hồ sơ trình được là chưa nhiều.
Cái nữa, chúng ta phải thống nhất quan điểm, di tích của dân do dân, nhưng Nhà nước là đại diện quản lý. Hiện nay trong phân cấp của TP đã đến chính quyền xã, phường, thị trấn.
Các di tích ở địa phương do Nhân dân dịa phương xây dựng, tạo nên, nhưng khi trở thành di sản phải do Nhà nước quản lý. Chúng ta phải thống nhất nhận thức đó, tránh tình trạng nhiều địa phương coi di tích là tài sản của địa phương, người dân coi đó là tài sản của ông cha họ nên dẫn đến tình trạng "muốn làm gì thì làm".
Trong QĐ 48 của TP có quy định rất rõ, quy trình tu bổ phải xin ý kiến Nhân dân, trong quá trình tu bổ Nhân dân phải được giám sát, nghiệm thu dân cũng phải được biết và tham gia quản lý về sau.
Hiện nay, trong công tác quản lý tu bổ, vấn đề lớn đang là nguồn lực, đây đang là 1 vấn đề rất nan giải. 1 năm ngân sách TP đang phải chi rất nhiều việc, đặt ra việc chống thất thoát, đội vốn đầu tư. Bên cạnh đó các địa phương cần tăng cường huy động nguồn lực xã hội hóa. Nguồn lực TP chắc chắn sẽ có nhưng đây chỉ là 1 phần hỗ trợ, trách nhiệm của các địa phương vẫn rất lớn.
Bạn đọc Ngô Thị Minh Hằng (minhhangvanhoa@gmail.com) hỏi:
Xin các khách mời cho biết trách nhiệm của chính quyền địa phương về việc di tích bị biến dạng trong quá trình thực hiện trùng tu, tôn tạo?
Tọa đàm trực tuyến “Tìm giải pháp giảm thiểu các vi phạm trong công tác tu bổ di tích” - Ảnh 14
TS Nguyễn Viết Chức trả lời:
Giữ gìn di sản là đến từ Nhân dân bởi vì đó là đời sống của họ. Từ đó phải dựa vào dân, không dựa vào dân thì không giữ gìn di sản được. Kinh nghiệm thời tôi còn làm Giám đốc Sở Văn hóa - Thông tin Hà Nội, khi đó chưa có tiền, từ đó trùng tu phải từ từ không được nhanh như bây giờ. Nhưng chúng tôi tranh thủ được Nhân dân, tranh thủ được chuyên gia nên mới hạn chế xảy ra những vụ việc đáng tiếc. Trước tình trạng trong thời gian gần đây xảy ra nhiều vụ, vì vậy chúng ta cần tìm giải pháp để giảm thiểu đến mức ít nhất những sự cố.
TS Nguyễn Viết Chức trả lời câu hỏi của độc giả.
Bức tranh chung của Hà Nội là tốt trong việc bảo tồn di sản, những năm qua làm được nhiều việc nhưng vẫn để lại các hạt sạn. Cần hiểu rằng bảo tồn di sản không phải khoán trắng cho bất cứ đơn vị quản lý nào cả, đây là trách nhiệm của chính quyền các cấp và nhân dân.
Về trường hợp đình Lương Xá (Ứng Hòa), văn bản có rồi nhưng nhận thức chưa đầy đủ khi ai là chủ di sản và trùng tu thế nào cho đúng. Người dân địa phương rất muốn trùng tu nhưng phải đúng quy định. Kiến nghị TP cần tiếp tục kinh phí cho cán bộ cơ sở để nắm sát địa phương.
Cần có sự phối hợp các cấp trong công tác bảo vệ, trùng tu di tích, di sản, qua đó quy rõ trách nhiệm cho đối tượng cụ thể. Nhưng trách nghiệm phải cụ thể từng người ở cơ sở, từ đó cải thiện mới giải quyết được vấn đề.
Ngay nay, kinh phí trùng tu di sản của Nhà nước giờ tốt hơn nhiều so với thời tôi còn công tác nhưng vẫn chưa đủ, cần dựa vào nguồn lực từ người dân. Tất cả phải vì di sản chứ không phải vì cái này là của anh kia, cái kia của anh này. Đặc biệt, không thể không mời các chuyên gia tham gia vào công tác trùng tu, bảo tồn di sản.

