Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới
Logo
Đăng ký ấn phẩm|Đăng nhập

Luật số 97/2025/QH15: thể hiện rõ mối quan hệ “trực thuộc” Mặt trận Tổ quốc Việt Nam

Kinhtedothi-Luật số 97/2025/QH15 tập trung sửa đổi, bổ sung một số điều của 4 Luật thể hiện rõ mối quan hệ “trực thuộc” Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam, các nguyên tắc hiệp thương dân chủ, phối hợp và thống nhất hành động do MTTQ Việt Nam chủ trì.

Theo Ban Dân chủ, Giám sát và Phản biện xã hội - Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam, thực hiện Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội, UBTV Quốc hội năm 2025, Đoàn Chủ tịch Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam phối hợp cơ quan có thẩm quyền đã xây dựng và trình Quốc hội thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật MTTQ Việt Nam, Luật Công đoàn, Luật Thanh niên và Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở.

Ngày 27/6/2025, Quốc hội đã chính thức thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật MTTQ Việt Nam, Luật Công đoàn, Luật Thanh niên và Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở (Luật số 97/2025/QH15), có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2025.

Việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật MTTQ Việt Nam, Luật Công đoàn, Luật Thanh niên và Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng; thể chế hoá đầy đủ các quan điểm chỉ đạo của Đảng tại Cương lĩnh chính trị, các văn kiện Hội nghị Ban Chấp hành T.Ư Đảng, các Kết luận của Bộ Chính trị, Ban Bí thư về tiếp tục sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, nhất là Đề án sắp xếp, hợp nhất các tổ chức chính trị - xã hội (CT-XH), các hội quần chúng do Đảng và Nhà nước giao nhiệm vụ vào MTTQ Việt Nam đã được thông qua tại Nghị quyết số 60-NQ/TW ngày 12/4/2025 Hội nghị lần thứ 11 Ban Chấp hành T.Ư Đảng khóa XIII.

Cùng đó, bám sát và cụ thể hóa đầy đủ quy định của Hiến pháp năm 2013 (sửa đổi, bổ sung tại Nghị quyết 203/2025/QH15) liên quan trực tiếp tới MTTQ Việt Nam, các tổ chức CT-XH và tổ chức chính quyền địa phương (CQĐP); kế thừa các quy định hiện hành còn phù hợp thực tiễn, tập trung sửa đổi, bổ sung một số điều cần thiết gắn với yêu cầu đổi mới tổ chức bộ máy của MTTQ Việt Nam. Mục tiêu là bảo đảm tổ chức của MTTQ Việt Nam tương ứng tổ chức đơn vị hành chính và CQĐP 2 cấp, được tổ chức tinh gọn, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả và thống nhất, thông suốt từ T.Ư đến cơ sở.

Theo đó, Luật số 97/2025/QH15 tập trung sửa đổi, bổ sung một số điều của 4 Luật có liên quan trực tiếp đến vị trí, vai trò, chức năng, quyền và trách nhiệm, tổ chức bộ máy và nguyên tắc tổ chức, hoạt động của MTTQ Việt Nam, các tổ chức CT-XH, các hội quần chúng được Đảng và Nhà nước giao nhiệm vụ. Trong đó, thể hiện rõ mối quan hệ “trực thuộc” MTTQ Việt Nam, các nguyên tắc hiệp thương dân chủ, phối hợp và thống nhất hành động do MTTQ Việt Nam chủ trì.

Luật bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ với các luật khác liên quan quyền, trách nhiệm của MTTQ Việt Nam, các tổ chức CT-XH, các tổ chức thành viên khác của Mặt trận.

Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật MTTQ Việt Nam

Tại Điều 1 của Luật đã sửa đổi, bổ sung 11/41 điều của Luật MTTQ Việt Nam (gồm các Điều 1, 4, 5, 6, 16, 18, 20, 25, 26, 32, 33) đã cụ thể hóa đầy đủ, chính xác quy định tại khoản 1 Điều 9 Hiến pháp năm 2013 (đã được sửa đổi, bổ sung) về vị trí, chức năng, quyền và trách nhiệm của MTTQ Việt Nam.

