70 năm giải phóng Thủ đô

10 người thương vong khi ứng phó với bão

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trong quá trình triển khai, ứng phó với cơn bão Haiyan, trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi có 2 người chết và 8 người bị thương do bất cẩn khi chằng chống nhà cửa và chặt cây phòng chống bão.

Ông Phan Văn Ơn, Chánh Văn phòng Ban chỉ huy Phòng chống lụt bão và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Quảng Ngãi cho biết đến 8 giờ sáng 10/11, trong quá trình triển khai, ứng phó với cơn bão Haiyan, trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi có 2 người chết và 8 người bị thương do bất cẩn khi chằng chống nhà cửa và chặt cây phòng chống bão.

Hai người thiệt mạng là ông Phùng Thanh Liêm (50 tuổi, ở xã Đức Lân, huyện Mộ Đức) bị ngã trong lúc chặt cây phòng, chống bão và chị Nguyễn Thị Hồng Sen (27 tuổi, quê ở xã Phổ Thuận, huyện Đức Phổ) là phóng viên Đài Truyền thanh huyện Đức Phổ, trên đường đi tác nghiệp về nhà, bị tai nạn.

 
Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc kiểm tra công tác phòng, chống bão tại cảng Dung Quất. (Ảnh: Thanh Long/TTXVN)
Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc kiểm tra công tác phòng, chống bão tại cảng Dung Quất. (Ảnh: Thanh Long/TTXVN)

Do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 14, lúc khoảng 1 giờ sáng 10/11, ở đảo Lý Sơn đã có gió mạnh cấp 9, giật cấp 10; tại Dung Quất có gió mạnh cấp 6, giật cấp 8, bão Haiyan ảnh hưởng nhẹ nên chưa thiệt hại nhiều về tài sản của nhà nước và nhân dân trong tỉnh.

Lượng mưa đo được từ 19 giờ ngày 9/11 đến 7 giờ ngày 10/11 tại một số trạm trong tỉnh đạt từ 11-136mm. Mực nước các sông trong tỉnh đều dưới báo động 1.

Dự báo từ trưa đến chiều nay lũ trên các sông trong tỉnh có khả năng lên ở mức từ báo động 1 đến trên báo động 1.

Để chủ động phòng, chống, đối phó với diễn biến của bão, các lực lượng vũ trang trong tỉnh đã phối hợp với các địa phương triển khai lực lượng, phương tiện và hỗ trợ nhân dân phòng tránh bão.

Các huyện, thành phố đã tổ chức di dời, sơ tán 38.253 hộ với trên 127.000 nhân khẩu đến nơi an toàn, chuẩn bị 116 tấn gạo và gần 8.500 thùng mì tôm để cung cấp cho nhân dân khi có bão, lũ lớn xảy ra.

Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh đã cử đoàn công tác đi kiểm tra tại một số hồ chứa tại huyện Mộ Đức và Đức Phổ; đồng thời tiếp tục theo dõi tình hình mưa lũ sau bão để chỉ đạo các địa phương triển khai ứng phó, di dời dân các vùng trũng thấp, các vùng ven sông, ven suối đến nơi an toàn.

Còn tại Hà Tĩnh, ông Lê Đình Sơn, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Tĩnh, cho biết tỉnh đang tiếp tục tổ chức di dời dân kể cả vùng ven biển và vùng xung yếu các huyện miền núi đến nơi an toàn để tránh bão.

Hiện nay tại vùng ven biển tỉnh Hà Tĩnh đã có gió cấp 3 cấp 4, trời đổ mưa, công tác phòng chống bão trở nên khẩn trương.

Huyện Kỳ Anh đã di dời 461 hộ với hơn 1.800 nhân khẩu tại các xã vùng ven biển Kỳ Ninh, Kỳ Lợi, Kỳ Xuân, Kỳ Phú, Kỳ Hà, Kỳ Khang và các xã thường bị ngập lụt Kỳ Thư, Kỳ Trinh.

Ông Nguyễn Văn Bổng, Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Kỳ Anh cho biết: "Chúng tôi sẽ tập trung lực lượng di dời theo đúng phương án mà huyện đưa ra để đối phó với bão Haiyan, đồng thời tuyên truyền, ngăn không cho người dân trở về nhà trong thời điểm bão và có kế hoạch bảo vệ tài sản cho nhân dân cả nơi đi và nơi đến."

Công tác di dời dân rất khẩn trương không chỉ vùng ven biển, mà còn tại các huyện miền núi Vũ Quang, Hương Khê, Hương Sơn nơi thường xảy ra lũ quét, lũ ống, đã có trên 1.300 hộ dân với 4.300 nhân khẩu vùng xung yếu được di dời đến nơi an toàn.

Đến nay, tỉnh Hà Tĩnh đã di dời được trên 13.600 hộ với hơn 40.700 nhân khẩu chủ yếu tập trung ở các huyện ven biển từ Nghi Xuân đến Kỳ Anh.

Tuy nhiên, công tác di dời còn gặp nhiều khó khăn do người dân còn có tâm lý chủ quan. Vì vậy, hiện nay các cấp chính quyền đang tổ chức tuyên truyền bằng hệ thống loa truyền thanh xã, phường và thành lập các đoàn đến vận động, giúp nhân dân di dời; đồng thời đến từng hộ dân ký cam kết di dời đến nơi trú ẩn an toàn và có biện pháp cưỡng chế nếu không chấp hành lệnh di dời của Ủy ban nhân dân tỉnh.

Với phương án "bốn tại chỗ," các đơn vị quản lý hồ, đập đã bố trí người trực và kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ công tác vận hành, điều tiết mực nước.

Bên cạnh việc vận hành xả lũ năm hồ lớn và 11 hồ nhỏ, các cơ quan chức năng trong tỉnh thông báo và tổ chức bảo vệ nhân dân vùng hạ lưu khi xả lũ.

Ban An toàn giao thông tiến hành kiểm tra, bảo vệ, kiểm soát chặt chẽ và cắm tiêu một số tuyến đường, có thể dừng và cảnh báo các tuyến đường khi có mưa và ngập lụt.

Các đơn vị bộ đội, biên phòng, công an tổ chức giúp nhân dân di dời và chằng chống nhà cửa, bảo vệ an toàn tài sản và tính mạng cho người dân.