Về phía địa phương, ông Vũ Hồng Hải - Phó Trưởng phòng Văn hóa & Thông tin huyện Phúc Thọ chia sẻ về những vướng mắc, khó khăn trong công tác vận động bảo tồn di tích

Huyện Phúc Thọ thường xuyên mời lãnh đạo Sở, ngành; đại diện  ban quản lý di tích, cũng như các chuyên viên, chuyên gia đầu ngành về địa phương tuyên truyền, tập huấn về bảo tồn, duy tu di tích. Quá trình tuyên truyền được thực hiện thường xuyên, thậm chí được ghi hình, ghi âm gửi cho từng cơ sở.

Cho đến nay, người dân huyện Phúc Thọ đã chủ động xin phép cơ quan chính quyền để trùng tu, tu bổ các di tích trên địa bàn. Việc người dân có nguyện vọng trùng tu di tích là điều tích cực, tuy nhiên quá trình thực hiện và hướng dẫn thực hiện hiệu quả, đúng theo luật di sản cũng như các chế tài liên quan là câu chuyện dài.

Ông Vũ Hồng Hải trao đổi tại buổi tọa đàm. 

Một số di tích từ kháng chiến chống Mỹ được trưng dụng làm trường học, nhà kho, nơi ở quân đội… bị hư hỏng, xuống cấp nghiêm trọng. Cho đến nay, qua thời gian dài, việc tìm cơ sở để trùng tu đúng và hiệu quả những di tích này cũng rất khó khăn.

Bên cạnh đó, công tác cán bộ  bao gồm điều chuyển, điều phối cán bộ văn hóa vẫn còn vấn đề. Từ năm 2007 cho đến nay, sự phát triển kinh tế xã hội ngày càng tăng, công tác cán bộ ngày càng hoàn thiện. 100% công chức văn hóa tại cơ sở là đại học , tuy nhiên, việc điều chuyển điều phối còn chồng chéo, dẫn đến nhận thức về di tích, di sản của một số bộ phần còn chưa đầy đủ.

Bên cạnh đó, phòng Văn hóa & Thông tin còn triển khai nhiều công tác khác như quản lý nhà nước về văn hóa, kinh doanh dịch vụ, xuất bản, báo chí… Bảo tồn di sản chỉ là một phần nhỏ. Trong khi đó biên chế ngày càng ít, ở cấp xã chỉ có 1 công chức xã hội văn hóa chủ yếu là do Ban quản lý di tích (BQL) chịu trách nhiệm. Mỗi di tích được xếp hạng đều có BQL tuy nhiên hầu hết là các vị trí kiêm nhiệm, còn lại là tự nguyện từ người dân cơ sở, chứ không có chế độ.

Kinh phí dành cho tu bổ di tích là xã hội hóa, hồ sơ tu bổ cần sự cấp phép từ các cấp.Do đó, cũng cần sự phối hợp, hướng dẫn chu đáo từ các bộ ban ngành, nhà đầu tư và chính quyền địa phương. Tôi đề xuất nhà nước bổ sung cơ chế hỗ trợ kinh phí lập hồ sơ thiết kế báo cáo kinh tế kỹ thuật ở các dự án tu bổ di tích bằng nguồn vốn xã hội hóa để công tác triển khai được hiệu quả hơn".

Bạn đọc Trần Thị Hồng (18hongtran@gmail.com) hỏi:

Thời gian qua, nhiều vụ vi phạm về tu bổ, di tích diễn ra như tại: Chùa Trăm Gian (Chương Mỹ), chùa Hương (Mỹ Đức), chùa Khúc Thủy (Thanh Oai) và gần đây nhất là vụ việc đình Lương Xá (Ứng Hòa) tạo ra một vài điểm "nóng" trên TP Hà Nội, với góc nhìn các chuyên gia, rất mong ông chia sẻ quan điểm về vấn đề này?

