Vang mãi bản hùng ca bất diệt - Bài 3: Ký ức từ những địa danh lịch sử

Trần Thảo
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - 70 năm trước, tại làng Vạn Phúc (Hà Đông), Chủ tịch Hồ Chí Minh ra “Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến”. Và Thủ đô Hà Nội cũng là nơi mở đầu cho Toàn quốc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược với dấu ấn sự kiện “60 ngày đêm khói lửa”.

  • Vang mãi bản hùng ca bất diệt - Bài 1: Tiếng gọi của non sông
  • Chiến công mở đầu của quân và dân Hà Nội đã cổ vũ, động viên Nhân dân cả nước kháng chiến lâu dài, tiến đến thắng lợi hoàn toàn.

    Ký ức về nơi phát tiếng súng mở màn

    Những địa danh lịch sử ở Thủ đô gắn liền với sự kiện Chủ tịch Hồ Chí Minh có thể kể tới là: Nhà Lưu niệm Bác Hồ (Vạn Phúc, Hà Đông), Nhà máy điện Yên Phụ, Pháo đài Láng (Láng Thượng), Pháo đài Xuân Tảo (Bắc Từ Liêm), Pháo đài Xuân Canh (Đông Anh), Bốt Hàng Đậu, Bến đò Tứ Tổng (Tứ Liên, Tây Hồ), Chợ Đồng Xuân, Nhà hát Lớn, Rạp Tố Như (hiện là Rạp Chuông Vàng), đình Hàng Vải, Nhà lưu niệm Bác Hồ (Thạch Thất), chùa Trầm (Chương Mỹ), chùa Một Mái…

    Trở lại địa danh Pháo đài Láng năm xưa - nơi bắn những loạt đạn pháo đầu tiên, mở màn cuộc Toàn quốc kháng chiến của quân dân ta, chúng tôi gặp cụ Đỗ Văn Đa (nguyên pháo thủ Pháo đài Láng), nhân chứng sống của trận địa Pháo đài Láng. 70 năm đã qua nhưng những ký ức về ngày đầu Toàn quốc kháng chiến dường như vẫn vẹn nguyên trong lòng người chiến sỹ tự vệ 92 tuổi. Là một trong những người đã trực tiếp bắn phát đạn đầu tiên trong đêm 19/12/1946, cụ Đa cho biết, Pháo đài Láng được thực dân Pháp xây trên diện tích 4ha. Pháo đài có 4 khẩu pháo ở 4 góc, gồm 2 khẩu cao xạ 75 ly và 2 khẩu 14,5 ly. Sở chỉ huy ở giữa, tầng dưới là nơi làm việc của viên đại úy chỉ huy pháo đài, tầng trên là đài quan sát. Năm 1945, Nhật đảo chính Pháp và chiếm pháo đài… Sau Cách mạng tháng Tám, Nhật giao lại pháo đài cho quân Tưởng Giới Thạch. Sau ngày quân Tưởng rút, thiếu pháo thủ nên làng Láng có 9 người được gọi vào pháo đài, trong đó có cụ. Để chuẩn bị cho cuộc chiến đấu với giặc Pháp, hàng ngày những pháo thủ làm trận địa giả, chặt vầu rồi sơn đen để giả làm nòng pháo”.

Thế hệ trẻ nghe cụ Đỗ Văn Đa (nguyên pháo thủ Pháo đài Láng) kể về những ngày đầu toàn quốc kháng chiến tại trận địa Pháo đài Láng - nơi bắn những loạt đạn pháo đầu tiên.   Ảnh: Thảo Trần

