Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

100 năm nhìn lại Khoa cử Nho học Việt Nam (1919 - 2019): Nghiêm túc trong lựa chọn hiền tài

Lại Tấn (thực hiện)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Với lịch sử tồn tại gần 9 thế kỷ, nền Khoa cử Nho học Việt Nam đã trải qua một chặng đường hình thành, phát triển, thịnh trị, suy thoái và kết thúc vào năm 1919 đến nay đã có khoảng lùi 100 năm để nhìn lại và rút ra những bài học.

Vấn đề xây dựng một chế độ chấm thi với đội ngũ quan chấm thi cũng là một nội dung quan trọng trong việc nghiên cứu nền Khoa cử Nho học Việt Nam. Báo Kinh tế & Đô thị có cuộc trao đổi với TS Nguyễn Hữu Tâm - Viện Sử học (Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam) để hiểu rõ hơn vấn đề này.
Người chấm có tài, có đức
Thưa ông, nền giáo dục Khoa cử Việt Nam xuất hiện từ thế kỷ XI đã từng bước hình thành phát triển và đưa thi cử dần dần vào một hệ thống khá quy củ. Xin ông cho biết, hệ thống khảo quan trong triều Lê như thế nào?
- Triều Lê (1428 - 1789), các vua Lê, nhất là vua Lê Thánh Tông, trong 38 năm trị vì đã chứng tỏ sự phát triển thịnh trị, toàn diện của Khoa cử Nho học. Hệ thống khảo quan đã hình thành khá đầy đủ. Thông qua những tư liệu hiện còn, chúng ta có đủ cơ sở để chứng minh điều này. Hệ thống khảo quan của triều Lê, triều Nguyễn có học tập theo mô hình khảo quan của triều Tống, triều Minh, Thanh ở Trung Quốc.
Theo quy định của triều Tống, khi thi Hương (Hương thí) có các khảo quan như: Quan Sơ khảo, Quan Phúc khảo, Quan Đằng lục, Quan Di phong, Quan Đối độc, Quan viết bảng. Triều Minh (1368 - 1644), kỳ thi Hương có các khảo quan: Quan Chủ khảo 2 người, Quan Đồng khảo 4 người, Quan Đề điệu 1 người. Những khảo quan trên nếu là bên trong Kinh thành thì do các triều quan (quan trong Kinh thành) đảm nhiệm; nếu là bên ngoài (các tỉnh, tứ trấn) thì do quan trong Ty bố chánh chuyên trách.
 Bia tiến sĩ ghi danh các hiền tài tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám Hà Nội. Ảnh: Phạm Hùng 
Ngoài ra, còn có các viên quan khác như Di phong, Đằng lục, Đối độc, Thu quyển và Tuần xước, Giám môn… có chức trách kiểm tra tài liệu đem vào, thu nhận, niêm phong, chép lại bài thi, trông coi trường thi…, mỗi một công việc đều có định ngạch số lượng chuyên trách.
Bên cạnh đó, không chỉ các quan ban văn tham gia vào hệ thống khảo quan thi Hương, thi Hội mà các quan ban võ cũng được trọng dụng để đảm bảo tính nghiêm túc của một kỳ thi.
Ngay từ năm Cảnh Thống thứ 2 (1499), triều vua Lê Hiến Tông (1498 - 1504), Trần Văn Vi trong sách “Lê sử toản yếu” đã chép về quy định trong kỳ thi Hương, 1 viên quan võ như nội thần, Hiệu úy tham gia làm quan Tuần xước, có chức trách đốc suất quân lính, ngày đêm canh gác, giám sát, phụ trách an ninh trật tự bên trong, bên ngoài trường thi: “Làm 1 lều gác ở bốn góc trường thi, đến ngày thi, sai Nội thần, Hiệu úy mỗi viên đều 1 người đứng trên lều gác quan sát”.
Tóm lại, hệ thống quan trường thi Hương, thi Hội đến đời Lê vào thế kỷ XVII - XVIII đã được thiết lập đầy đủ với các tên gọi, chức danh cụ thể: Đề điệu, Tri cống cử, Giám thí, Khảo thí, Đồng khảo thí, Tuần xước, Thu quyển, Di phong, Soạn hiệu, Đằng lục, Đối độc, Thu quyển, Độc quyển…
Vậy thưa ông, tiêu chí lựa chọn khảo quan là như thế nào?
- Bất kỳ là Khảo quan ở trường thi Hương hay thi Hội, các vị trong hệ thống Khảo quan đều được lựa chọn theo một quy trình, tiêu chí rất nghiêm ngặt. Chúng ta cần lưu ý, trong thời kỳ triều Lê Thánh Tông trở về trước, quan Giám khảo thi Hương thường được tuyển chọn mang tính lâm thời, khi tổ chức thi Hương mới tìm chọn, không quy định chức quan cụ thể ở cơ cấu, nha môn nào, chủ yếu là bổ sung những người có khoa mục văn học đảm nhiệm.
Bắt đầu từ tháng 10 năm Hồng Đức thứ 13 (1492) thì mới bắt đầu cho quan Hàn lâm giữ chức vụ Khảo quan của kỳ thi Hương. Nhằm tăng cường tính nghiêm túc và chất lượng của kỳ thi, các quan được cử giám sát Trường thi ở Phụng Thiên (Thăng Long) và Tứ trấn đều thuộc hạng Đại thần quan văn.
Các chức Giám khảo, Đồng khảo do các quan trong Viện Hàn lâm, hoặc các Khoa, Đạo, hay các viên Huấn đạo, Giáo thụ ở Phủ, Huyện từng đi thi Hội trúng được ba kỳ và là những người có văn chương, danh dự, đức vọng sung vào.