Tọa đàm trực tuyến “Tìm giải pháp giảm thiểu các vi phạm trong công tác tu bổ di tích” - Ảnh 17
PGS.TS Phạm Mai Hùng trả lời:

Tôi nghĩ 2 năm trở lại đây, trên các phương tiện thông tin đại chúng đã đưa nhiều thông tin liên quan tới những sai phạm ở chùa Trăm Gian hay chùa Hương, nhưn suy cho cùng TP Hà Nội đã có những cố gắng trong vấn đề bảo tồn di sản, điển hình như việc TP đã ban hành nhiều văn bản có tính pháp lý, cụ thể và tương thích với việc phát triển và bảo tồn di tích. Bởi vậy, Hà Nội được báo chí quốc tế mệnh danh là Thủ đô của di sản, Hà Nội có 5.922 di sản, 1.000 di tích được xếp hạng di tích quốc gia. Trong đó, Hà Nội có di sản Kiến trúc lịch sử Hoàng thành Thăng Long được công nhận là Di sản văn hóa thế giới.

PGS.TS Phạm Mai Hùng trả lời câu hỏi của độc giả tại buổi tọa đàm.

Có thể nói, trong thời qua, Hà Nội thực sự rất quan tâm tới việc đầu tư bảo tồn di sản. Điển hình như từ năm 2010 - 2012, ngân sách cũng như từ nguồn huy động xã hội hóa cho bảo tồn di sản đã đạt 2.950 tỷ đồng. Trong năm 2013, ngân sách TP và nguồn vốn huy động xã hội hóa cho bảo tồn di sản đạt 830 tỷ đồng. Trong thời gian quan, Thủ đô đã thực hiện việc bảo tồn cho 1.475 di tích.

Trường hợp vi phạm di tích như chùa Hương, chùa Trăm Gian, chùa Khúc Thủy, đình Lương Xá… chỉ là một trong những điểm nhỏ trong tổng thể các di sản của Thủ đô, điều đó chưa thể làm mất đi giá trị của di sản Thủ đô. Tuy nhiên, đối với việc bảo tồn di sản văn hóa, TP Hà Nội cũng cần có sự quan tâm đặc biệt. Nhất là trong việc lựa chọn phương thức bảo tồn.

Như vụ việc bê tông hóa đình Lương Xá, huyện Ứng Hòa, việc bảo tồn theo hướng xây mới di tích bằng kết cấu bê tông thực sự đã vi phạm Luật Di sản văn hóa liên quan đến công tác bảo vệ và phát huy giá trị của di tích, di sản. Tôi cho rằng, việc bảo tồn những di tích, di sản lâu năm đã xuống cấp là rất cần thiết, song chính quyền các cấp cần lựa chọn những phương thức phù hợp và tương thích với di tích, di sản văn hóa đó để trùng tu, tu bổ, chứ không nên đơn giản hóa bằng việc bê tông hóa những di tích văn hóa. Chính quyền địa phương cần sự tham gia ý kiến của người dân sở tại, đặc biệt là tham khảo ý kiến các chuyên gia để có giải pháp khi tu bổ di tích, di sản đảm bảo các điều kiện cần thiết để còn nguyên gốc.

Ngoài ra, quá trình tu bổ di tích, di sản phải được triển khai dưới sự giám sát thường xuyên và nghiêm ngặt của tư vấn giám sát và cộng đồng cư dân nơi có di tích cũng như chính quyền địa phương.

Bạn đọc Nguyễn Văn Hà (havan.3009@gmail.com) hỏi:

Xin ông cho biết về tình hình quản lý di tích trên địa bàn TP Hà Nội hiện nay?