Điều 1 Luật MTTQ Việt Nam được sửa đổi, bổ sung như sau: “Kế thừa vai trò lịch sử của Mặt trận Dân tộc thống nhất Việt Nam do Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập, lãnh đạo, MTTQ Việt Nam là tổ chức liên minh chính trị, liên hiệp tự nguyện của tổ chức chính trị, các tổ chức CT-XH, tổ chức xã hội và các cá nhân tiêu biểu trong các giai cấp, tầng lớp xã hội, dân tộc, tôn giáo, người Việt Nam định cư ở nước ngoài.

MTTQ Việt Nam là bộ phận của hệ thống chính trị của nước Cộng hòa XHCN Việt Nam; là cơ sở chính trị của chính quyền Nhân dân; tập hợp, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc; thể hiện ý chí, nguyện vọng và phát huy quyền làm chủ của Nhân dân; đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của Nhân dân; thực hiện dân chủ, tăng cường đồng thuận xã hội; giám sát, phản biện xã hội; phản ánh ý kiến, kiến nghị của Nhân dân đến các cơ quan nhà nước; tham gia xây dựng Đảng, Nhà nước, hoạt động đối ngoại Nhân dân góp phần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.”

Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư T.Ư Đảng, Chủ tịch Ủy ban T.Ư Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Đỗ Văn Chiến tiếp thu, giải trình, chỉnh lý dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Luật Công đoàn, Luật Thanh niên và Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở trình Quốc hội thông qua

Việc sửa đổi tiếp tục khẳng định nguyên tắc hiệp thương dân chủ, phối hợp và thống nhất hành động là đặc trưng trong tổ chức và hoạt động của MTTQ Việt Nam, đồng thời nhấn mạnh vị trí, vai trò trung tâm, chủ trì của Ủy ban MTTQ Việt Nam, vai trò phối hợp và phát huy tính chủ động, sáng tạo của các tổ chức CT-XH và các tổ chức thành viên của MTTQ Việt Nam, khoản 3 Điều 4 được sửa đổi, bổ sung như sau: “3. Các tổ chức CT-XH cùng các tổ chức thành viên khác của Mặt trận hiệp thương dân chủ, phối hợp và thống nhất hành động do MTTQ Việt Nam chủ trì, đồng thời phát huy tính chủ động, sáng tạo của mỗi tổ chức thành viên.

Khi phối hợp và thống nhất hành động, các tổ chức thành viên của MTTQ Việt Nam thực hiện theo Hiến pháp, pháp luật, Điều lệ MTTQ Việt Nam và điều lệ của mỗi tổ chức”.

Cùng đó, nội dung sửa đổi đã cụ thể hóa đầy đủ quy định tại khoản 2 Điều 9 Hiến pháp năm 2013 (đã được sửa đổi, bổ sung) về mối quan hệ “trực thuộc” MTTQ Việt Nam của các tổ chức CT-XH, các hội quần chúng do Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ, khoản 2 Điều 5 quy định sau: “Các tổ chức CT-XH (gồm Công đoàn Việt Nam, Hội Nông dân Việt Nam, Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Hội LHPN Việt Nam, Hội CCB Việt Nam) và các hội quần chúng do Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ trực thuộc MTTQ Việt Nam, được tổ chức và hoạt động thống nhất trong MTTQ Việt Nam”.

Điều chỉnh hệ thống tổ chức của MTTQ Việt Nam ở địa phương theo tổ chức CQĐP 2 cấp, nhằm bảo đảm phù hợp quy định tại Điều 110 Hiến pháp 2013 (đã được sửa đổi, bổ sung) và thống nhất với Điều 1 Luật Tổ chức Tổ chức CQĐP năm 2025 (sửa đổi).

Theo đó, khoản 2 Điều 6 được sửa đổi, bổ sung như sau: “Ở địa phương có Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, thành phố (gọi chung là cấp tỉnh), Ủy ban MTTQ Việt Nam xã, phường, đặc khu (gọi chung là cấp xã). Ở mỗi cấp có Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam.

Tổ chức, nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan của MTTQ Việt Nam do Điều lệ MTTQ Việt Nam quy định”.

