Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

10 vấn đề cần sớm giải quyết để Du lịch Việt Nam phát triển

Hồng Hạnh thực hiện
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Phó Giám đốc Công ty Du lịch Transviet Nguyễn Tiến Đạt cho rằng, có 10 vấn đề của ngành du lịch cần được Dự thảo lần 2 Luật Du lịch (sửa đổi) quy định, điều chỉnh cho phù hợp với thực tiễn và xu hướng phát triển.

10 vấn đề cần sớm giải quyết để Du lịch Việt Nam phát triển - Ảnh 1Du lịch được xác định là ngành kinh tế mũi nhọn của Việt Nam, nhưng tại sao vẫn chưa phát triển tương xứng với tiềm năng, tính cạnh tranh thấp so với các nước trong khu vực và trên thế giới, thưa ông?

- Theo quan sát của tôi, nguyên nhân là do 10 vấn đề nổi cộm của du lịch Việt hiện nay. Một là, tệ nạn đeo bám, chèo kéo, gian lận, ép giá, lừa đảo, xâm phạm tài sản, tính mạng của du khách chưa được kiểm soát; các phương tiện giao thông chưa được quản lý chặt. Hai là, cảnh quan, quy hoạch du lịch bị phá vỡ. Ba là, sản phẩm du lịch nghèo nàn. Bốn là, quảng bá du lịch nhiều hạn chế. Năm là, chính sách visa cho khách du lịch nước ngoài thắt chặt nhất so với khu vực và thế giới. Sáu là, phát triển về lượng hơn chất. Bảy là, du khách Việt kém văn minh, vi phạm luật pháp quốc tế ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường du lịch và hình ảnh con người, đất nước. Tám là, hướng dẫn viên còn yếu và thiếu. Chín là, một số công ty du lịch kinh doanh chộp giật, cạnh tranh thiếu lành mạnh, thiếu liên kết. Và cuối cùng, quản lý Nhà nước về du lịch còn yếu.

Vậy theo ông, du lịch Việt cần làm gì để phát triển bền vững?

- Tôi cho rằng, muốn du lịch Việt phát triển, bản thân ngành du lịch và Bộ VHTT&DL không thể tự giải quyết được hết các vấn đề. Nếu ngành du lịch không nhận được sự hỗ trợ, ưu tiên, hợp tác của các ban ngành, địa phương thì khó tự tháo gỡ khó khăn để trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Về phương diện Nhà nước, có thể tác động vào du lịch theo 4 mặt: Định hướng, chính sách, thực thi và giám sát. Theo tôi, việc định hướng và chính sách về du lịch đã khá đúng và đầy đủ, song việc thực thi và giám sát chưa tốt. Trong quyết định của các cấp T.Ư và địa phương còn nặng về thỏa hiệp với các nhân tố gây phá hủy môi trường và sự phát triển bền vững của du lịch. Do vậy, trong Luật Du lịch sửa đổi và các văn bản dưới luật, cần chú trọng vào những nội dung để có thể cải thiện những điểm yếu này.

Như ông nói, việc thực thi và giám sát của ngành du lịch chưa tốt. Vậy, Dự thảo lần 2 Luật Du lịch (sửa đổi) cần điều chỉnh thế nào?

- Theo tôi, trong Dự thảo lần 2 nên tăng quyền cho thanh tra du lịch. Ở một số địa bàn du lịch trọng điểm như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Hạ Long, Nha Trang, Đà Lạt, Đà Nẵng… nên thí điểm mô hình cảnh sát du lịch nhằm góp phần giải quyết các tồn tại. Trong bối cảnh lực lượng thanh tra du lịch còn thiếu, cần bổ sung nghĩa vụ của khách du lịch như: Có trách nhiệm ứng xử văn minh và tuân thủ pháp luật khi đi du lịch; thực hiện các quy định, cảnh báo về an toàn du lịch; khách đi du lịch nước ngoài không được trốn ở lại bất hợp pháp tại nước ngoài. Khách du lịch tới Việt Nam không được trốn ở lại bất hợp pháp tại Việt Nam. Nếu khách du lịch vi phạm sẽ bị phạt theo quy định của pháp luật. Mặt khác vấn đề quản lý khu du lịch cần bổ sung địa bàn (khu du lịch, điểm du lịch, đô thị du lịch trọng điểm du lịch) có lượng khách du lịch trên 1 triệu người/năm cần thành lập trung tâm hỗ trợ du khách, thiết lập đường dây nóng, xây dựng cơ chế tiếp nhận và xử lý phản hồi của khách du lịch.
Ông Nguyễn Tiến Đạt - Phó Giám đốc Công ty Du lịch TransViet.
Ông Nguyễn Tiến Đạt - Phó Giám đốc Công ty Du lịch TransViet.
Vậy còn trách nhiệm của các đơn vị lữ hành và hướng dẫn viên?

- Đối với công ty kinh doanh lữ hành, nên bổ sung điều khoản: Nếu công ty du lịch không phổ biến để khách thực hiện văn minh du lịch và tuân thủ pháp luật khi đi du lịch dẫn tới hậu quả nghiêm trọng thì công ty cũng bị phạt. Ví dụ, nếu chứng minh được công ty du lịch tiếp tay cho khách du lịch bỏ trốn bất hợp pháp ở nước ngoài thì công ty sẽ bị phạt và phải phạt nặng để tăng sức răn đe. Trong dự luật mới có thay đổi điều kiện cấp thẻ hướng dẫn nội địa và quốc tế theo hướng đơn giản hơn. Tuy nhiên, cũng không nên buông lỏng việc đào tạo và cấp thẻ hướng dẫn viên vì chất lượng hướng dẫn viên hiện đang ở mức thấp. Trong khi, hướng dẫn viên đóng vai trò vô cùng quan trọng trong việc định hướng hành vi của khách, quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam đến du khách.

Xin cảm ơn ông!