70 năm giải phóng Thủ đô

10 dấu ấn nổi bật của Petrovietnam năm 2020

Khắc Kiên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Năm 2020 là năm khó khăn nhất trong lịch sử phát triển của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam), song vượt qua khủng hoảng kép do đại dịch Covid-19 và giá dầu giảm sâu, Petrovietnam hoàn thành ngoạn mục các kế hoạch đề ra với 10 dấu ấn nổi bật.

1. Tổ chức thành công đại hội các cấp và Đại hội Đại biểu Đảng bộ Petrovietnam lần thứ III, nhiệm kỳ 2020 – 2025
Đảng bộ Tập đoàn đã chỉ đạo tổ chức 987 đại hội các đảng bộ, chi bộ trực thuộc và Đại hội đại biểu Đảng bộ Petrovietnam lần thứ III, nhiệm kỳ 2020 - 2025 thành công tốt đẹp, đảm bảo trang trọng, an toàn, thiết thực trong điều kiện tăng cường phòng, chống dịch Covid-19.
Ban Chấp hành Đảng bộ Petrovietnam ra mắt nhiệm kỳ 2020 - 2025.
Đại hội được tiến hành theo phương châm: “Bản lĩnh - Trách nhiệm - Đoàn kết - Đổi mới - Hành động”, thông qua Nghị quyết xác định mục tiêu tổng quát là: “Xây dựng Đảng bộ vững mạnh toàn diện, phát triển Petrovietnam giữ vai trò nòng cốt, chủ lực, đầu tầu, có tiềm lực mạnh về tài chính và trình độ khoa học công nghệ tiên tiến; có sức cạnh tranh cao, thực hiện thắng lợi Chiến lược phát triển ngành Dầu khí.
Petrovietnam tập trung phát triển các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh chính: Thăm dò và khai thác dầu khí, công nghiệp khí, chế biến dầu khí, công nghiệp điện và năng lượng tái tạo, dịch vụ kỹ thuật dầu khí chất lượng cao. Bảo toàn và phát triển nguồn vốn; gắn hoạt động sản xuất, kinh doanh với bảo vệ môi trường và an ninh quốc phòng, bảo vệ chủ quyền quốc gia trên biển”.
  1. 2. Ngoạn mục vượt qua khủng hoảng kép do đại dịch Covid-19 và giá dầu giảm sâu bằng việc kịp thời xây dựng, thực hiện hiệu quả gói giải pháp ứng phó tác động kép
Năm 2020 là năm khó khăn nhất trong lịch sử phát triển của Petrovietnam. Trước tình hình đó Tập đoàn đã chủ động, đánh giá và có những hành động tích cực, quyết liệt ứng phó với tác động kép; kịp thời ban hành gói giải pháp ứng phó với mục tiêu, giải pháp rõ ràng, tổng thể cho 5 nhóm: Quản trị; thị trường; tài chính; đầu tư; cơ chế chính sách, cụ thể cho từng lĩnh vực hoạt động của Tập đoàn, tập trung vào 3 lĩnh vực chịu ảnh hưởng nặng nề nhất là: thăm dò, khai thác dầu khí; chế biến dầu khí và dịch vụ kỹ thuật dầu khí chất lượng cao; kiên định phương châm chỉ đạo “Quản trị biến động, tối ưu giá trị, đẩy mạnh tiêu thụ, nỗ lực vượt khó, nắm bắt cơ hội, an toàn về đích”.
Người lao động Dầu khí hăng say làm việc trên các công trình biển.
Kết quả, tất cả các hoạt động của Tập đoàn đều được đảm bảo an toàn, toàn Tập đoàn không có trường hợp nhiễm Covid-19; tài chính được đảm bảo, dòng tiền được giữ ổn định, đạt được lợi nhuận khả quan hơn nhiều so với mức độ suy giảm của giá dầu; hoạt động sản xuất kinh doanh được vận hành ổn định trong điều kiện dịch bệnh, toàn Tập đoàn tiết giảm chi phí được 11,9 nghìn tỷ đồng (vượt 28,9% kế hoạch năm). Trong khi hầu hết các tập đoàn/ công ty dầu khí lớn trên thế giới thua lỗ, phá sản, Petrovietnam là một trong số ít các công ty dầu khí có lợi nhuận khả quan, ngoạn mục vượt qua khó khăn trong khủng hoảng kép.
  1. 3. Hoàn thành vượt mức nhiều chỉ tiêu kế hoạch quan trọng năm 2020
Hoạt động khai thác dầu, khí được tối ưu, phù hợp với điều kiện kỹ thuật, đồng thời giảm tối đa thiệt hại về kinh tế khi giá dầu giảm sâu. Một số chỉ tiêu quan trọng của Tập đoàn đã về đích trước kế hoạch cả năm từ 19 ngày đến 6 tháng (Gia tăng trữ lượng, khai thác dầu, sản xuất đạm, xăng dầu,…). Các chỉ tiêu tài chính của Tập đoàn đạt kết quả tích cực hơn so với mức độ suy giảm giá dầu và ảnh hưởng tiêu cực từ đại dịch Covid-19.