Đồng thời, điều chỉnh thẩm quyền của Ủy ban MTTQ Việt Nam cấp tỉnh, cấp xã khi không còn cấp huyện trong một số nhiệm vụ, như: giao Ủy ban MTTQ Việt Nam cấp tỉnh, cấp xã có trách nhiệm tổ chức tiếp xúc cử tri của đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND (khoản 2 Điều 16); quy định chung Ủy ban MTTQ Việt Nam cử bào chữa viên Nhân dân (khoản 2 Điều 18); giao Ủy ban MTTQ Việt Nam cấp tỉnh chủ trì lựa chọn, giới thiệu người đủ điều kiện, tiêu chuẩn để HĐND cấp tỉnh bầu làm Hội thẩm nhân dân TAND cấp tỉnh và TAND khu vực (khoản 2 Điều 20).

Điều chỉnh vai trò của Ủy ban MTTQ Việt Nam trong chủ trì, thống nhất với các tổ chức CT-XH thực hiện hoạt động giám sát, phản biện xã hội để phù hợp tính chất trực thuộc và nguyên tắc hiệp thương dân chủ, phối hợp và thống nhất hành động do MTTQ Việt Nam chủ trì (khoản 1 Điều 25, khoản 3 Điều 26, khoản 1 Điều 32).

Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Công đoàn

Tại Điều 2 của Luật đã sửa đổi, bổ sung 8/37 điều của Luật Công đoàn (gồm các Điều 1, 4, 8, 14, 19, 29, 31, 32) nhằm bảo đảm cụ thể hóa đầy đủ quy định tại Điều 10 Hiến pháp năm 2013 (đã được sửa đổi, bổ sung) về vị trí, vai trò, mối quan hệ “trực thuộc MTTQ Việt Nam” của Công đoàn Việt Nam, về quyền và trách nhiệm của Công đoàn trong đại diện, chăm lo và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng cho đoàn viên công đoàn và người lao động (NLĐ), khẳng định Công đoàn là “đại diện duy nhất” của NLĐ ở cấp quốc gia trong quan hệ lao động và quan hệ quốc tế về công đoàn.

Theo đó, Điều 1 Luật Công đoàn Việt Nam được sửa đổi, bổ sung như sau: “Công đoàn Việt Nam là tổ chức CT-XH rộng lớn của giai cấp công nhân và NLĐ, được thành lập trên cơ sở tự nguyện, là thành viên trong hệ thống chính trị do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo, trực thuộc MTTQ Việt Nam; đại diện, chăm lo và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng cho đoàn viên công đoàn và NLĐ; là đại diện duy nhất của NLĐ ở cấp quốc gia trong quan hệ lao động và quan hệ quốc tế về công đoàn; tham gia quản lý nhà nước, quản lý KT-XH; tham gia kiểm tra, thanh tra, giám sát hoạt động của cơ quan nhà nước, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp về những vấn đề liên quan quyền, nghĩa vụ của NLĐ; tuyên truyền vận động NLĐ học tập, nâng cao trình độ, kỹ năng nghề nghiệp, chấp hành pháp luật, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”.

Điều chỉnh hệ thống tổ chức Công đoàn để bảo đảm phù hợp tổ chức CQĐP 2 cấp và gắn với đặc thù của tổ chức Công đoàn (không theo địa bàn dân cư mà chủ yếu ở đơn vị, doanh nghiệp theo phương châm “ở đâu có NLĐ, ở đó có Công đoàn”). Theo đó, khoản 1 Điều 8 quy định về Hệ thống tổ chức Công đoàn Việt Nam được sửa đổi, bổ sung.

Cụ thể, Công đoàn Việt Nam là tổ chức thống nhất gồm các cấp sau đây: cấp T.Ư là Tổng LĐLĐ Việt Nam; Công đoàn cấp trên cơ sở gồm LĐLĐ tỉnh, thành phố (gọi là LĐLĐ cấp tỉnh); Công đoàn ngành T.Ư; Công đoàn tập đoàn kinh tế, Công đoàn tổng công ty trực thuộc Tổng LĐLĐ Việt Nam và Công đoàn cấp trên cơ sở đặc thù do cấp có thẩm quyền cho phép thành lập phù hợp tổ chức Công đoàn; Công đoàn cấp cơ sở gồm công đoàn cơ sở, nghiệp đoàn cơ sở.

