10 năm, mới xử lý 918 người đứng đầu và cấp phó để xảy ra tham nhũng

Chia sẻ Zalo

Công tác thanh tra đã phát hiện 670 vụ với 1.815 đối tượng có hành vi, biểu hiện tham nhũng; chuyển cơ quan điều tra 274 vụ, 429 đối tượng có dấu hiệu tội phạm tham nhũng…

Ngày 27/10, Ban Chỉ đạo tổng kết Nghị quyết T.Ư 3 đã lấy ý kiến vào Dự thảo Đề án tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết T.Ư 3 (Khóa X) về phòng chống tham nhũng, lãng phí (PCTN, LP).

Tại hội nghị, các đại biểu đã tham gia ý kiến đối với: Dự thảo Báo cáo tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết T.Ư 3 (Khóa X), dự thảo Tờ trình Bộ Chính trị về tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết T.Ư 3 (Khóa X), dự thảo Kết luận của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết T.Ư 3 (Khóa X) và Kết luận Hội nghị T.Ư 5 (Khóa XI). Một số ý kiến cho rằng, công tác PCTN, LP trong những năm qua vẫn chưa đạt yêu cầu và mục tiêu "ngăn chặn, từng bước đẩy lùi tham nhũng, lãng phí". Trong 10 năm qua, cả nước đã có 918 người đứng đầu và cấp phó bị xử lý do thiếu trách nhiệm để xảy ra tham nhũng; chuyển đổi vị trí công tác 310.694 lượt cán bộ, công chức, viên chức. Công tác thanh tra đã phát hiện 670 vụ với 1.815 đối tượng có hành vi, biểu hiện tham nhũng; chuyển cơ quan điều tra 274 vụ, 429 đối tượng có dấu hiệu tội phạm tham nhũng…

Nhấn mạnh công khai, minh bạch phải thực sự là giải pháp đột phá trong PCTN, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình, Trưởng Ban Chỉ đạo tổng kết Nghị quyết T.Ư 3 cho rằng: Cần có cơ chế giám sát, kiểm soát thu nhập và tài sản. Đặc biệt, xây dựng cơ chế giám sát quyền lực nằm trong "giỏ" pháp luật. Theo Phó Thủ tướng, trước mắt, giải pháp đột phá là việc phát hiện, điều tra, truy tố, xét xử các vụ án liên quan đến tham nhũng phải thật sự triệt để, trên tinh thần không có vùng cấm, nếu có hành vi là bị xử lý, không để dư luận cho rằng chúng ta làm chưa nghiêm, chưa đến nơi đến chốn các tội phạm tham nhũng và lãng phí…

Ngọc An