Bên cạnh các tiêu chí chặt chẽ quy định để lựa chọn Khảo quan, thực hiện việc công bằng trong chấm thi, các triều vua còn đề ra những chế độ giám sát quá trình chấm thi. Khi thay đổi điều lệ thi Hội vào năm Cảnh Trị thứ 2 (1664), triều Lê – Trịnh bổ sung thêm những quy chế để giám sát lẫn nhau và buộc các viên khảo quan phải có trách nhiệm liên đới với mọi công việc của trường thi.
Các quan Đề điệu, Tri cống cử, Giám thí, công việc trong trường thi, việc gì cũng phải biết đến. Ngày thi nào cũng phải cùng nhau đi lại giám sát các viên Tuần xước, Giám củ. Còn ngày thường đều phải giám sát những người Thu quyển, Di phong, Soạn tự hiệu, Đằng lục, Đối độc, không được tự tiện thờ ơ để đến nỗi kẻ gian làm bậy.
Không những chỉ các Khảo quan có chức trách điều hành, chỉ huy cần phải xuất thân khoa mục, có đạo đức và uy tín mà ngay cả những người tham gia các công việc bình thường, cũng phải lựa chọn về tư cách.
Trong điều lệ điều chỉnh trường thi Hương năm 1678 quy định chức trách của các viên quan giữ việc Tuần xước, Thể sát, Di phong, Soạn tự hiệu và các công việc khác cần thiết cho kỳ thi Trong lịch sử khoa cử Việt Nam, từng có quy định việc uống máu ăn thề nhằm ngăn ngừa những trường hợp Khảo quan có ý định lợi dụng chức vụ để tham ô cho cá nhân.
Vào tháng 8, năm Mậu Thìn, Thái Hòa năm thứ 6 (1448), khi đó Tư khấu Lê Khắc Phục đang kiêm chức Đề điệu Quốc Tử Giám “muốn cấm các Khảo quan tư túi, tâu xin bắt họ phải uống máu ăn thề. Các Khảo quan phải bắt thề từ đó”.
Quy trình chấm nghiêm ngặt
Thưa ông, quá trình chấm thi trong Khoa cử Nho học được tiến hành thế nào?
- Trong quá trình chấm thi, các khảo quan của Việt Nam cũng mô phỏng và học tập không ít các chế độ của Trung Quốc, như chế độ Hồi tỵ, chế độ Tỏa viện, chế độ Niêm phong, chế độ Đằng lục. Chế độ Hồi tỵ bắt đầu từ đời Tống được thi hành, có quy định Biệt đầu thí (Thi đầu bài riêng), nếu Khảo quan có người thân tham gia ứng thí, đều phải hồi tỵ, tránh không làm khảo quan nơi người thân dự thí, phải chuyển đổi đến địa phương khác, đưa quan người địa phương khác đến nhận chức Khảo quan.
Bắt đầu từ triều Lê của Việt Nam cũng thi hành chế độ hồi tỵ. Niên hiệu Cảnh Thống thứ 2 (1499), trong điều lệ thi Hội có quy định: “Khảo quan nếu người thân ứng thí, cho phép được hồi tỵ”.
Tiếp theo là chế độ Tỏa viện, cũng được thi hành từ năm niên hiệu Thuần Hóa thứ 3 (992) triều Tống Thái tông. Chế độ Tỏa viện quy định: Sau khi Khảo quan và Thí sinh tham dự kỳ thi đã vào trường thi (cống viện) thì lập tức khóa cửa trường thi, cho đến lúc hoàn thành kỳ thi, công bố bảng đỗ thì mới được mở cổng trường thi.
Sau này có thêm quy định cụ thể, trong thời gian diễn ra khoa thi, Khảo quan và bên ngoài cách ly, chế độ tỏa viện có khi kéo dài đến 50 ngày. Chế độ niêm phong còn có tên gọi khác là chế độ di phong hoặc gọi là phong di, tức là đem nội dung về họ tên, quê quán, gia thế… của khảo sinh (thí sinh dự thi) trên quyển thi, niêm phong lại.
Sau khi thực hành phương pháp niêm phong, đặc biệt nâng cao tính công bằng của duyệt quyển, tuy vậy phương pháp này vẫn bộc lộ những kẽ hở, Khảo quan có thể dựa vào bút tích hoặc những ký hiệu đã được trao đổi từ trước để nhận biết quyển thi. Điều này cũng đang tồn tại trong các kỳ thi Trung học hiện nay, vì thế chúng ta có quy định nghiêm cấm Khảo quan sử dụng bất kỳ các loại ký hiệu trong các quyển thi, nếu có sẽ xử lý cho bài thi đó điểm liệt (điểm 0).
Nhưng quy định này khi thực hiện vô cùng khó khăn, học sinh trong khi trả lời, khó tránh khỏi việc tẩy xóa, rút cục tẩy xóa như thế nào mới được xem là bình thường, tẩy xóa như thế nào mới là ký hiệu ngầm giữa khảo sinh và khảo quan duyệt quyển? Điều đó thực sự khó mà phân biệt rạch ròi được.
Ngày nay số lượng thí sinh đông đảo, cho nên số lượng người duyệt quyển cũng rất nhiều. Hơn nữa thời gian duyệt quyển có hạn, thầy giáo duyệt quyển tìm một tờ thi trong vô số trong quyển thi là điều rất khó khăn. Nhưng trước đây trong các kỳ thi khoa cử lại không như vậy. Nhằm tránh được những kẽ hở trên, triều Tống đã sáng tạo ra phương pháp Đằng lục.
Chế độ Đằng lục, hay còn có tên gọi khác là Dịch thư, tức là sau khi chép lại quyển thi của thí sinh thì mới đưa cho Khảo quan đánh giá, đọc duyệt bản đã được chép lại với mầu mực đỏ (son).
Sau này để ngăn chặn quan đằng lục gian lận, trong khi đằng lục có thể viết lại quyển thi hoặc thay đổi quyển thi, lại lập ra quan đối độc, có chức trách đọc đối chiếu số chữ không có thay đổi giữa quyển thi gốc và quyển thi sau khi đã đằng lục.
Xin cảm ơn ông!

