[Văn hóa Hồ Chí Minh sáng mãi với đời thường] Bài 3: Để Bác ngồi chung với mọi người!

Giao Hưởng
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hồ Chí Minh là một nhà văn hóa lớn chính bởi sự kết hợp hài hòa giữa dân tộc với quốc tế, giữa giai cấp với nhân loại, giữa truyền thống với hiện đại trên cơ sở chủ nghĩa nhân văn vì hạnh phúc và sự hoàn thiện của con người. Kỷ niệm 130 năm Ngày sinh Bác Hồ kính yêu (19/5/1890 - 19/5/2020), Kinh tế & Đô thị trân trọng giới thiệu tới bạn đọc loạt ghi chép Văn hóa Hồ Chí Minh sáng mãi với đời thường.

Bài 3: Để Bác ngồi chung với mọi người!

Năm 1957 Bác về thăm quê Nghệ An lần thứ nhất, lãnh đạo Tỉnh ủy và UBND tỉnh chỉ định ông Nguyễn Văn Phượng, cán bộ Văn phòng Tỉnh ủy, ông Đặng Thọ Cán, Chánh Văn phòng UBND tỉnh, tiếp cận phục vụ Bác. Ngày ấy Trụ sở Tỉnh uỷ đóng ở cửa tả, Trụ sở UBND tỉnh đóng tại Sân vận động TP Vinh bây giờ.

Khi nhận nhiệm vụ hai ông chỉ biết đón một đoàn khách T.Ư, chưa biết đón Bác Hồ. Ngày ấy nhà của Thường vụ Tỉnh ủy chỉ có 3 gian, gian giữa tiếp khách, một gian làm chỗ ở của đồng chí Nguyễn Chí Thanh - Bí thư Khu ủy Liên khu IV, một gian làm chỗ ở của đồng chí Nguyễn Trường Khoát - Bí thư Tỉnh ủy, thế nên ông Khoát tạm sơ tán để Văn phòng dọn dẹp thu xếp làm chỗ nghỉ của khách. Chiều tối 13/6/1957, các đồng chí Thường vụ Tỉnh ủy mới biết tin Bác về thăm quê.

Bác về thăm quê lần thứ nhất 1957. Trong ảnh, Bác đến thăm công trường xây dựng nhà máy điện Vinh.

Tối 13/6, Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa Ngô Thuyền dẫn đầu đoàn tháp tùng Bác đến khe Nước Lạnh giáp giới Thanh Hóa - Nghệ An, tại đây các đồng chí Hoàng Văn Diệm - Phó Chủ tịch Liên khu IV, Nguyễn Trường Khoát - Bí thư Tỉnh ủy, Nguyễn Sỹ Quế - Chủ tịch UBND tỉnh, đã có mặt chờ đón Bác. Đêm ấy thời tiết tốt, xe Bác vào thẳng Hội trường Tỉnh ủy, mọi người đang nóng lòng chờ Bác. Đồng chí Nguyễn Chí Thanh chỉ đạo: "Sau gần một ngày ô tô trên lộ trình 300 cây số QL1A đang vừa đường vừa... ruộng, Lễ đón phải ngắn gọn để Bác nghỉ".

Sáng hôm sau, Bác dậy rất sớm tập thể dục, rồi cùng các anh Nguyễn Chí Thanh, Nguyễn Trường Khoát bách bộ khắp khu vực cơ quan, Bác khen:

- Vừa từ nơi sơ tán về, Tỉnh ủy làm được nhiều nhà thế này là tốt!

Bác hỏi đồng chí Khoát:

- Làm được mấy nhà rồi chú?

Bí thư Tỉnh ủy lúng túng vì việc xây dựng Trụ sở giao cho Ban Tài chính quản trị đảm trách, đến như Phó Chánh Văn phòng Tỉnh ủy cũng không biết, cách làm việc ngày ấy là thế. Trong lúc ông Khoát và ông Phượng đang nhẩm đếm nhà nào đã xong nhà nào đang xây dở, thấy vậy Bác cười:

- Ơ hay, bây giờ các chú mới đếm à?

Như học trò nhỏ được gọi lên bảng không thuộc bài, ông Khoát gãi đầu:

- Dạ thưa Bác, vì nhiều việc quá cháu chưa kịp nắm ạ!

Bác Hồ thăm quê lần thứ nhất năm 1957, đi cùng Bác có đồng chí Nguyễn Chí Thanh - Bí thư Khu ủy Liên khu IV, đồng chí Nguyễn Trường Khoát - Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An.

Bác nhẹ nhàng:

- Chú nhớ, dù bận trăm công ngàn việc, từ việc lớn đến việc nhỏ trong cơ quan cũng phải biết!