Ngành dầu khí với những bước đi từ không đến có.
Tổng doanh thu toàn Tập đoàn đạt 566.000 tỷ đồng; tổng lợi nhuận trước thuế hợp nhất đạt 17,5 nghìn tỷ đồng; hoàn thành vượt mức kế hoạch nộp ngân sách (83.000 tỷ đồng), góp phần quan trọng vào tăng trưởng GDP cả nước và cân đối ngân sách Nhà nước. Hầu hết các đơn vị sản xuất đều hoàn thành vượt mức kế hoạch các chỉ tiêu sản lượng; 12 đơn vị hoàn thành và hoàn thành vượt mức kế hoạch chỉ tiêu lợi nhuận hợp nhất trước thuế; 18 đơn vị hoàn thành và hoàn thành vượt mức kế hoạch chỉ tiêu nộp ngân sách Nhà nước.
  1. 4. Hệ thống quản trị doanh nghiệp của Tập đoàn được củng cố, hoàn chỉnh    
Tập đoàn đã chuẩn hóa và chính thức ban hành Bộ quy chế quản trị dưới dạng E-Book; triển khai chữ ký số và dự án ERP, tiến tới áp dụng trong toàn Tập đoàn.
Petrovietnam 3 năm liên tiếp dẫn đầu Bảng xếp hạng Top 500 doanh nghiệp lợi nhuận tốt nhất Việt Nam.
Từ việc đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác quản trị doanh nghiệp, Petrovietnam tiếp tục được Tổ chức xếp hạng tín nhiệm quốc tế Fitch Ratings xếp hạng BB+; các tổ chức đánh giá hàng đầu Việt Nam xếp hạng 10 năm liên tiếp trong Top 500 Doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam và 3 năm liên tiếp dẫn đầu Bảng xếp hạng Top 500 doanh nghiệp lợi nhuận tốt nhất Việt Nam.
  1. 5. phát hiện dầu khí mới quan trọng, gia tăng trữ lượng dầu khí đạt mức cao nhất từ 2016 đến nay
Với phát hiện trữ lượng dầu khí tại mỏ Kèn Bầu nằm trong Lô 114 (đạt trên 11,86 triệu tấn quy đổi), cùng với đóng góp gia tăng trữ lượng từ các mỏ Bạch Hổ, Thiên Nga, Cá Tầm đã giúp chỉ tiêu gia tăng trữ lượng “về đích” ngay từ đầu tháng 6 năm 2020 - lần đầu tiên đạt bù sản lượng khai thác kể từ 2016 đến nay.
Giàn BK-21.
Gần đây nhất, ngày 25/12/2020, Giếng khoan thăm dò SV-1X tại cấu tạo Sói Vàng, lô 16-1/15 đã nhận được dòng dầu công nghiệp với lưu lượng 560m3/ngày, là tin vui trong những ngày cuối năm, bù đắp cho sự cố gắng, nỗ lực không ngừng nghỉ của người lao động dầu khí trong năm 2020.
  1. 6. Công tác đầu tư dự án và vận hành các công trình dầu khí đạt nhiều kết quả tích cực
Trong điều kiện đặc biệt khó khăn, giãn cách xã hội, Tập đoàn đã thực hiện đồng bộ các giải pháp để hoàn thành và đưa một số dự án trọng điểm vào hoạt động như: Giàn BK-21 cùng các hạng mục công trình kết nối nội mỏ hoàn thành, đưa vào khai thác vượt tiến độ 28 ngày; Giàn xử lý Trung tâm Sao Vàng là công trình trọng điểm trong lĩnh vực cơ khí dầu khí có ý nghĩa to lớn, quan trọng về mặt kinh tế, quốc phòng, ngoại giao của đất nước. Đây là hai công trình được vinh danh chào mừng Đại hội XIII của Đảng.
Lãnh đạo Petrovietnam và Vietsovpetro thực hiện nghi thức gắn biển công trình giàn BK-21.
Đã tiến hành hòa đồng bộ Tổ máy số 1 NMNĐ Sông Hậu 1 vào hệ thống điện quốc gia ngày 26/11/2020; dự án Kho chứa LNG Thị Vải tiến độ vượt kế hoạch đề ra.
Triển khai thành công việc sửa giàn và hủy giếng mỏ Đại Hùng, đưa vào vận hành, khai thác lại bảo đảm an toàn. Hoàn thành bảo dưỡng tổng thể Nhà máy Lọc dầu Dung Quất lần thứ 4, đưa nhà máy vận hành trở lại đúng kế hoạch, chất lượng tốt, chi phí thấp hơn dự toán. Qua đó, đã chứng minh năng lực thực hiện tốt công tác bảo dưỡng nhà máy lọc dầu của các đơn vị dịch vụ trong Tập đoàn.
