Tránh việc “chính quyền xa dân”

Trần Hà
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Như các nhà nghiên cứu đã chỉ rõ, trong Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, một tư tưởng nổi bật là tư tưởng trọng dân, vì dân, vì con người, đang có ý nghĩa thiết thực cả về lý luận và thực tiễn, vẫn còn nguyên giá trị cho chúng ta hôm nay học tập và làm theo.

Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP Hà Nội Nguyễn Thị Bích Ngọc tiếp công dân thường kỳ tại quận Hà Đông ngày 16/7. Ảnh: Vy Hà
Tư tưởng còn nguyên tính thời sự
Sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn luôn đánh giá đúng vai trò của Nhân dân trong tiến trình lịch sử, sự nghiệp cách mạng. Như năm 1942, khi Đại tướng Võ Nguyên Giáp có hỏi Bác: Sự nghiệp của chúng ta bắt đầu từ đâu? Bác đã trả lời, “bắt đầu từ dân”; “có dân sẽ có tất cả”. Những câu nói giản dị này đã đánh giá sự vĩ đại trong tầm nhìn của Bác về Nhân dân. Năm 1945, cách mạng Tháng Tám thành công, Bác đã nói, việc gì có lợi cho dân phải hết sức làm, việc gì có hại cho dân phải hết sức tránh. Chính quyền của ta là công bộc của dân, gánh việc chung cho dân, chứ không phải là người thống trị, cai trị dân. Đó là tư tưởng đặc sắc của Hồ Chí Minh. Đồng thời, còn thể hiện ở khía cạnh, mọi việc đều phải được bàn bạc, thảo luận với Nhân dân trước khi quyết định.

Trong tác phẩm "Sửa đổi lối làm việc" (tháng 10/1947) Bác đã khẳng định nội dung này rất rõ. Vì sao phải làm như vậy? Theo Bác, bởi vì, nhiều khi người dân giải quyết vấn đề nhanh gọn, chóng vánh và hiệu quả mà có khi đoàn thể to tát, hay cán bộ lãnh đạo cấp cao ngồi nghĩ mãi không ra. Vì vậy, hãy thảo luận với dân để “gỡ” vấn đề. Tư tưởng của Bác Hồ còn nguyên giá trị trong thời đại ngày nay.

Như các nhà nghiên cứu đã chỉ ra, trong Di chúc, khi đề cập đến việc chăm lo cuộc sống con người gắn liền xây dựng lại đất nước to đẹp hơn, Người lưu ý, đó là những việc nặng nề, to lớn, phức tạp. PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc (nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng) nhận định, thực tiễn phát triển đất nước suốt 50 năm qua, Đảng, Nhà nước đã động viên toàn dân, dựa vào sức mạnh của Nhân dân để xây dựng đất nước “lấy dân làm gốc” động viên sức dân để làm lợi cho dân. Chính lợi ích, nguyện vọng và sáng kiến của Nhân dân là nguồn gốc quan trọng của đường lối đổi mới, khi đã có đường lối đổi mới, cũng chính các tầng lớp Nhân dân là người hưởng ứng thực hiện và đã đem lại những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử.

Và chuyển động trong thực tiễn

Thực tiễn hiện nay cũng cho thấy, đã có những sự chuyển động tích cực trong việc xây dựng ý thức tôn trọng Nhân dân, vì dân. Người đứng đầu các cấp từ T.Ư đến địa phương thường xuyên tiếp xúc, lắng nghe ý kiến và thể hiện ý thức tôn trọng Nhân dân. Nhiều địa phương đã thực hiện rất tốt việc tiếp xúc, đối thoại trực tiếp của người đứng đầu cấp ủy Đảng, chính quyền với Nhân dân. Nhiều lãnh đạo đứng đầu các tỉnh, thành cũng đã trực tiếp đến nơi xảy ra vấn đề “nóng”, bàn bạc, đối thoại thẳng thắn với người dân, tìm ra giải pháp, tháo gỡ. Đó chính là sự tôn trọng Nhân dân một cách thiết thực nhất.

Như tại Hà Nội, với tinh thần trọng dân, gần dân và vì dân, Thành ủy luôn xác định công tác đối thoại với dân, tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo của dân là một nhiệm vụ chính trị quan trọng và tập trung chỉ đạo quyết liệt, để tháo gỡ kịp thời những vướng mắc trong đời sống của người dân, góp phần xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh từ cơ sở. Các Chỉ thị, Nghị quyết, văn bản chỉ đạo liên quan đến vấn đề này đã được ban hành và thực thi hiệu quả; các cuộc đối thoại giữa người dân và chính quyền định kỳ và đột xuất liên tục được tổ chức. Đồng thời, để tránh việc “chính quyền xa dân”, TP cũng liên tục có văn bản, chỉ đạo yêu cầu thực hiện tốt việc tiếp thu ý kiến phê bình, góp ý kiến xây dựng của Nhân dân về công tác quản lý, điều hành, thái độ và phong cách làm việc của cán bộ, công chức, viên chức...; thực hiện việc đánh giá sự hài lòng của người dân đối với sự phục vụ của các cơ quan hành chính nhà nước và đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức theo quy định... Với cách làm dân chủ, thẳng thắn, trách nhiệm của các cấp, đã góp phần hạn chế số vụ khiếu kiện, tố cáo vượt cấp, tăng cường sự tham gia của người dân vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội địa phương, tạo thêm niềm tin của Nhân dân vào các đường lối, chủ trương của Ðảng, Nhà nước, cũng như của TP.

Tuy nhiên, từ thực tiễn cũng cho thấy, tình trạng quan liêu cũng là một “nguy cơ” vẫn được nhắc đến. Trong quá trình lãnh đạo, Bác Hồ cũng luôn cảnh báo tình trạng này. Quan liêu, xa dân, rồi đến ngại tiếp xúc với dân, đặc biệt khi có chức có quyền, từ đó, dẫn đến những thờ ơ, vô cảm với cuộc sống của dân. Để triệt tiêu tư tưởng cho rằng bản thân “có quyền”, “được quyền” với dân, nguyên Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Vũ Mão cho rằng, vấn đề chính là người lãnh đạo phải nhìn nhận thấu đáo về việc “nghe dân nói, nói cho dân nghe”. Bởi thực tế, người có thẩm quyền tiếp xúc, trao đổi với dân, cũng là cơ hội để giải thích, tuyên truyền chủ trương, chính sách, pháp luật, hòa giải, phòng ngừa từ xa các vướng mắc, mâu thuẫn, điểm nóng trong dân. Đồng thời, qua đối thoại thực tiếp, cũng tiếp nhận những phản ánh để đề xuất bổ sung vào hệ thống pháp luật, để đặt chính sách cho đúng.