Rồi cụ say sưa kể lại: "Chiều 19/12, Trung đội trưởng Nguyễn Ưng Gia nói với chúng tôi: Chiều nay ăn cơm sớm, sau đó ai vào vị trí nấy và chờ lệnh. Hơn 20 giờ, nội thành tắt điện tối, khẩu lệnh của Trung đội trưởng Gia vang lên: "Bắn". 6 viên đạn pháo liên tiếp rời nòng lao ra trong đêm tối. Pháo đài Láng phát hỏa, bắn pháo vào sở chỉ huy, kho hậu cần của quân địch trong TP và khu nhà của chúng ở phố Cửa Đông, mở đầu cho kháng chiến toàn quốc ở Thủ đô. Tiếp đó, các pháo đài khác cùng nã pháo vào các vị trí quân giặc đóng ở trong thành. Trinh sát báo về pháo đã bắn trúng đích khiến chúng tôi mừng vui khôn xiết. Tiếp đến ngày 21/12, cấp trên hạ lệnh bắn máy bay, chúng tôi đã bắn rơi một chiếc trong nội thành bằng cách ngắm bắn trực tiếp vì không có máy ngắm. Với những thành tích đó, ngày 22/12/1946, Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp gửi thư khen tinh thần của các chiến sỹ Pháo đài Láng. Các pháo thủ vô cùng phấn khởi, động viên nhau giữ vững trận địa để xứng đáng với niềm tin yêu của Đảng, Bác Hồ và quân dân Thủ đô”.
Ghi nhận những chiến công dũng cảm của quân và dân nơi đây, con phố dẫn vào pháo đài được mang tên phố Pháo Đài Láng. Đây là một trong những điểm tham quan du lịch trong nội thành và được xếp hạng quốc gia năm 1993. Khu di tích Pháo đài Láng ngày nay vẫn còn lưu giữ một khẩu pháo lớn. Bên trong khu di tích còn có nhà trưng bày, lưu giữ nhiều hiện vật quý như mô hình Hà Nội xưa, danh sách cán bộ, chiến sĩ Đại đội Pháo binh Thủ đô tham gia chiến đấu bảo vệ Hà Nội, bằng công nhận Pháo đài là di tích lịch sử - văn hóa và nhiều kỷ vật, tranh ảnh, tư liệu lịch sử, tiêu biểu như: Quả bom ba càng; 5 viên đạn pháo cao xạ 75mm; mã tấu là những vũ khí của tự vệ và bộ đội pháo đài sử dụng trong những ngày Toàn quốc kháng chiến bảo vệ Thủ đô.
Trong số 9 thanh niên làng Láng gia nhập Pháo đài Láng ngày ấy, 2 người hy sinh trong kháng chiến, 6 người đã mất do tuổi cao, chỉ còn lại cụ Đỗ Văn Đa. Dù đã ngoài 90 tuổi nhưng cụ Đa vẫn đang miệt mài "truyền lửa" cho thế hệ sau để họ hiểu hơn về chiến công đánh giặc của lớp người đi trước.
Pháo đài Xuân Tảo - dấu ấn những chiến công hiển hách
Tuy không trực tiếp tham gia chiến đấu, nhưng chứng kiến trận đánh lịch sử “60 ngày đêm khói lửa”, cụ Nguyễn Tiến Đà (90 tuổi, ở tổ dân phố số 4, phường Xuân Tảo, Bắc Từ Liêm), nguyên là cán bộ tiểu đội trưởng đội tự vệ chiến đấu ở đền Sóc (Xuân Tảo) vẫn giữ nguyên những kỷ niệm về không khí sục sôi của ngày đầu toàn quốc kháng chiến.
Nhớ lại thời khắc ấy, cụ Đà kể: Pháo đài Xuân Tảo do Pháp xây dựng từ năm 1938. Vào ngày 19/12/1946 (thời điểm ấy, cụ Đà 19 tuổi) khi đang trực chiến ở đền Sóc (sát Pháo đài Xuân Tảo), cụ thấy đại bác của Pháo đài Xuân Tảo sáng rực. Mỗi phát đại bác nổ rầm sáng rực một góc trời Hà Nội rất hùng dũng.
“Lúc đó, Pháo đài Xuân Tảo còn nguyên 3 khẩu pháo nhưng cự ly của các khẩu pháo bị hỏng, trước đó chỉ là súng phòng không, bắn máy bay 75 ly. Khi tác chiến, cán bộ pháo đài chuyển sang làm súng bắn mặt đất. Sau phát súng hiệu của Pháo đài Láng, một trong 3 khẩu Pháo đài Xuân Tảo do cán bộ pháo đài – Tiểu đội trưởng Doãn Tuế bất ngờ nã những loạt đại bác vào các trụ sở, trạm gác, điểm chốt quan trọng của Pháp. Tiếng pháo đó đã cổ vũ tinh thần quân ta” - cụ Đà bồi hồi nhớ lại.
Cũng như Pháo đài Láng, để ghi nhận những chiến công vang dội của quân và dân nơi đây, Pháo đài Xuân Tảo cũng là một trong những điểm tham quan du lịch trong nội thành và được gắn biển di tích lịch sử cách mạng kháng chiến. Khu di tích Pháo đài Xuân Tảo ngày nay vẫn còn lưu giữ một khẩu pháo lớn. Và đây là nơi thường xuyên diễn ra các hoạt động văn hóa, văn nghệ của người dân phường Xuân Tảo: Chiếu phim lưu động, văn nghệ ngoài trời, tham quan, học tập… , giúp các thế hệ đi sau hiểu và thấm nhuần hơn khí thế của những ngày tháng lịch sử 70 năm trước.
Gắn biển lưu niệm Sự kiện cách mạng kháng chiến “Chiến lũy Ô Cầu Dền”
Sáng 14/12, quận Hai Bà Trưng đã long trọng tổ chức Lễ gắn biển lưu niệm Sự kiện cách mạng kháng chiến "Chiến lũy Ô Cầu Dền" và kỷ niệm 70 năm Ngày Toàn quốc kháng chiến. Tới dự và tham gia cắt băng khánh thành, gắn biển có Phó Bí thư Thành ủy Đào Đức Toàn, Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Văn Sửu Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Nguyễn Văn Phong.
“Chiến lũy Ô Cầu Dền” trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp là điểm quyết chiến của quân dân Liên khu II, nằm trên chiến tuyến phòng ngự liên hoàn 3 cửa ô Đống Mác - Cầu Dền - Đồng Lầm phía Đông - Nam Hà Nội. Tại đây, từ 20/12/1946 - 17/1/1947 đã diễn ra những trận đánh ác liệt, chặn đứng, đẩy lùi các cuộc tiến công của địch; giam chân địch để ban đêm, quân dân Liên khu II luồn sâu, tập kích các vị trí địch trong nội thành, lập nên những chiến công oanh liệt. Thành tích đó đã góp phần cùng quân dân Thủ đô "quyết tử để Tổ quốc quyết sinh" trong 60 ngày đêm, làm thất bại kế hoạch đánh chiếm Hà Nội trong 24 giờ của giặc Pháp, mở đầu cho cuộc kháng chiến toàn quốc cuối năm 1946.
Bức phù điêu "Chiến lũy Ô Cầu Dền" được gắn biển này do nhà điêu khắc Vũ Đại Bình sáng tác, cũng là tác giả tượng đài "Cảm tử để Tổ quốc quyết sinh" đặt tại Vườn hoa Hàng Đậu.
Tại Lễ kỷ niệm, Phó Bí thư Thành ủy Đào Đức Toàn và Bí thư Quận ủy Hai Bà Trưng Nguyễn Văn Nam đã trao quà thể hiện tấm lòng tri ân của lãnh đạo TP, lãnh đạo và Nhân dân quận cho đại diện Ban liên lạc kháng chiến Liên khu II. (Linh Nguyễn)
(Còn nữa)