100 năm ngày sinh nhà thơ Huy Cận (31/5/1919 – 31/5/2019): Ngọn “lửa thiêng” còn sáng mãi

Lại Tấn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 30/5, Liên hiệp Các hội Văn học nghệ thuật Việt Nam, Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức kỷ niệm 100 năm Ngày sinh nhà thơ lão thành cách mạng Huy Cận.

Dù đã đi xa nhưng những bài học về lối sống, phong cách thơ của Huy Cận vẫn còn chứa đựng giá trị thời sự, như ngọn “lửa thiêng” trăm năm vẫn sáng mãi.
 Quang cảnh lễ kỷ niệm 100 năm Ngày sinh nhà thơ lão thành cách mạng Cù Huy Cận. Ảnh:  Lại Tấn
Đến dự Lễ kỷ niệm có Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam; Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Ngô Văn Quý.
Con người giản dị
Lễ Kỷ niệm 100 năm ngày sinh của nhà thơ Huy Cận diễn ra tại Liên hiệp các hội Văn học nghệ thuật Việt Nam (số 9 Nguyễn Đình Chiểu), nơi ông đã từng nhiều năm công tác. Đến dự lễ kỷ niệm tròn 100 năm ngày sinh của ông còn có đông đảo bạn bè, đồng nghiệp, phần lớn đều là những nhà văn, nhà thơ ở tuổi “tóc bạc, lưng còng”.
Trong buổi lễ, khi những bạn bè, đồng nghiệp cùng nhau ôn lại những kỷ niệm, đóng góp của nhà thơ Huy Cận cho văn hóa, văn học nước nhà, có một người phụ nữ mái tóc đã bạc trắng, đôi mắt luôn cười – đó là bà Trần Lệ Thu, phu nhân nhà thơ Huy Cận.

Nhà thơ Huy Cận sinh ngày 31/5/1919, Đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam. Ông tham gia cách mạng từ năm 1942, thành viên Ủy ban Dân tộc giải phóng toàn quốc, Bộ trưởng kiêm Thanh tra đặc biệt của Chính phủ cách mạng lâm thời 1945, Bộ trưởng Bộ Canh nông, Bộ trưởng đặc trách văn hóa tại Văn phòng Hội đồng Bộ trưởng, Tổng Thư ký Hội đồng Chính phủ, Đại biểu Quốc hội, thành viên Ban soạn thảo hiến pháp 1946 và 1992, Chủ tịch Liên hiệp các hội Văn học nghệ thuật Việt Nam... Tham gia lãnh đạo các Bộ VH - TT, Nội vụ, Kinh tế. Tham gia ký Tuyên ngôn Độc lập và tham gia Đoàn Đại biểu Chính phủ lâm thời tiếp nhận sự thoái vị của vua Bảo Đại.

Với những người thân trong gia đình, cuộc sống của nhà thơ Huy Cận hiển hiện như một “ông tiên xuống dạo chơi nơi trần thế”. Cù Lệ Duyên – con gái nhà thơ Huy Cận chia sẻ: “Ở ông không chỉ toát lên sự bao dung, lòng nhân hậu mà vượt lên tất cả là tấm lòng thương yêu con người. Thuở còn nhỏ, tôi thường thấy những người lạ không hề quen biết từ miền Trung ra Hà Nội chữa bệnh đòi gặp xin cha tôi giúp đỡ. Đơn giản chỉ vì, họ biết đến nhà thơ. Cha tôi không từ chối một ai!”.
Trong cuộc sống đời thường, dù là người giữ nhiều chức vụ cao trong bộ máy Nhà nước nhưng Huy Cận vẫn luôn giữ phong cách mộc mạc, giản dị. Theo nhà văn Hà Quảng: “Có nhà văn đã viết về ông rằng, thật lạ lùng là vị Bộ trưởng, nhà thơ kiệt xuất và tài hoa nhiều mặt ấy lại luôn luôn mang một vẻ bề ngoài hết sức mộc mạc, dân dã vô cùng. Bao năm ở Hà Nội ông vẫn nói giọng xứ Nghệ, vẫn thường mặc những quần áo vải bông tuềnh toàng, mang giầy vẹt góc, không sơn bóng nước xi”.
Đam mê viết văn, sự nghiệp là cách mạng
So với nhiều người cùng thời, Huy Cận có thơ đăng báo từ lúc còn khá trẻ, 19 tuổi, ông đã cho in tập thơ đầu tay “Lửa thiêng”. Bắt đầu từ đây, Huy Cận trở thành một trong những tên tuổi hàng đầu của phong trào Thơ mới.
Theo nhà thơ Hữu Thỉnh – Chủ tịch Liên hiệp Các hội Văn học nghệ thuật Việt Nam: “Huy Cận là người có đóng góp lớn đối với nền văn học Việt Nam. Ông tự hào là thi sĩ Thơ mới sớm nhất tham gia cách mạng. Cù Huy Cận đam mê viết văn, làm thơ nhưng con đường sự nghiệp chính của ông là làm cách mạng. Ở vai trò, vị trí nào, ông cũng đem hết khả năng, trí tuệ và tâm huyết của mình để cống hiến cho sự nghiệp cách mạng”.
Theo nhà nghiên cứu văn học Lưu Khánh Thơ: Đến với cách mạng thời điểm tháng 8/1945, hầu hết các nhà thơ lãng mạn đều thoát được hố sâu định mệnh của hư vô và tuyệt vọng. Suốt cuộc đời, nhà thơ Huy Cận đã đem sức lực của trí tuệ, tâm hồn mình để sáng tạo nên những giá trị tinh thần, góp phần làm giàu có thêm truyền thống văn hóa của dân tộc. Những đóng góp ấy của nhà thơ Huy Cận vẫn còn mang tính thời sự trong giai đoạn hiện nay.