Người phụ nữ lam lũ đến tòa từ rất sớm để mong được nhìn mặt chồng và các con. Bà lặng lẽ ngồi vào hàng ghế nơi gần vành móng ngựa. Ở cái tuổi 59 lẽ ra bà phải được hưởng hạnh phúc tuổi già bên chồng con thì nay rơi vào nghịch cảnh chứng kiến chồng và 4 đứa con đứng trước vành móng ngựa vì tội giết người. Sau một buổi chiều oi ả ở cánh đồng quê, chồng và các con trai của bà đã tự đẩy mình vào vòng lao lý. Cũng tại phòng xử án có hai người phụ nữ khác mang nỗi đau mất chồng, mất con. Hỗn chiến trên cánh đồng quê Đứng trước vành móng ngựa TAND TP Hà Nội (ngày 19/10) là 5 người đàn ông mặt cháy sạm khắc khổ. Một người là cha và bốn người là con. Những bị cáo này đã "đi" từ đồng ruộng đến trước vành móng ngựa chỉ trong phút chốc nổi máu côn đồ mà gây nên hành vi tội lỗi. Ăn năn, sám hối... tất cả đều đã muộn và họ phải trả giá trước pháp luật. Ngồi ở hàng ghế dành cho thân nhân bị cáo, bà Đỗ Thị Huê (thôn Phú Vinh, Phú Nghĩa, Chương Mỹ, Hà Nội) vẫn không thể tin nổi chỉ trong một buổi chiều gia đình lam lũ nhưng ấm cúng của bà bỗng chốc tan vỡ vì những hành vi dại dột của chồng và các con. Bà giật mình mỗi khi vị đại diện cho cơ quan công tố luận tội chồng và các con bà trước tòa. Theo cáo trạng của VKSND TP Hà Nội tại phiên xử ngày 19/10 tại TAND TP Hà Nội thì anh Vương Văn Sáu (SN 1969, trú tại thôn Yên Nội, xã Đồng Quang, Quốc Oai) có trang trại chăn nuôi vịt tại cánh đồng thôn Yên Nội giáp với trang trại nuôi vịt của gia đình Ngô Văn Sơn (thôn Phú Vinh, xã Phú Nghĩa, huyện Chương Mỹ). Khi thả vịt ngoài đồng, anh Sáu mất 100 con vịt và nghi lẫn vào đàn vịt của gia đình anh Sơn. Vì vậy chiều ngày 2/6/2010 anh Sáu tìm gặp Sơn ngỏ ý muốn xin lại số vịt trên nhưng không được. Sau đó, đến khoảng 16 giờ 30 cùng ngày, anh Sáu kéo theo một nhóm người, trong đó có em trai là Vương Văn Sơn (SN 1975) sang trang trại của Ngô Văn Sơn đòi vịt. Thấy vậy Ngô Văn Lên (bố của Ngô Văn Sơn) hô hào thêm các con là Ngô Văn Đức, Ngô Văn Sâm, Ngô Văn Sinh đuổi đánh nhóm người nhà anh Sáu. Cuộc đuổi đánh ầm ĩ đã xảy ra trên cánh đồng quê với gậy, đòn gánh, cây gẩy rơm. Với hung khí trong tay, bố con Ngô Văn Lên đã tả xung hữu đột. Ngô Văn Đức (sinh năm 1988) đứa con áp út trong 6 người con của Lên với cây gẩy rơm có gắn ngạnh sắt trong tay đã hung hăng đâm thẳng vào ngực anh Vương Văn Sơn, khiến anh này gục chết trên ruộng lúa. Kết thúc vụ hỗn chiến còn có hai người khác trong nhóm đến đòi vịt bị thương, tổn hại sức khỏe 38% và 4%. Nỗi đau dưới khán phòng Cơ quan công tố truy tố Ngô Văn Lên cùng con trai áp út Ngô Văn Đức về các tội: Giết người; Cố ý gây thương tích và 3 đứa con khác của người đàn ông này là Ngô Văn Sơn (sinh năm 1973), Ngô Văn Sinh (sinh năm 1984), Ngô Văn Sâm (sinh năm 1981) về tội gây rối trật tự công cộng. Đứng trước vành móng ngựa 5 cha con này lầm lũi, trả lời ngắn gọn hành vi phạm tội của họ với HĐXX. Sau mỗi câu trả lời, mỗi lần luận tội của phía cơ quan pháp luật thì cũng ngần ấy lần dưới vành móng ngựa bà Huê ôm mặt khóc, bất lực và hy vọng chồng, con mình sẽ được xử nhẹ để sớm được về với gia đình. Phía bên hàng ghế bị hại còn có hai người phụ nữ khác, họ đau đớn hơn vì mất chồng, mất con. Ở cái tuổi 80, bà Nguyễn Thị Chơn - Mẹ nạn nhân Vương Văn Sơn, lưng còng, mắt kém. Nỗi đau mất con quá sức chịu đựng của tuổi già như bà. Trong suốt phiên xét xử bà ngồi tựa lưng vào tường phòng xử án để khỏi phải quỵ ngã khi nghe tòa xét xử những kẻ đã gây ra cái chết thương tâm cho con trai bà. Ngồi bên cạnh mẹ chồng, chị Dương Thị Vân (vợ anh Sơn) cũng chết lặng. Chồng mất để lại cho chị hai đứa con thơ dại và người mẹ già yếu. Nỗi đau ấy quá lớn đối với chị. Tại phiên xử, chị Vân mong HĐXX xử phạt thật nghiêm các bị cáo, có như vậy mới khỏa lấp một phần nỗi đau, mất mát của gia đình chị. Trong cùng hoàn cảnh, bi kịch luôn tồn tại. Cũng là phụ nữ, cũng là nạn nhân gián tiếp của vụ án, phía bên kia hàng ghế bà Huê cũng chịu nỗi tủi nhục, đau đớn không kém, nhưng bà cầu mong chồng con mình sẽ được xử nhẹ để sớm về với gia đình. Hai tâm trạng ấy đối nghịch nhau, nhưng ai cũng hiểu họ chung một nỗi đau và cùng là nạn nhân. Phiên tòa kết thúc khi đèn thành phố đã bật sáng, Ngô Văn Đức bị phạt tù chung thân, Ngô Văn Lên nhận án 23 năm tù giam và 3 người con khác của bà Huê phải chịu án từ 10- 12 tháng tù về tội gây rối trật tự công cộng. Bà Huê lê bước về nhà lòng sầu nặng. Khát vọng trở thành tài xế lái xe của Đức, con trai bà vĩnh viễn khép lại sau cánh cửa nhà tù chỉ bởi hành vi ngông cuồng của tuổi trẻ.