Thực hiện chủ trương kết thúc hoạt động của Công đoàn viên chức, Công đoàn lực lượng vũ trang theo Nghị quyết 60-NQ/TW ngày 12/4/2025 của Ban chấp hành T.Ư Đảng và Kết luận 157-KL/TW ngày 25/5/2025 của Bộ Chính trị, Luật đã điều chỉnh không còn tổ chức Công đoàn trong các cơ quan nhà nước, các đơn vị sự nghiệp hưởng 100% lương từ ngân sách nhà nước (NSNN). 

Quốc hội đã thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Luật Công đoàn, Luật Thanh niên và Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở với 440/447 tổng số đại biểu Quốc hội có mặt tán thành, tương đương 98,43%

Đồng thời, tại Luật bổ sung quy định đơn vị sự nghiệp không hưởng 100% lương từ NSNN là đối tượng đóng Công đoàn phí (do các đơn vị này vẫn có tổ chức Công đoàn) và giao Chính phủ quy định cụ thể về đơn vị sự nghiệp không hưởng 100% lương từ NSNN để bảo đảm thống nhất, đồng bộ với các quy định của Chính phủ về đơn vị sự nghiệp theo các mức độ tự chủ về tài chính, bảo đảm công khai, minh bạch về đối tượng đóng kinh phí Công đoàn, tạo thuận lợi cho quá trình áp dụng (điểm b, c khoản 1 Điều 29).

Đồng thời, bổ sung quy định trách nhiệm của Tổng LĐLĐ Việt Nam trong việc hàng năm báo cáo Ban Thường trực Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam dự toán và quyết toán tài chính công đoàn của Công đoàn Việt Nam quy định tại các điểm a, b, d khoản 1 Điều 29 và khoản 2 Điều 31 của Luật Công đoàn nhằm bảo đảm phù hợp với tính chất “trực thuộc” MTTQ Việt Nam, thống nhất giữa đơn vị dự toán cấp 1 và đơn vị dự toán cấp 2, phù hợp quy định trách nhiệm của Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam trong lãnh đạo, chỉ đạo toàn diện về quản lý tài sản, tài chính của cơ quan T.Ư MTTQ Việt Nam tại Quyết định số 304-QĐ/TW (khoản 7 Điều 31).

Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thanh niên

Tại Điều 3 của Luật đã sửa đổi, bổ sung 2/41 điều của Luật Thanh niên (gồm: khoản 3 Điều 17, khoản 1 Điều 28) điều chỉnh chính sách lao động, việc làm đối với thanh niên theo hướng tạo điều kiện cho thanh niên được vay các nguồn vốn ưu đãi để tạo việc làm, phát triển sản xuất kinh doanh (khoản 3 Điều 17) để thống nhất với Luật Việc làm năm 2025 khi không còn quy định về Quỹ quốc gia về việc làm.

Bên cạnh đó, cụ thể hóa khoản 2 Điều 9 Hiến pháp năm 2013 (đã được sửa đổi, bổ sung), thống nhất với quy định tại Luật MTTQ Việt Nam về tính chất “trực thuộc” MTTQ, Luật khẳng định rõ: “Đoàn TNCS Hồ Chí Minh là tổ chức CT-XH của thanh niên Việt Nam, trực thuộc MTTQ Việt Nam, giữ vai trò nòng cốt trong phong trào thanh niên và tổ chức thanh niên; tổ chức hướng dẫn hoạt động của thiếu niên, nhi đồng, phụ trách Đội Thiếu niên tiền phong Hồ Chí Minh” (khoản 1 Điều 28).

Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở

Cũng tại Luật này, tại Điều 4 sửa đổi, bổ sung 32/91 điều của Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở (gồm các Điều 2, 4, 8, 11, 12, 24, 25, 26, 29, 30, 31, 34, 35, 36, 37, 38, 39, 40, 41, 47, 50, 51, 52, 54, 55, 59, 60, 62, 63, 83, 85, 86) điều chỉnh các quy định liên quan thực hiện dân chủ ở cơ sở theo tổ chức CQĐP hai cấp và không còn đội ngũ cán bộ không chuyên trách cấp xã.