Tọa đàm trực tuyến “Tìm giải pháp giảm thiểu các vi phạm trong công tác tu bổ di tích” - Ảnh 19
Ông Trương Minh Tiến trả lời:
Hà Nội là Thủ đô nghìn năm văn hiến, có lịch sử lâu đời của nước ta. Cách đây 10 năm, khi Hà Nội mở rộng địa giới hành chính, số lượng di tích đã tăng thêm hơn 3 nghìn. Hiện nay số lượng di tích trên địa bàn là 5.922, là địa phương có số lượng di tích lớn nhất cả nước.
Trong những năm qua, Sở Văn hóa & Thể thao đã tích cực tham mưu cho TP trong công tác quản lý tu bổ, phát huy giá trị di tích, công tác này đã đạt được kết quả rất tích cực và từng bước phát huy hiệu quả.
Phó Giám đốc Sở VH&TT Hà Nội Trương Minh Tiến phát biểu tại buổi tọa đàm.
Trước hết, Sở tham mưu TP thực hiện công tác quản lý di sản, đến năm 2015 tổng kiểm kê di tích trên địa bàn TP có hơn 5.000 di tích. Đây là số lượng di tích vừa lớn, vừa phong phú với các loại hình di tích rất có giá trị. Tuy nhiên, lượng di tích lại phân bố trải dài, đặt ra yêu cầu trong công tác quản lý rất nhiều vấn đề.
Ý thức điều đó, năm 2016, Sở đã tham mưu TP ban hành Quyết định 48, phân cấp quản lý phát huy giá trị di tích.
Hiện, TP chỉ giữ lại 10 di tích tiêu biểu, trong đó giao Sở quản lý 8 di tích. Còn trên 5.000 di tích (trong đó có hơn 50% di tích chưa xếp hạng) TP giao trách nhiệm cho quận huyện, thị xã.
Nhưng dù là di tích quốc gia, TP hay chưa được xếp hạng, công tác bảo tồn di tích đều có trách nhiệm của chính quyền địa phương trong công tác phối hợp quản lý.
Bên cạnh phân cấp quản lý nhà nước, ngành Văn hóa vẫn được TP giao nhiệm vụ công tác quản lý nhà nước, đặc biệt hướng dẫn về mặt chuyên môn, có nghĩa là vai trò, trách nhiệm của Sở vẫn là chính yếu trong công tác quản lý, bảo tồn di tích trên địa bàn TP.
Về Quyết định phân cấp quản lý di tích của TP, trong nhiều năm qua đã chứng minh đây là 1 chủ trương đúng đắn, do vậy công tác quản lý nhà nước đã được tăng cường thêm 1 bước.
Cái được trong thời gian qua, đặc biệt 10 năm, nhận thức đã được nâng lên, nguồn lực được tăng cường...
Tuy nhiên, vẫn còn có những khó khăn như: Nhận thức của 1 số địa phương, người dân vùng di tích chưa được tốt. Trách nhiệm 1 số cấp, ngành chưa được cao.
Việc huy động nguồn lực cho công tác này tuy đã có kết quả nhưng theo yêu cầu chưa được nhiều...
Thống kê cho thấy, có 500 di tích cần tu bổ, trong đó hơn 200 di tích cần tu bổ ngay. Nhiều di tích tại nội thành do ngân sách kết hợp với nguồn lực xã hội hóa đã được thực hiện khá tốt. Trong khi đó, tại các huyện, do khả năng cân đối còn khó khăn nên công tác tu bổ, bảo tồn rất hạn chế.
Thời gian gần đây, Sở  đã tham mưu cho TP xây dựng đề án để hỗ trợ các quận huyện tu bổ di tích. Theo quyết định mới nhất của TP, ngân sách TP hỗ trợ các di tích quốc gia đặc biệt, kháng chiến... nhưng cần nguồn vốn đối ứng tại các địa phương.
Bên cạnh đó các địa phương phải nâng cao công tác xã hội hóa để nâng cao trách nhiệm của người dân.
Hiện, Sở Văn hóa đang phối hợp với các sở, ngành, trước hết tập trung vào các huyện đang khó khăn. Phải chống sập, tu bổ những di tích đang xuống cấp nghiêm trọng ngay.
Cũng chính vì những hạn chế trên mà trong thời gian qua đã xảy ra 1 số sự cố đáng tiếc như ở chùa Hương; chùa Trăm Gian; chùa Khúc Thụy... Nguyên nhân một phần do người chăm lo di tích và chính quyền địa phương chưa thể hiện trách nhiệm cao.