1.500 người mít tinh kêu gọi nâng cao văn hóa du lịch

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trong khuôn khổ Hội chợ VITM Hà Nội 2016, chiều 16/4, diễn ra Lễ phát động chương trìn...

Kinhtedothi - Trong khuôn khổ Hội chợ VITM Hà Nội 2016, chiều 16/4, diễn ra Lễ phát động chương trình “Nâng cao hình ảnh du khách Việt” với sự tham gia của khoảng 1.500 người.

Phát biểu tại Lễ phát động, ông Vũ Thế Bình - Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam nhận định: Những hành vi thiếu văn hóa của một số bộ phận không nhỏ của những người kinh doanh và khách du lịch Việt ngày càng phổ biến, làm cho hình ảnh người Việt Nam nói chung và du khách Việt nói riêng ngày càng xấu đi.
Hình ảnh tại buổi Lễ phát động chương trình “Nâng cao hình ảnh du khách Việt”
Hình ảnh tại buổi Lễ phát động chương trình “Nâng cao hình ảnh du khách Việt”
“Đã bắt đầu có dư luận, có các bài báo nói về các hành vi xấu của du khách Việt ở nước ngoài và ở trong nước dư luận xã hội cũng đã báo động về các hành vi ứng xử thiếu văn hóa của khách Việt. Những tiêu cực đó ảnh hưởng nhiều đến hình ảnh đất nước, con người Việt Nam và với du lịch thì ảnh hưởng nghiêm trọng. Trong khi cả ngành đang xây dựng hình ảnh Việt Nam, một điểm đến an toàn và thân thiện thì các hành vi xấu xí nói trên đang bôi nhọ lên bức tranh vốn là rất đẹp và đang được trân trọng” - ông Bình nhấn mạnh.

Trước tình trạng này, Hiệp hội Du lịch Việt Nam phối hợp với các cơ quan chức năng tổ chức triển khai rộng rãi cả nước chương trình “Nâng cao hình ảnh du khách Việt”. Chương trình không chỉ nhằm nâng cao hình ảnh du khách Việt mà còn đẩy mạnh các hành vi đẹp trong xã hội, đẩy lùi các tiêu cực, góp phần khẳng định Việt Nam là dân tộc có văn hóa cao, văn minh và lịch sự.

Tại lễ phát động, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Ngô Hoài Chung cho hay, Tổng cục Du lịch sẽ xem xét, nghiên cứu, rà soát toàn bộ văn bản quy phạm pháp luật về du lịch, từ đó để đề nghị các phía có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung về vấn đề này để tạo môi trường thuận lợi nhất cho du khách.

Đối với những du khách tái phạm nhiều lần hoặc vi phạm pháp luật ở nước ngoài, có thể Tổng cục sẽ đề nghị các cơ quan có thẩm quyền cấm xuất cảnh trong một số trường hợp nhất định nhằm răn đe những hành vi ứng xử xấu. Trong thời gian tới, Tổng cục Du lịch cũng xây dựng và trình Bộ VHTTDL cho phép ban hành bộ quy tắc ứng xử cho du khách, tạo môi trường du lịch thực sự an toàn, thân thiện, hấp dẫn, đồng thời đảm bảo văn minh, lịch sự.

Taxi là loại hình dịch vụ tiếp xúc nhiều với khách du lịch. Tham gia chia sẻ về góp phần xây dựng hình ảnh cho du khách Việt, du lịch Việt, Tổng Giám đốc Taxi Mai Linh Hồ Huy cho hay, hãng cũng có chương trình đào tạo và huấn luyện cho lái xe, đặc biệt là lái xe taxi, những người chở khách du lịch, về quy tắc văn hóa ứng xử với du khách. Mai Linh cũng đào tạo nâng cao trình độ hiểu biết cho lái xe về văn hóa Việt để có thể giới thiệu, tư vấn thêm cho du khách đi lẻ, đi tự do, khách vãng lai không đi theo đoàn. Với ngành du lịch, mỗi một người dân, mỗi một lái xe đều nên là một hướng dẫn viên du lịch vì đây là những đối tượng mà hầu như du khách nào cũng sẽ tiếp xúc khi đến mỗi quốc gia. Và nếu văn hóa ứng xử của lái xe tốt, sẽ góp phần tạo ấn tượng đẹp trong lòng du khách trong cả chương trình đi và đến điểm đến. Đồng thời, lực lượng lái xe của Mai Linh cũng có thể tham gia chia sẻ, tuyên truyền 10 quy tắc về xây dựng hình ảnh du khách Việt mà Hiệp Hội Du lịch Việt Nam và Dự án EU xây dựng.
1.500 người mít tinh kêu gọi nâng cao văn hóa du lịch - Ảnh 1
Ngay sau lễ phát động, hàng nghìn người đã tỏa ra xung quanh khuôn viên của Trung Tâm Hội chợ Triển lãm Việt Nam (Giảng Võ, Hà Nội) để thể hiện những việc làm thiết thực, cụ thể đầu tiên cho chiến dịch nâng cao hình ảnh du khách Việt.
Nội dung cơ bản của Chương trình Nâng cao hình ảnh du khách Việt là vận động toàn dân thực hiện 10 hành vi đẹp khi đi du lịch, bao gồm: 1. Giữ nụ cười thân thiện, chào hỏi và nói lời “cảm ơn”, “xin lỗi” trong giao tiếp; 2. Xếp hành trật tự, không chen lấn, xô đẩy, không gây ồn ào nơi công cộng; 3. Không lãng phí thực phẩm, không lấy thừa thức ăn, đồ uống; 4. Không vứt rác bừa bãi, giữ gìn vệ sinh chung, bảo vệ môi trường; 5. Hãy tôn trọng và có ý thức nhường đường cho người khác, tuân thủ luật lệ giao thông; 6. Giúp đỡ, ưu tiên cho người lớn tuổi, người tàn tật, phụ nữ và trẻ em; 7. Tôn trọng phong tục tập quán và văn hóa của mỗi địa phương; 8. Lắng nghe thuyết minh và tìm hiểu thông tin về các điểm du lịch khi tham quan; 9. Không vẽ, chạm khắc, sờ vào những hiện vật của các di tích, các điểm trưng bày; 10. Quan tâm, giúp đỡ, chia sẻ với các thành viên cùng đoàn khi đi du lịch.