100 ngày cô đơn của Thủ tướng Hy Lạp

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chưa kịp thưởng thức sự ngọt ngào của chiến thắng lịch sử, ông Alexis Tsipras - vị Thủ tướng trẻ nhất Hy Lạp đã phải nếm trải cảm giác cô đơn trong hành trình thực hiện cuộc cải cách mang phong cách Syriza.

Càng gần tới thời điểm đánh dấu cột mốc 100 ngày ông Alexis Tsipras nhậm chức, trên đường phố Athens xuất hiện càng nhiều đám đông. Thay vì chào đón, biểu thị sự ủng hộ Syriza, đám đông bày tỏ thái độ phẫn nộ với chính phủ non trẻ bằng cả khẩu hiệu lẫn những tiếng la hét.
100 ngày cô đơn của Thủ tướng Hy Lạp - Ảnh 1
Không phải người dân Hy Lạp không biết Thủ tướng Tsipras và những người cùng chiến thuyền với ông đã cố gắng hết sức trong cuộc đàm phán nước rút với các chủ nợ. Nhưng đối với những người đã lâm vào tình cảnh khốn khó suốt gần 6 năm qua, điều họ cần không phải là sự nỗ lực của Chính phủ mà là số lương được tăng, điều kiện sống được cải thiện trên thực tế. Tất cả những gì mà cử tri Hy Lạp nhớ đến thời điểm này là các cam kết tranh cử chưa thành hiện thực, chương trình “thắt lưng buộc bụng” chưa được cởi gỡ trong khi chính phủ phải vật lộn với ngân khố rỗng không. Di sản sau 100 ngày cầm quyền của ông Tsipras ngoài cuộc đàm phán kéo dài suốt hơn 3 tháng với các chủ nợ, những đe dọa khai trừ ra khỏi Eurozone và yêu cầu chính quyền địa phương phải nộp ngân sách dự trữ để Athens tiện xoay sở. Và Syriza từ chỗ là niềm hy vọng đang trên con đường trở thành “tội đồ” của cả Athens bởi rất có thể sau 5 năm nhận gói cứu trợ lớn nhất trong lịch sử tài chính toàn cầu, Hy Lạp sẽ phải là kẻ chầu rìa của Eurozone. Với châu Âu, những yêu cầu vô lý về gói cứu trợ quốc tế của người chèo lái con thuyền Hy Lạp đã làm trầm trọng thêm những vấn đề của khối và khiến đồng Euro liên tục rớt giá, đánh mất dần vị thế của một trong những đồng tiền mạnh nhất thế giới.

Trong bầu không khí nhuốm màu u ám của sự sợ hãi, cảnh người dân Athens đứng hàng giờ liền trước cửa ngân hàng để nhận phân nửa số tiền lương hưu được ứng trước, ông Tsipras hoàn toàn có lý do để lo lắng cho số phận chính trị của mình và đảng Syriza. Nếu tiến trình đàm phán trong vài ngày tới vẫn lâm vào bế tắc, cử tri Hy Lạp – những người đã bỏ phiếu để đưa ông lên ghế Thủ tướng và các chủ nợ quốc tế chắc chắn sẽ hành động, đặt dấu chấm hết cho câu chuyện về hành trình cải cách của vị Thủ tướng trẻ.