Sản xuất và xuất khẩu phân đạm đạt mức kỷ lục (sản xuất cả năm đạt 1,8 triệu tấn, vượt trên 15% kế hoạch, về đích kế hoạch cả năm trước 1 tháng 17 ngày và xuất khẩu đạt trên 371 nghìn tấn, cao nhất từ trước tới nay), đánh dấu bước đột phá quan trọng trong chiến lược vươn ra thị trường nước ngoài trong lĩnh vực sản xuất-kinh doanh phân bón.
  1. 7. Các doanh nghiệp/ dự án khó khăn chuyển biến rõ nét  
Những kết quả tích cực từ Nhà máy Xơ sợi Đình Vũ trong thời gian vừa qua đã được Chính phủ ghi nhận và đánh giá cao. Năm 2020, VNPOLY đã hợp tác với đối tác SSFC kế hoạch tổng thể, dài hạn. Nhà máy đã vận hành 15 dây chuyền DTY và sẽ vận hành toàn bộ 27 dây chuyền DTY trong quý I/2021. Chất lượng sản phẩm loại AA đạt khoảng 89,5%, cao hơn mức thỏa thuận theo hợp đồng hợp tác (85%). Sản phẩm DTY được sản xuất từ nguyên liệu tái sinh, thân thiện môi trường và được Tổ chức Control Union cấp chứng chỉ tiêu chuẩn tái chế toàn cầu và đã được một số thương hiệu lớn như Adidas, Target sử dụng.
Tổng Giám đốc Petrovietnam Lê Mạnh Hùng kiểm tra công tác sản xuất tại VNPOLY.
Năm 2020, DQS đã tiếp nhận 32 đơn hàng gần gấp 2 lần năm 2019; trong đó các đơn hàng ngoài ngành, ngoài nước chiếm 66%. Điều này chứng tỏ năng lực của DQS được nâng cao, niềm tin của khách hàng dành cho DQS ngày càng lớn.
Petrovietnam đã tích cực đề xuất tháo gỡ khó khăn, vướng mắc và được cấp có thẩm quyền chấp thuận chủ trương tiếp tục triển khai dự án Nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2.
  1. 8. Tiếp tục giữ vững vai trò, vị trí Tập đoàn kinh tế trụ cột, đầu tàu của đất nước, góp phần quan trọng phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh quốc gia trên biển
Tập đoàn đã chủ động, nỗ lực vượt qua khó khăn, nộp ngân sách nhà nước vượt chỉ tiêu kế hoạch đề ra, trong điều kiện nhiều bất lợi của năm 2020.
Một cửa hàng xăng dầu PVoil.
Các hoạt động của Tập đoàn ổn định, liên tục; trong điều kiện dịch bệnh, đứt chuỗi cung ứng toàn cầu đã cung cấp các sản phẩm thiết yếu cho nền kinh tế như điện, xăng dầu, đạm, khí LPG, CNG… hỗ trợ tích cực cho các ngành kinh tế khác cùng phát triển. Mặc dù trong giai đoạn khó khăn nhưng Tập đoàn cũng đã dành hàng trăm tỷ đồng để thực hiện công tác an sinh xã hội.
Thông qua triển khai các chương trình, hoạt động, công trình dầu khí biển trong năm 2020, đã góp phần quan trọng giữ gìn an ninh – quốc phòng.
  1. 9.  Có bước tiến quan trọng trong thực hiện Đề án tái tạo văn hóa Petrovietnam
Tạo sự chuyển biến mạnh mẽ, đồng bộ, thống nhất trong nhận thức và hành động về củng cố và xây dựng Văn hóa Petrovietnam. Tổ chức đào tạo văn hóa nền tảng cho toàn thể cán bộ, người lao động cơ quan Tập đoàn và cán bộ chủ chốt các đơn vị, đoàn thể.
Triển khai đồng bộ Đề án tái tạo văn hóa từ cơ quan Tập đoàn đến các đơn vị thành viên, gắn vai trò, vị trí của văn hóa doanh nghiệp trong thực hiện các mục tiêu chiến lược của Petrovietnam.
  1. 10. Việc đẩy mạnh số hóa và ứng dụng công nghệ thông tin trong quản trị đem lại hiệu quả cao
Năm 2020, Tập đoàn đã triển khai đồng bộ chiến lược, kế hoạch, chương trình tổng thể về chuyển đổi số; xây dựng cơ sở dữ liệu lớn cho các lĩnh vực hoạt động, đặc biệt là E&P. Kết nối, tổ hợp và củng cố hạ tầng công nghệ nhằm tối đa sử dụng tài nguyên số của Tập đoàn.
Thông qua việc ứng dụng công nghệ thông tin, số hóa; tổ chức các hội nghị, hội thảo và giao dịch bằng hình thức trực tuyến, toàn Tập đoàn đã tiết giảm 727 tỷ đồng. Việc ứng dụng công nghệ thông tin trong quản trị như hội họp qua MS-Team; xử lý công việc qua Idoc, mạng internet… đã dần trở thành thói quen, văn hóa của người lao động dầu khí giúp nâng cao tốc độ và hiệu quả xử lý công việc của Tập đoàn.