TP Hồ Chí Minh siết chặt quản lý các loại xe thô sơ

Văn Thân
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Theo thống kê, TP Hồ Chí Minh có hơn 24.000 xe 3, 4 bánh tự chế bị đình chỉ lưu thông, trong đó hơn 3.000 xe của những người thuộc diện hộ nghèo...

Theo Phòng CSGT đường bộ - đường sắt CATP. Hồ Chí Minh, lực lượng CSGT thường xuyên xử lý các trường hợp xe thô sơ vi phạm lỗi vận chuyển hàng hóa cồng kềnh, quá khổ, vượt quá quy định cho phép. Đồng thời, CSGT TP Hồ Chí Minh cũng phối hợp với UBND và các Đội CSGT công an quận, huyện, tiến hành xử phạt gần 1.400 trường hợp xe thô sơ, xe cơ giới ba bánh vi phạm các quy định pháp luật khi tham gia giao thông.
Đáng chú ý có trên 300 trường hợp vi phạm chở hàng hóa cồng kềnh, gần 600 trường hợp vi phạm đi vào đường cấm, khu vực cấm. Việc xử phạt này chủ yếu đối với các hành vi: đi không đúng phần đường, làn đường quy định, đi vào đường cấm, khu vực cấm, chở hàng trên xe vượt quá giới hạn quy định về quá khổ, quá tải, điều khiển xe kéo, xe đẩy…
 Xe thô sơ chở hàng cồng kềnh gây mất an toàn giao thông
Nhiều loại xe cơ giới ba, bốn bánh đang hoạt động tự lắp ráp, không đăng ký, đăng kiểm, thay đổi kết cấu phục vụ cho việc chuyên chở hàng hóa. Điều này đã gây khó khăn cho việc quản lý, hạn chế tai nạn và ùn tắc giao thông.

Nguyên nhân do người sử dụng phương tiện thô sơ không ý thức được mức độ nguy hiểm cao, khi tham gia giao thông. Họ chỉ tập trung vào các lợi ích kinh tế mà xem nhẹ an toàn, sức khỏe và tính mạng của người đi đường. Hơn nữa, việc chấp hành luật giao thông của người điều khiển phương tiện thô sơ vẫn còn thấp.

Lực lượng CSGT sẽ cùng với đơn vị liên quan, gửi thông báo về nơi cư trú đối với các trường hợp người điều khiển xe thô sơ, xe cơ giới ba, bốn bánh vi phạm. Ngoài ra, đơn vị này còn phối hợp với địa phương tổ chức tuyên truyền, vận động chủ phương tiện, các hộ kinh doanh và doanh nghiệp cam kết chấp hành luật khi tham gia giao thông.

Phó Trưởng ban An toàn giao thông TP Hồ Chí Minh Nguyễn Ngọc Tường nhận định, chủ trương cấm xe thô sơ, xe ba, bốn bánh, tự chế đã có từ lâu. Nhìn chung, tình hình hoạt động của các loại phương tiện này có sự chuyển biến rõ rệt. Nhưng ở khu vực ngoại thành, xe thô sơ, tự chế vẫn còn hoạt động, trong đó nhiều trường hợp đã vi phạm luật giao thông. Việc xử phạt, thu giữ xe loại này cũng chưa triệt để vì nhiều nguyên nhân nhưng khó giải quyết nhất là vấn đề sinh kế của các hộ gia đình nghèo.

Ông Tường cho biết thêm, việc kiểm soát các loại phương tiện thô sơ nói trên, cần có kế hoạch lâu dài. Nhưng trước mắt, các ngành chức năng phải kiểm tra, xử lý nghiêm các cơ sở sản xuất, lắp ráp các loại xe ba, bốn bánh tự chế. Nếu những cơ sở lắp ráp này vi phạm sẽ rút giấy phép kinh doanh. Hiệu quả của công tác này phụ thuộc vào sự phối hợp với các đơn vị, ngành liên quan như: CA TP Hồ Chí Minh, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, UBND các quận huyện.

Phải thừa nhận, hoạt động của các loại phương tiện này là tất yếu của một đô thị đang phát triển, trong đó có các lợi ích về kinh tế: sản xuất, thương mại và sinh kế của người dân. Vì vậy, bên cạnh việc siết chặt quản lý, TP Hồ Chí Minh đang tập trung vào việc chuyển đổi nghề, thu hồi, xử lý phương tiện xe ba, bốn bánh không được phép hoạt động theo quy định của Chính phủ.