Có những gợi ý từ lịch sử dân tộc

"Đào tạo và tuyển chọn người tài để phục vụ đất nước, phục vụ xã hội luôn là trọng trách của mỗi quốc gia. Việt Nam coi giáo dục là quốc sách hàng đầu, hệ thống giáo dục và thi cử ở Việt Nam trong những năm qua liên tục được cải thiện, nâng cao cả về lượng và chất.

Tuy nhiên, phải thừa nhận là ngành giáo dục vẫn còn vấp phải không ít vấn đề nan giải. Có những giải pháp đến từ những giá trị hiện đại và đương dại, nhưng cũng có những gợi ý mang tính giải pháp đến từ quá khứ lịch sử dân tộc.

Trải qua 14 thế kỷ khoa cử ở Đông Nam Á, trong đó ở Việt Nam là 8 thế kỷ, nền giáo dục khoa cử gắn với Nho giáo đã thể hiện được nhiều mặt mạnh, nhưng cũng dần bộc lộ ra những mặt yếu, để rồi bị thay thế bằng nền giáo dục hiện đại vào khoảng những thập niên đầu thế kỷ XX." - GS.TS Phạm Văn Đức - Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam


Thi cử có khi linh hoạt để tuyển người tài

"Nhà nước phong kiến luôn chú trọng đến việc giáo dục, đặc biệt là giáo dục Nho học. Các khoa thi được mở ra để lựa chọn nhân tài cũng chủ yếu lấy đỗ các Nho sinh. Tuy nhiên, trong lịch sử Khoa cử Việt Nam không ít lần ghi nhận, việc mở các khoa thi ngoài Nho học: Thời Trần có khoa thi Tam giáo năm Kiến Trung thứ 3 (1227), thi Thông Tam giáo (1247)…

Thời gian đầu các khoa thi tổ chức không thường xuyên do chưa có định lệ niên hạn, triều Lý khoảng 15 - 20 năm mới tổ chức một khoa nhưng sang tới triều Trần và các triều tiếp theo, khoa cử dần đi vào ổn định, định lệ 7 năm mở một khoa (1247) đã dần được hoàn bị và thay thế bằng định lệ 3 năm mở một khoa thời Lê (Thiệu Bình thứ 5 – 1438).

Tuy nhiên, vì một số lý do như nhu cầu “tuyển chọn gấp nhân tài”, bối cảnh xã hội đặc biệt (vua Lê – chúa Trịnh)… một số khoa thi đã được mở ra như: Chế khoa năm Thuận Bình 6 (1554); Sĩ vọng năm Vĩnh Thọ 1 (1658); Đông Các năm Vĩnh Thọ 2 (1659)..." - TS Vương Thị Hường - Viện Nghiên cứu Hán Nôm