***

Sáng ngày 14/6/1957 Bác gặp Ban Chấp hành Tỉnh ủy. Tối 14/6, Bác gặp đoàn chuyên gia đến từ khắp các nước Cộng hòa thuộc Liên Xô đang giúp ta xây dựng Nhà máy điện Vinh. Trước thềm cuộc gặp thú vị này có một chuyện nhỏ đọng lại bài học lớn trong cuộc đời hai cán bộ văn phòng.

Chuyện là suốt chiều 14/6, ông Phượng, ông Cán lo sửa soạn Hội trường Tỉnh ủy để tối Bác gặp các chuyên gia. Chừng 17 giờ công việc gần xong, Bác bách bộ vào Hội trường, Bác mặc bộ quần áo nâu quen thuộc, râu bạc tóc bạc, tay cầm tờ giấy (có lẽ là tài liệu gì đó) Bác hỏi:

- Các chú chuẩn bị để tối nay Bác tiếp chuyên gia Liên Xô tại đây à?

- Dạ!

Bác Hồ thăm quê Kim Liên lần thứ nhất 1957.

Bác đưa mắt nhìn chiếc ghế gụ đặt trang trọng giữa Hội trường:

- Các chú đặt chiếc ghế gụ này để làm gì?

Hai ông đang lúng túng chưa biết trả lời Bác thế nào, Bác hỏi tiếp:

- Có bao nhiêu khách?

- Thưa Bác, có 40 chuyên gia, 20 cán bộ của T.Ư và tỉnh!

- Các chú có đủ 60 chiếc ghế gụ không?

- Thưa Bác, chỉ có 4 chiếc trong phòng Bác tiếp khách, chúng cháu mang đến một chiếc, toàn cơ quan đang ngồi ghế băng!

- Các chú hãy cất chiếc ghế gụ đi, để Bác ngồi chung với mọi người!

Cất chiếc ghế gụ thì dễ nhưng không biết để Bác ngồi chỗ nào tiếp khách tối nay? Băn khoăn lo lắng song hai ông văn phòng cũng phải khiêng chiếc ghế gụ trả về chỗ cũ. Bác nhìn lên hai chiếc quạt trần trong Hội trường:

- Bữa nay trời nóng, dù cuộc gặp diễn ra ban đêm, liệu hai chiếc quạt có đủ mát cho sáu chục người không?

Hai ông văn phòng lo lắng, Bác nói tiếp:

- Các chú điện sang Thương nghiệp nhờ mua 60 chiếc quạt giấy, không đủ quạt giấy thì quạt lá cọ, quạt mo cau cũng được, miễn là mỗi người một chiếc để mọi người tự quạt lấy!

Bác Hồ thăm quê lần 1 xúc động bồi hồi nhớ lại những kỷ niệm ngày còn thơ ấu...

Buổi tiếp các chuyên gia sử dụng hai thứ tiếng Việt và Nga, đồng chí Sức là phiên dịch tiếng Nga tốt nhất của Nhà máy điện Vinh được giao nhiệm vụ phiên dịch... Bốn chục chuyên gia đến từ các nước Cộng hoà thuộc Liên Xô, khi Bác trực tiếp nói chuyện với từng người thì đồng chí Sức không chuyển ngữ nổi, chẳng là đồng chí Sức chỉ học thứ tiếng Nga Matxcơva phổ thông, Bác bảo:

- Cháu ngồi xuống để Bác nói chuyện trực tiếp với khách!

Bác nói đại ý: Cũng như các nước Cộng hòa thuộc Liên Xô, đất nước Việt Nam vừa ra khỏi chiến tranh đang muôn vàn khó khăn thiếu thốn. Các đồng chí sang giúp Việt Nam xây dựng Nhà máy điện trên quê hương của Bác, mong các đồng chí sớm hoàn thành Nhà máy, có điện là có tất cả!

Bác Hồ về thăm quê Kim Liên lần 1 (1957).

Sau lời mở đầu của Bác cả Hội trường râm ran tiếng Việt, tiếng Nga, sự đồng cảm sẻ chia đã xua đi ranh giới chủ khách. Mọi người vui vẻ cụng bia, ăn hoa quả, bánh kẹo. Đang giữa cuộc vui, các chuyên gia Liên Xô đồng loạt viết lên nan quạt dòng chữ “Chủ tịch Hồ Chí Minh” bằng tiếng mẹ đẻ của mình. Mãn cuộc vui các bạn sung sướng xin được cất giữ những chiếc quạt giấy - sản phẩm thiết thực của dân Nghệ An - trở thành món quà đặc biệt của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Sau khi hoàn thành nhiệm vụ, những kỷ vật do người dân quê Bác chế tác đã được 40 chuyên gia mang về quê hương Cách mạng Tháng Mười!

(Còn nữa)

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần