10/3 Âm lịch là ngày Giỗ của vị vua Hùng nào?

Khang Nhi (Tổng hợp)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Cứ đến ngày 10/3 âm lịch, mọi người con đất Việt đều hướng đến đền Hùng (Phú Thọ) nơi tưởng niệm các vua Hùng trong ngày Giỗ Tổ Hùng Vương.

10/3 Âm lịch là ngày giỗ của vị vua Hùng nào?
10/3 Âm lịch là ngày giỗ của vị vua Hùng nào?

Ngày Giỗ tổ Hùng Vương là một trong những ngày lễ truyền thống quan trọng của người Việt nhằm tưởng nhớ công lao dựng nước của các Vua Hùng.

Theo truyền thuyết, triều đại Hùng Vương có 18 đời vua, dòng họ Hồng Bàng. Theo "Đại Việt sử ký toàn thư" và các tài liệu lịch sử khác, vị vua đầu tiên cai quản nước ta là Kinh Dương Vương. Vua có tên húy Lục Tộc, cai quản nước Xích Quỷ (quốc hiệu đầu tiên của nước ta theo truyền thuyết) vào khoảng năm 2879 TCN.

Truyền thuyết kể rằng Kinh Dương Vương lấy Long Nữ sinh ra Lạc Long Quân. Lạc Long Quân sau đó kết duyên cùng Âu Cơ. Giỗ Tổ vì vậy nếu hiểu theo logic sẽ là giỗ Tổ Kinh Dương Vương, để tưởng nhớ vị Tổ phụ đã khai sinh ra đất nước.

Theo "Đại Việt sử ký toàn thư", lãnh thổ nước Văn Lang phía Đông giáp biển Nam Hải, phía Tây đến Ba Thục, phía Bắc đến hồ Động Đình (Tứ Xuyên - Trung Quốc), phía Nam giáp nước Hồ Tôn (Quảng Nam ngày nay). Theo thần tích, Tản Viên Sơn Tinh (Sơn Tinh) tên thật là Nguyễn Tuấn, là con rể của Hùng Vương thứ 18, chồng của công chúa Mỵ Nương. Tương truyền, nhờ mang “voi chín ngà, gà chín cựa, ngựa chín hồng mao” tới trước, Sơn Tinh lấy được công chúa Mỵ Nương làm vợ.

Hùng Vương thứ nhất lên ngôi vào năm 2879 trước Công nguyên, đặt quốc hiệu là Văn Lang, chia nước làm 15 bộ, truyền đời đến năm 258 trước Công nguyên thì truyền ngôi cho Thục Phán An Dương Vương. Như vậy, triều Hùng Vương trải qua trong khoảng 2.600 năm, nếu chia trung bình cho 18 đời vua thì mỗi đời vua xấp xỉ 150 năm. Giải thích điều này, một số học giả cho rằng thực chất 18 đời vua Hùng không phải là 18 cá nhân cụ thể, mà là 18 chi, mỗi chi này có nhiều vị vua thay phiên nhau trị vì và dùng chung vương hiệu. Ngay cả con số 18 cũng chỉ mang tính tượng trưng, ước lệ, vì 18 là bội số của 9 - con số thiêng đối với người Việt.

Trên thực tế, theo một số tài liệu lịch sử ghi lại, ngày Giỗ Tổ đã có từ cách đây 2.000 năm. Đền Hùng nằm ở trung tâm của vương quốc Văn Lang vào thời Hùng Vương. Người dân chọn vùng núi Cả cao nhất vùng để tiến hành các nghi lễ thiêng liêng: Thờ trời, thờ đất, thờ lúa,… bao gồm tập quán thờ Phật, thờ các vua Hùng tại đền Hạ. Còn đền Trung, đền Thượng thờ bà Tiên Dung - Ngọc Hoa (con của vua Hùng thứ 18).