Cùng đó, bãi bỏ các quy định về trách nhiệm của tổ chức Công đoàn, Ban chấp hành Công đoàn tại các cơ quan, đơn vị nơi không có tổ chức Công đoàn cơ sở để thực hiện chủ trương kết thúc hoạt động của Công đoàn trong cơ quan nhà nước, lực lượng vũ trang, đơn vị sự nghiệp hưởng 100% lương từ NSNN.

Điều chỉnh thẩm quyền và trách nhiệm của Bộ Nội vụ trong tiếp nhận nhiệm vụ quản lý về thực hiện dân chủ trong các tổ chức có sử dụng lao động khi không còn Bộ LĐ-TB&XH (điểm khoản 2 Điều 83).

Điều khoản chuyển tiếp

Tại đơn vị sự nghiệp không hưởng 100% lương từ NSNN vẫn còn tổ chức Công đoàn cơ sở và các tổ chức Công đoàn tiếp tục phát huy vai trò, trách nhiệm trong thực hiện dân chủ ở cơ sở và với tổ chức, hoạt động của Ban thanh tra Nhân dân tại đơn vị, Luật có quy định chuyển tiếp “Công đoàn, Ban chấp hành Công đoàn ở đơn vị sự nghiệp không hưởng 100% lương từ NSNN thì tiếp tục thực hiện quy định tại Chương III của Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở số 10/2022/QH15” (Điều 5).

Để bảo đảm các quy định của Luật số 97/2025/QH15 ngày 27/6/2025/QH15 được triển khai có hiệu quả, Đoàn Chủ tịch Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam phối hợp các cơ quan liên quan thực hiện một số nhiệm vụ như: xây dựng và ban hành kế hoạch thi hành Luật; xây dựng và ban hành văn bản quy định chi tiết các nội dung được giao trong Luật; tổ chức tuyên truyền, phổ biến các quy định của Luật và các văn bản hướng dẫn triển khai thực hiện...

Phường Vĩnh Tuy: thông qua quy định tổ chức bộ máy Cơ quan Mặt trận Tổ quốc phường

Phường Vĩnh Tuy: thông qua quy định tổ chức bộ máy Cơ quan Mặt trận Tổ quốc phường

Chủ tịch Ủy ban T.Ư Mặt trận Tổ quốc Việt Nam: Mô hình mới cùng tư duy, khát vọng mới, sẽ giành được thắng lợi mới

Chủ tịch Ủy ban T.Ư Mặt trận Tổ quốc Việt Nam: Mô hình mới cùng tư duy, khát vọng mới, sẽ giành được thắng lợi mới

Hà Nội vận hành thử nghiệm bộ máy Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam hai cấp

Hà Nội vận hành thử nghiệm bộ máy Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam hai cấp

Dòng sự kiện:
Đọc nhiều
HỎI ĐÁP THÔNG MINH

CẢM NHẬN CỦA BẠN VỀ BÀI VIẾT NÀY

  • Rất hay
  • Thích
  • Giải trí
  • Cần cải thiện

BÌNH LUẬN (0)

Đừng bỏ lỡ
Thủ tướng nêu thời hạn với “3 nhiệm vụ lớn”

Thủ tướng nêu thời hạn với “3 nhiệm vụ lớn”

03 Jul, 09:44 PM

Kinhtedothi - Theo thông báo của Văn phòng Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã có chỉ đạo cụ thể về tiến độ đối với các công tác: xóa nhà tạm, nhà dột nát trên phạm vi cả nước; các công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành giao thông vận tải; thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công năm 2025.

Bà Cao Thị Hòa An được chỉ định giữ chức Chủ tịch HĐND tỉnh Đắk Lắk

Bà Cao Thị Hòa An được chỉ định giữ chức Chủ tịch HĐND tỉnh Đắk Lắk

02 Jul, 08:25 PM

Kinhtedothi - Chiều 2/7, HĐND tỉnh Đắk Lắk khóa X (nhiệm kỳ 2021 - 2026) đã tổ chức Kỳ họp thứ nhất và đã công bố nghị quyết của Quốc hội về việc chỉ định Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy Cao Thị Hòa An làm chủ tịch HĐND tỉnh. Các ông Trần Phú Hùng, Đỗ Thái Phong được chỉ định giữ chức Phó Chủ tịch HĐND tỉnh.

Tin mới
VIDEO
Tin Tài Trợ