Chính những dấu ấn đó đã tạo nên sự tích đền Hùng Phú Thọ và tiếp tục được tồn tại qua nhiều giai đoạn lịch sử. Trải qua bao thế hệ, người dân Việt Nam lại có phong tục hướng về cội nguồn dân tộc bằng việc dâng hương Giỗ tổ Hùng Vương. Đền Hùng còn gắn liền với nhiều truyền thuyết như: Bọc trăm trứng; Phù Đổng Thiên Vương (Thánh Gióng); Bánh dày bánh chưng; Dưa hấu; Chử Đồng Tử,…

Dưới thời Thục Phán An Dương Vương, cột đá thề đã được dựng trên núi Nghĩa Lĩnh, ghi rõ: "Nguyện có đất trời lồng lộng chứng giám, nước Nam được trường tồn lưu ở miếu Tổ Hùng Vương, xin đời đời trông nom lăng miếu họ Hùng và gìn giữ giang sơn mà Hùng Vương trao lại; nếu thất hẹn, sai thề sẽ bị gió giăng, búa dập".

Các đời vua khác sau này cũng luôn ghi nhớ, khẳng định vai trò các vua Hùng trong việc xây dựng giang sơn. Chính vì thế mà hàng năm, người Việt dành một ngày để tưởng nhớ những người đã xác lập và xây dựng nên đất nước - các vua Hùng nói chung.

Trước đây, nhiều người dân không đi lễ đền Hùng vào ngày 10/3. Họ thường tự chọn ngày tốt theo bản mệnh của từng người và đến lễ bái các vua Hùng suốt năm, đông nhất là vào mùa Xuân, mùa Thu chứ không định rõ ngày nào. Lễ cúng Tổ ở địa phương thì được cử hành vào ngày 12/3 âm lịch kết hợp với thờ Thổ kỳ. Thường khi con cháu ở xa về sẽ làm Giỗ trước một ngày (11/3) chứ không mở hội lớn với quy mô toàn quốc. Như vậy, Thời gian lễ bái thường kéo dài.

Nhận thấy điều này, vào năm 1917 (triều Khải Định), Tuần phủ Phú Thọ là ông Lên Trung Ngọc đã làm bản tấu trình lên Bộ Lễ để xin ngày 10/3 (âm lịch) hàng năm để làm ngày cả nước hướng về các vị vua Hùng. Đồng thời, ông cũng xin nhà Vua miễn giảm các khoản đóng góp của người dân vào các dịp lễ tế. Tiếp theo, Bộ Lễ đã ra ban hành chính thức về quyết định chọn ngày 10/3 âm lịch làm ngày Giỗ tổ Hùng Vương. Lệnh ban hành này cũng quy định rõ các nghi lễ, nghi thức và lễ vật trong ngày Giỗ tổ. Các nghi thức này được in trên tấm bia “Hùng miếu điển lệ bi” và được dựng tại đền Thượng - thuộc khu di tích Đền Hùng (vào mùa xuân 1923).

Từ đó trở về sau, cứ vào ngày 10/03 âm lịch, nhân dân cả nước lại một lòng hướng về cội nguồn dân tộc, tưởng nhớ, biết ơn các vị vua Hùng. Đó là niềm tự hào, tự tôn dân tộc, một nét đẹp văn hóa mang bản sắc dân tộc Việt.

Vì vậy, ngày 10/3 âm lịch là ngày Giỗ chung của tất cả 18 đời vua Hùng.

Năm 2007, Quốc hội chọn ngày mùng 10/3 âm lịch hằng năm làm ngày Quốc giỗ nhằm ghi nhớ công ơn các vị vua Hùng và người lao động cả nước đều được nghỉ làm việc. Vào ngày Giỗ tổ Hùng Vương 10/3 âm lịch hàng năm, các nghi lễ truyền thống được tổ chức trang trọng tại Đền Hùng ở TP Việt Trì, tỉnh Phú Thọ. Ngoài ra, người dân trên cả nước cũng có những hoạt động kỷ niệm và tri ân công lao Vua Hùng.